Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

MÙA THU - NGUỒN CẢM HỨNG CỦA LỜI CA HUẾ

"...Bốn mùa thiên nhiên Xuân Hạ Thu Đông là nguồn cảm hứng bất tận cho các loại hình văn học nghệ thuật..."



MÙA  THU - NGUỒN  CẢM   HỨNG CỦA  LỜI  CA  HUẾ

                                                                                                                VÕ QUÊ

     Bốn mùa thiên nhiên Xuân Hạ Thu Đông là nguồn cảm hứng bất tận cho các loại hình văn học nghệ thuật. Riêng mùa Thu hình như lại gần gũi hơn với thơ ca, âm nhạc, trong đó Ca Huế được xem như là bạn tri âm của mùa Thu, hay nói một cách khác mùa Thu là tri âm của ca Huế, là mạch tình láng lai gợi tứ, gợi hồn cho các văn nhân thi hữu soạn lời ca cho các làn điệu âm nhạc truyền thống Huế.

     Các tác giả khuyết danh, các soạn giả Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Bữu Lộc, Tam Xuyên, Kiều Khê, Vu Hương, Thanh Tùng...đã thể hiện tâm trạng khác nhau trong các hình tướng mùa Thu: hương thu, gió thu, lá thu, trăng thu, sương thu, mưa thu, cảnh thu, chiều thu...Thiên nhiên, Hương Giang, Ngự Bình; tự sự tâm tình đồng cảm buồn vui bàng bạc, lắng sâu trong lời ca Huế ngâm ngợi mùa Thu:

     "Trăng thu tỏ, nước thu càng ngời trong. Khách thiên tài quốc sắc. Cớ cớ trêu bởi Nguyệt lão tơ hồng...Bóng trăng thu còn đó. Còn đó nào người trăng gió. Gió đưa trăng mấy lần..."

                 (Long ngâm - Lời xưa)

     Tình yêu vẫn là đề tài muôn nơi muôn thuở. Tức cảnh sinh tình. Trước vẻ đẹp nhu mì của mùa Thu, tài tử giai nhân Huế làm sao khỏi rung động, xao xuyến lòng kết nối nguồn tình với thiên nhiên:

     "Trăng thu rạng, lai láng dòng Hương. Xui hồn mộng vấn vương...Câu tâm sự gửi cùng thời gian..."

                 (Tứ đại cảnh - Lời Tam Xuyên)

    Vượt lên nỗi đau số phận, kiếp người. Vượt lên chuyện lợi danh huyễn mộng. Tâm hồn người nghệ sĩ là một cõi bình yên, vĩnh hằng cía nghề chơi thanh khí, ngời sáng văn thần:

    "Mấy thu qua rồi lại. Đường khôn dại chơi vơi. Một bước đời, một nỗi buồn vui, tuồng hư thật trêu ngươi...Sắc với tài, danh với lợi tàn phai, tình văn nghệ không phai..."

                 (Tứ đại cảnh - Lời Bửu Lộc)

     Với nhân tình thế thái, giọt mưa thu theo cành lá rụng cũng khơi dòng suy ngẫm về cái buồn vui giữa cuộc đời hệ lụy:

     - "Mưa thu nhẹ, mưa rơi nhẹ theo lá vàng rơi...Ngẫm chuyện đời chẳng khác lá thu rơi. Khôn với dại trò chơi.."

     - "Thu ơi! Mưa thu tình nặng với đời. Thu ơi! vương vấn mãi cuộc đời buồn vui..."

                 (Tứ đại cảnh - Khuyết danh)

     Tình bằng hữu tâm giao cũng quán xuyến gắn bó trong mỗi cung bậc quê hương với lời ca sâu lắng. Qua lời ca hình ảnh bạn bè sống động từ mỗi tâm thức thi nhân. Mùa Thu gợi mối cảm hoài, nghĩa khí tới muôn sau:

     - "Giữa buổi chiều thu, nơi quê người ngồi trông tin bạn. Nơi xa lắc chân trời mờ xa cánh nhạn..."

                 (Tương tư khúc - Khuyết danh).

