Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

GSBS BÙI MINH ĐỨC

 

 

TIỂU SỬ BÁC SĨ BÙI MINH ÐỨC


1952: Tốt nghiệp Tú tài toàn phần, là cựu học sinh trường Trung học Khải Ðịnh (Huế)

1960: Tốt nghiệp Ðại học Y khoa Sài Gòn.

1972:Tốt nghiệp bác sĩ Chuyên khoa Tai Mũi Họng (Ðại học Wurzburg, Ðức), trở thành Hội viên Tai Mũi Họng Ðức.

1973: Chủ nhiệm bộ môn Tai Mũi Họng tại Ðại học Y khoa (Huế).

1975: Giảng viên khoa Tai Mũi Họng Ðại học Louisville, Kentucky (Mỹ)

1976: Hội viên Hội Giáo sư Ðại học AAUP (American Association of University Professors, Mỹ).
1981: Bác sĩ Chuyên khoa Tai Mũi Họng (Ðại học Louisville, Mỹ)

1982: Hội viên Hội Tai Mũi Họng Mỹ.

1995: Hội viên Hội Mũi học Mỹ.

Ðã đóng góp nhiều bài khảo cứu về ngành Tai Mũi Họng tại các hội nghị ở Việt Nam, Mỹ và thế giới. Là người tiên phong trong việc khảo cứu, phát triển Kỹ thuật và phẫu thuật nội soi tai với các báo cáo khoa học tại Hội nghị Tai Mũi Họng toàn cầu (Sydney 1997), châu Á (Manila 1999), châu Âu (Berlin 2000), Mỹ (San Diego 1998) và các Hội nghị chuyên ngành Tai học (Ðại học Toulouse 1998, Ðại học Zurich 1999, Cannes 2000).

Hiện nay: Tìm hiểu và nghiên cứu về văn hóa Huế.

Tác Phẩm:

TỪ ĐIỂN TIẾNG HUẾ in lần thứ I, NXB Tâm An – CaLi Hoa Kỳ (2001), 531 trang.

TỪ ĐIỂN TIẾNG HUẾ In lần thứ II, NXB Văn Học,Trung tâm Quốc Học (2004), 1078 trang

TỪ ĐIỂN TIẾNG HUẾ In lần thứ III, NXB Văn Học, Trung tâm Quốc Học (2010), 2016 trang.

.

DẤU ẤN VĂN HÓA HUẾ NXB Văn Học (2007)


CHỮ NGHĨA TIẾNG HUẾ NXB Thuận Hóa (2008)

DẤU TÍCH VĂN HÓA HUẾ NXB Thuận Hóa (2010)


VĂN HÓA ẨM THỰC HUẾ NXB Văn Hóa Văn Nghệ (2011)

 

*

Huế trong bác sĩ Bùi Minh Ðức


Dành tâm sức để nghiên cứu về văn hóa Huế, bác sĩ Bùi Minh Ðức đã tạo nên những thành tựu đáng trân trọng trong việc bảo vệ, gìn giữ văn hóa dân tộc.

Qua khỏi khu vườn nhỏ rợp bóng mát, chúng tôi được bác sĩ Bùi Minh Ðức đón ngay dưới bậc thềm nhà với câu chào thân thiện rặt giọng Huế: "Răng chi lạ rứa hè. Ngày cuối cùng rời Việt Nam năm ni tui lại có buổi gặp gỡ thú vị như ri". Hai vợ chồng GS.TS. Bác sĩ Bùi Minh Ðức, Việt kiều Mỹ, về Việt Nam nghỉ dưỡng đã được 3 tháng. Gọi là nghỉ, nhưng thật ra, lịch làm việc của bác sĩ Ðức trong thời gian ở Việt Nam đặc kín với những hội thảo chuyên ngành, nghiên cứu, khảo cứu về văn hóa Huế. Một ngày trước khi lên máy bay về Mỹ, ông có lời mời chúng tôi đến "cùng trò chuyện và dùng bữa sáng" với hai vợ chồng ông tại ngôi biệt thự xinh xắn ở Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.


Nghị lực của người con xứ Huế


Chưa kịp yên vị, nhà văn Trần Hữu Lục, một trong những vị khách mời của gia đình bác sĩ Ðức đã báo tin: Quyển "Từ điển tiếng Huế" của bác sĩ Bùi Minh Ðức chuẩn bị tái bản lần 3, với số lượng gần 2.000 trang, gấp đôi lần tái bản thứ 2 vào năm 2004 và gấp 4 lần khi "Từ điển tiếng Huế" được in lần đầu tiên cách đây 6 năm tại Mỹ. Một con số kỷ lục, nếu không nói đó là sự thể hiện một tinh thần làm việc miệt mài, nghiêm túc và tình yêu mãnh liệt của vị giáo sư y khoa đã quá tuổi thất thập.

Bác sĩ Bùi Minh Ðức là con thứ 2 trong một gia đình công chức nghèo ở Thành Nội (Huế). Năm 1960, ông tốt nghiệp Ðại học Y khoa Sài Gòn. Năm 1972, ông tốt nghiệp Chuyên khoa Tai Mũi Họng tại Ðại học Wurzburg (Ðức) và trở thành Hội viên Hội Tai Mũi Họng Ðức. Ông tiếp tục sang Mỹ nghiên cứu. Năm 1973, ông trở về nước làm Chủ nhiệm bộ môn Tai Mũi Họng tại Ðại học Y khoa Huế.

Tháng 2.1975, cùng với gia đình, bác sĩ Bùi Minh Ðức sang Mỹ lần thứ hai và quyết định lập nghiệp nơi xứ người ở tuổi 41. Nhờ một số giáo sư danh tiếng tại Mỹ vốn là người quen biết cũ giới thiệu, bác sĩ Ðức nhanh chóng tìm được việc làm tại trường Ðại học Louisville. Nhưng tấm bằng chuyên khoa ở Ðức không được chấp nhận ở Mỹ. Ông tiếp tục vừa học vừa làm. Ðó là một thử thách không nhỏ đối với người đàn ông là trụ cột của gia đình có 7 đứa con đang tuổi ăn học. Những năm tháng này, theo cách nói của vị bác sĩ đầy lạc quan này là: "Chỉ có chạy, không có đi". Nhờ chịu khó và kiên trì, 6 năm sau, ông đã lấy bằng Chuyên khoa Tai Mũi Họng ở Mỹ.

Sau 9 năm lập nghiệp ở Mỹ, bác sĩ Ðức đã mở được phòng mạch tư. Tạm yên với kinh tế gia đình, niềm đam mê nghề trỗi dậy, ông lao vào nghiên cứu khi đã bước sang tuổi 50. Song, sự bắt đầu muộn màng này lại mang giá trị thực tiễn rất lớn. Từ năm 1992-1994, bác sĩ Bùi Minh Ðức nghiên cứu và báo cáo công trình khảo cứu về mổ nội soi tai tại các hội nghị chuyên ngành ở châu Âu, châu Á. Ông gọi nghiên cứu của mình là "Lối tiếp cận Bùi" (Bùi Approach), một phương pháp điều trị nội soi tai được áp dụng phổ biến trên thế giới.

Năm 1992, ông về thăm quê nhà, trở thành cầu nối giữa các chuyên gia Tai Mũi Họng trong nước và đồng nghiệp quốc tế. Bác sĩ Ðức đã giới thiệu nhiều chuyên gia người Mỹ, Nhật, Pháp sang Việt Nam giảng dạy chuyên khoa Tai Mũi Họng. Nhớ lại cảm xúc lần đầu về quê, bác sĩ Ðức vẫn chưa hết xúc động: "Những năm xa quê, lúc nào trong lòng tôi cũng thổn thức một nỗi nhớ quay quắt. Nhớ những kỷ niệm thời trai trẻ, nhớ những góc phố, những con đường nhỏ, những miếng gạch vỡ trên dãy tường thành Ðại Nội". Nỗi nhớ quê đã trở thành động lực để ông bắt tay vào sưu tập và cho ra đời quyển "Từ điển tiếng Huế" sau 10 năm tìm tòi, nghiên cứu (từ năm 1991-2001).