     - "Thương ai tuyết sương giải dầu. Nơi khách địa biết bao ngày buồn thu. Nơi Hương Ngự thấy thu về nhớ thu...'               

                 (Tứ đại cảnh - Bửu Lộc)


     Dường như khi mùa Thu sang, người ta thường liên tưởng tới nỗi buồn diệu vợi. Có một điều gì đó man mác, vẩn vơ với mối sầu tình đòi đoạn.Buồn thành một tứ u hoài nhưng thanh cao trong mỗi lời ca:

     - " Nghe lá thu rơi nhẹ vào tiết thu tàn. Tiếng mơ màng gợi buồn tàn thu..."

       - "Nhớ thu nào, nhớ đông nào gây sầu ly biệt, ai biết đâu nào...Một niềm thanh cao dài lâu. Vượt buồn đau. Thu về đông lại nhớ mãi lúc đầu..."

                 (Cổ bản - Khuyết danh)


     Sự chia ly đôi ngã trong mùa Thu lại càng da diết theo từng giai điệu. Năm Quý Hợi (1921) khi đang còn làm quan ở Quảng Bình, nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã sáng tác nhiều bài ca Huế, trong đó  bài ca Đêm Thất Tịch đã nói lên được tận cùng nõi đau của phân ly và khát vọng mãnh liệt về một lần gặp gỡ yêu thương qua cuộc tình Ngưu Lang Chức Nữ:

     " Sông Ngân Hà bao nhiêu nước. Chim Ô Thước bắc cầu...Đêm thất tịch duyên định từ lâu, ghi lời hẹn với nhau, qua nhịp cầu Chức Nũ với Khiên Ngưu, cho tỏ dạ vài câu..."

                 (Tứ đại cảnh - Ưng Bình Thúc Giạ Thị)

Khối tình si vì chia ngăn càng thêm nặng. Dẫu ai đen bạc, đổi thay, lòng người Huế như dòng Hương xanh biếc một màu thương:

     " Lá ngô rời rạc rơi thu, trước thềm châu, nỗi lòng man mác. Ngồi giữa canh thâu. Si tình thương bạn ôm cầu. Trước hay sau cứ đen bạc ví dầu. Da trời in nước. Nước sông Hương một màu xanh mướt..."

                 (Nam bình - Khuyết danh)
 
    Thiên nhiên thuần khiết, vẻ đẹp của đất trời xứ Huế đã mang lại cho ta một thang âm đồng điệu. Viết về mùa Thu, lời ca Huế buồn mà không lụy. Sầu phân ly mà chẳng đoạn tình, thu ơi ngày ấy chia ly. Nói lời chi cạn chén phân kỳ (Tương tư khúc - Khuyết danh). Rượu đầy thì tình vơi. Chén phải cạn để tình tràn không hề nhạt phai nghĩa khí tương giao. Và với vầng trăng kia có hiểu thấu tấm can tràng cho ai đang rung cảm trước vẻ đẹp của nghệ thuật ca ngâm:

     " Khúc phụng cầu ai ca nghe giọng càng thêm động, động lòng ta. Ngồi dựa sương sa, chị Hằng Nga thấu cho chăng là..."

                 (Nam Bình - Khuyết danh)

    Ước mơ được tìm thấy nhau trong đời đang ươm mầm hạnh phúc trên từng con đường Huế, bên những bến đò thu, troing những ngôi vườn mộng ngan ngát oanh trảo, ngọc lan hương. Ta chúc nhau mùa thu ngọt lành cây trái, thi tứ viên mãn xuân thời. Theo lời ca Huế xiễn dương mùa Thu cho mình còn trong nhau một đóa xinh tươi:

     " Sang ngang một chuyến thu chiều vương nhiều kỷ niệm. Người đối diện là ai một đóa xinh tươi. Dòng Hương thủy nao nao. Bến xa thuyền chốc đã kề nhau, chừ bốn mắt tương giao..."

                
(Nam ai - Thanh Tùng)

    Xin cám ơn mùa Thu!

    Mùa Thu. Nguồn cảm hứng bất tận của người. Của đời. Của ngày xưa. Hôm nay. Và mai sau.







  `  

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.