Ðắm mình trong văn hóa nguồn cội


Năm 2004, "Từ điển tiếng Huế" được tái bản ở Việt Nam. Tại Hội thảo "Tiếng Huế, người Huế và văn hóa Huế" trong Festival Huế 2004, nhà Huế học Phan Thuận An đã nhận xét: Cuốn từ điển này thực sự là một công trình nghiên cứu có giá trị đồ sộ, nói về ngôn ngữ địa phương với một phạm vi hẹp. Soạn giả lại là một nhà nghiên cứu y khoa, chứ không phải là nhà nghiên cứu chuyên về ngôn ngữ học.

Giải thích cho việc tập hợp và ra đời quyển "Từ điển tiếng Huế", bác sĩ Bùi Minh Ðức nói: "Ðó là lời tri ân tôi dành cho người mẹ yêu quý của mình". Nhưng khi đọc những câu chữ bên trong, mới hiểu rằng, tình yêu đó là tình cảm sâu sắc ông dành cho chính quê hương. Ðể có được quyển "Từ điển tiếng Huế" tái bản lần thứ ba dày 2.000 trang này, bác sĩ Bùi Minh Ðức phải thực hiện không biết bao nhiêu chuyến về Huế, đi khắp chốn từ thành thị đến thôn quê để "nhặt nhạnh, săn tìm từng chữ, từng câu, từng ngữ điệu", đúng với nhận xét của nhà văn Trần Hữu Lục. Lối nói chuyện cũng như cách hành văn của bác sĩ Bùi Minh Ðức không cầu kỳ câu chữ, không câu nệ sự bóng bẩy. Ông dùng hai chữ "ghi vội" khi nói đến quá trình sưu tập chữ nghĩa của mình. Chính trong buổi trò chuyện với nhóm bạn lưu niên người Huế tại gia, ông cũng nhiều lần rút quyển sổ tay nho nhỏ trong túi để ghi vội những phương ngữ Huế mới nghe được. Khi được hỏi: "Huế chỉ là một địa phương, ngôn ngữ của Huế chỉ có thể gọi là phương ngữ, là giọng Huế chứ sao lại là tiếng Huế?". Bác sĩ Ðức giải thích: "Trong tiếng Huế có giọng Huế, có đầy đủ cả ngôn và từ, những yếu tố cấu thành một phạm trù tiếng chứ không đơn thuần là giọng". Ngoài việc tái bản lần ba quyển "Từ điển tiếng Huế" dày 2.000 trang cuối năm 2007 này, bác sĩ Bùi Minh Ðức sẽ trình làng tập sách "Dấu ấn văn hóa Huế". Ðây là tập bút ký về những lối ăn, lối chơi, lối nói, các loại muối và cả những loại ma Huế.Người phụ nữ bên cạnh ông vốn là một cô giáo cùng quê. Chị có giọng nói nhẹ nhàng và một tính cách đằm thắm của phụ nữ Huế xưa. Chính trong cái nôi gia đình ấy, những người con của ông cũng ảnh hưởng sâu sắc nét Huế của bậc sinh thành: thích ăn món Huế, nói giọng Huế... Và trong 7 người con, đã có 4 người theo nghiệp y khoa của bố.
Ông đã dành cuộc đời mình để cống hiến cho các công trình y khoa có giá trị trên thế giới. Trước khi chia tay, ông còn nói: "Ðiểm dừng cuối đời của mình sẽ "chìm đắm" trong văn hóa Huế, để góp phần bảo tồn văn hóa Huế".

Hằng Nga

Nguồn: http://vietkieu.vn/Articledetail.aspx?tabid=&articleid=1920

*

Trầm tích tiếng Việt trong Từ điển Tiếng Huế


Tôi đã có lần viết về Giáo sư- Bác sĩ Bùi Minh Đức như “con ong miệt mài hút mật cho đời”. Ông đã có nhiều chuyến đi điền dã sau mỗi lần về thăm Huế. Ông đã lặn lội một đời văn hoá để nhặt nhạnh,săn tìm,phát hiện,ghi chép,ghi âm,chụp ảnh từng con chữ “với ý nghĩa cuộc đời và gốc gác văn hoá của nó”. Ông đã sống với xứ Huế,con người Huế và văn hoá Huế  từ thời thơ ấu,hoa niên,trưởng thành cho đến ngày nay. Ông đã trước tác và biên khảo “Dấu ấn văn hoá Huế” (2007) và “Chữ nghĩa tiếng Huế” (2008), nhưng đồ sộ hơn cả là bộ “Từ điển Tiếng Huế”. Năm 2001, “Từ điển Tiếng Huế “do NXB Tâm An – Cali, Hoa Kỳ ấn hành lần thứ nhất dày 531 trang khổ 16x24 cm. Trong cuốn tự điển này hầu hết là phương ngữ và phần còn lại là Tiếng Việt trên địa phương Thừa Thiên Huế. Đây là “Từ điển phương ngữ đầu tiên có qui mô trong loại từ  điển Việt Nam”. Năm 2004, “Từ điển Tiếng Huế” do NXB Văn Học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học ấn hành lần thư hai dày 1.038 trang. Và năm 2009, “Từ điển Tiếng Huế” do NXB Văn Học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học ấn hành lần thứ ba dày 2016 trang, gồm có 2 cuốn Thượng và Hạ.

Nếu so sánh giữa ba lần in trong vòng 9 năm của thời gian 20 năm sưu tầm, phát hiện thêm tiếng Huế của ông thì lần sau in có số trang gấp đôi với lần trước. Hơn 2.016 trang từ điển đã ẩn chứa, trầm tích mà ông đã miệt mài tìm kiếm, phát hiện từ vỉa tầng văn hoá Huế. Và ông vẫn làm con ong miệt mài hút mật cho mình và cho đời!

Có lần, tôi theo ông đi điền dã. Đi thuyền ngược dòng sông Hương để sưu tầm từ “ái cá” trên tấm bia đá “Thạc bái châu” (Bãi rái cá lạy) được tạc dưới thời Minh Mạng. Tấm bia này đã được dựng bên bờ sông Hương gần cầu Tuần. Ông đã có thao tác rất nhà nghề: chụp hình, ghi chép, ghi âm từ văn bia của “Thạc bái châu” do nhà báo Hồ Vĩnh là người am tường chữ Hán, chữ Nôm dịch lại.

Phải gần 20 năm ông mới hoàn chỉnh và ấn hành 2.016 trang từ điển, thể hiện một quá trình lao động nhọc nhằn, nghiêm túc, cần cù, chân thực, tinh tế, tự tin và bản lĩnh. Ông đã vận dụng ngôn ngữ sắc sảo, khi thì nghiêm cẩn, lúc thì có giọng điệu vui tếu dí dỏm…Đọc và tra cứu từ điển mà không có  cái cảm giác mệt nhọc, nặng nề. Nhiều từ, nhiều cụm từ qua cách giải thích dí dỏm của ông, làm cho  người đọc  thích thú, bất ngờ và cùng cười thầm với ông.

Trong lần in thứ ba năm 2009,những trang từ điển có chọn in nhiều hình ảnh minh hoạ. Trong một số từ, cụm từ  rặt Huế thì có thêm phần văn hoá đối chiếu, như các cụm từ: Ông Kẹ Huế, Bửa lợ, Muối chay, Ngứa nghề, Trà chiều…Có thể chia sẻ sự vất vả, bền bỉ, miệt mài và linh hoạt với tác giả khi tra cứu từ điển lần in thứ ba -2009. Có tra cứu mới biết có đến 19 loại muối Huế, có 80 chợ lớn, nhỏ, 82 loại áo mặc từ cung đình đến dân dã, có trên 20 tên sông nổi tiếng  và sông đào, 12 loại trầu ăn… trên miền đất Thừa Thiên Huế. Trầm tích văn hoá trong Đồ ăn Huế , Ào Huế và Hò Huế có nhiều vỉa tầng đa dạng và phong phú .Chỉ mới tìm từ “Đồ ăn Huế “thì đã phát hiện thêm về nghệ thuật ăn uống (ẩm thực) xứ Huế thật công phu và điệu nghệ: từ cách nấu, lúc ăn, chén bát đến chỗ ngồi ăn… Trong số 51 loại hò Huế mà ông đã sưu tầm được  thì có hò thanh, hò tục, hò phàm, hò trong lúc làm việc, lúc nghỉ ngơi, trong các lễ hội…Hò Huế nổi tiếng với các điệu hò mái nhì, hò giã gạo, hò đưa linh, hò bài tới, hò bài thai, hò bài chòi, hò thả thơ, hò đâm bắt...Xin dẫn một câu hò đâm bắt có ý tục ngầm trong đối đáp. Nữ: “Lộ vàng, lộ bạc, lộ em/ Hỏi anh ba lộ, anh thèm lộ mô ?”. Nam: “Anh xem ba lộ cũng vững vàng/ Hai lộ làm giàu làm có, một lộ để nối đàng tử tông”. Hò Huế  là một di sản phi vật thể, một kho tàng văn hoá giàu có, đặc trưng của xứ Huế.  Có tra cứu mới biết tác giả đã dẫn nguồn từ đâu? Từ tục ngữ, hò vè, ca dao, thơ ca, truyện cổ, lời kể , giai thoại… như thế nào? Nhưng không phải đấy là con đường khá bằng phẳng.

Phải đến lần in thứ ba, lật trang 1264  thấy có cụm từ “Ngựa Thượng Tứ” cũng được giải thích như lần in thứ hai nhưng đã có thêm phần văn hoá đối chiếu với nước Anh (Ở bên Anh, chuồng ngựa của Nữ Hoàng Anh là “Royals News “ tương đương với chuồng ngựa Thượng Tứ bên ta) , đối chiếu với nước Mỹ (Tiếng Mỹ “Horse around” là ngựa dồn chung lại thường thích nhảy lên nhau). Và tôi đã tìm thấy từ “Cụ Ngáo”từ lần in  thứ ba. Cụ Ngáo là đao phủ lừng danh ở Huế một thời, đã chém Thái Phiên và Trần Cao Vân ở cống An Hoà ngày 15-7-1916 trong vụ khởi nghĩa hụt của vua Duy Tân. Về sau, cụ Ngáo bỏ nghề đao phủ xoay qua nghề bắt chó, bán thịt chó. Đằng sau cụm từ “Ngựa Thượng Tứ”, từ “Cụ Ngáo” là một giai đoạn lịch sử  đau buồn của cố đô Huế. Cũng ở trang 1264 có từ “ngao” (cái ngao) được giải thích là vỏ hến, vỏ sò, con nghiêu thường dùng đựng thuốc. Và cũng được giải thích (ngụ ý tục) là “Mặt răng ngao rứa”, từ đó mới có câu:” O tê o tể o tề/ Mặt trên thì rứa, mặt tề thì răng”. Cũng được giải thích là gầy gò,xanh ốm (Cái măt ngao như mặt mèo).

Tôi tình cờ vào trang 1099, đọc thấy chữ “lưa” được giải thích như sau: còn lại, sót lại, chừa lại. Dẫn chứng “Trận này ai chết, ai lưa”(Vè Thất thủ Kinh đô).Và giải thích thêm: Từ chung là lưa thưa, có gốc là thưa, còn lại đôi chút thôi, còn lại thưa. Có thể nghĩ thêm về từ “lưa” là một từ rất Huế, đứng độc lập, có nguyên nghĩa của nó, như trong câu vè Thất thủ kinh đô “Trận này ai chết ai lưa”. Cũng có nghĩa như trên trong một câu thơ của một thi sĩ Huế sáng tác vào những năm 1959,1960: “Em về không có chi đưa/ Có màu vàng dại còn lưa giữa chiều”. Nó còn lại nhưng níu kéo, mất mát, hao hụt và thật mong manh. Từ “lưa” chỉ có ở Huế, nó đi vào ca dao, câu hò, thơ ca…Tôi làm thơ và cũng có lần dùng từ này như một biểu lộ về sự mất mát, níu kéo, mong manh: “Tháng năm tìm về bến cũ/ Chút nắng còn lưa giữa dòng/ Nguyệt cầm giờ chìm đáy sông/ Thanh âm vấn vương tiếng gọi” (Nguyệt cầm).

Dấu ấn văn hóa lịch sử xứ Huế trong hành trình đến với quê hương của Giáo sư - Bác sĩ Bùi Minh Đức  không chỉ là sâu sắc, đậm đà mà chính ông đã hòa mình vào dòng chảy văn hóa Huế. Như con ong vẫn miệt mài hút mật cho đời. Dù chỉ là một từ, một cụm từ… qua những  phân tích, lý giải đầy đặn, chân thật, tinh tế, sâu sắc, phối hợp với minh họa hình ảnh và đối chiếu văn hóa, ông  có thể xới lên nhiều vỉa, tầng văn hóa, lịch sử, số phận con người và khơi gợi nhiều dấu ấn  vốn trầm tích qua bao biến thiên của lịch sử 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân- Huế và  hàng nghìn năm của đất nước. Ông sẽ còn tiếp tục với công trình văn hóa của thế kỷ- “Từ điển Tiếng Huế” trên  dòng chảy văn hóa  xứ Huế.

Trần Hữu Lục

Nguồn: http://honvietquochoc.com.vn/Van-hoc/Ly-luan-phe-binh/Tram-tich-van-hoa-trong-Tu-dien-Tieng-Hue.aspx

*

Vị giáo sư y khoa và cuốn Từ điển Tiếng Huế


Lần đầu tiên một cuốn từ điển đồ sộ hơn 1.000 trang về tiếng Huế và ngôn từ xứ Huế trong đời sống hằng ngày đã được biên soạn công phu. Chủ nhân của cuốn từ điển lại là GS, Bác sĩ Bùi Minh Đức, người nổi tiếng trong giới Y học với công trình nghiên cứu: "Điều trị nội soi tai" được ứng dụng trên toàn thế giới.



"Đây là cuốn từ điển chưa từng có ở Huế, cũng như ở đất nước Việt Nam ta" - Đó là lời nhận xét đầu tiên của ông Nguyễn Đắc Xuân khi ông hào hứng nói với chúng tôi về cuốn sánh này tại cuộc Hội thảo khoa học về: "Tiếng Huế, người Huế và văn hóa Huế" - tên cuộc Hội thảo trích nguyên lời tựa đề trong cuốn Từ điển tiếng Huế của soạn giả Bùi Minh Đức - nhân dịp Festival Huế 2004.

"Cuốn từ điển này thực sự là một công trình nghiên cứu có giá trị, đồ sộ nhất xưa nay ở Việt Nam ta nói về ngôn từ địa phương với một phạm vi rất hẹp do một soạn giả không phải là nhà nghiên cứu chuyên về ngôn ngữ học biên soạn mà lại do một nhà nghiên cứu y khoa dày công dựng nên". Đánh giá về cuốn từ điển này, ông Phan Thuận An đã không giấu sự xúc động.

Bác sĩ Bùi Minh Đức, Trưởng bộ môn tai mũi họng Bệnh viện Y khoa Huế cách đây gần 30 năm đã cùng gia đình sang Mỹ định cư và ông là giảng sư tại trường LOUISVILLE tại bang Kentusky.

Câu chuyện về cuốn từ điển bắt đầu từ những năm 1991, khi ông nhận được tin người mẹ yêu quý của mình đã qua đời. Tình cảm của một người con hiếu thảo, lâu nay bị công việc và cuộc sống dồn nén, lúc bấy giờ mới vỡ òa ra. Không kìm nén được nỗi lòng thổn thức, ông đã bỏ cả bệnh nhân và đồng nghiệp ngoài phòng khám, vào phòng trong bật khóc. Những ngày sau đó, cùng những trăn trở về đời người, về tình mẫu tử thiêng liêng về nơi quê cha, đất tổ và nguồn cội của mình ông đã mắc chứng mất ngủ. Trong đêm, đặc biệt là vào lúc ba giờ sáng trở đi, những lời dạy dỗ của mẫu thân ông như luôn vang lên, ngân nga đâu đó trong tiềm thức mơ hồ. Cứ thế, vừa nhớ, vừa ngẫm nghĩ ông nghiệm ra một điều: Tiếng nói quê hương thật sâu lắng, thâm trầm và thương mến biết bao. Càng nghĩ càng ngẫm, càng thấm những giá trị nhân văn nhân bản vô bờ bến. Và bất chợt ông đã nảy ra ý định sao chép lại toàn bộ những câu nói, lời dạy và những câu từ mà mẹ ông thường nói, thường dùng.

Từ tình yêu sâu sắc của một người con dành cho mẹ, ông đã đến với tình yêu rộng lớn hơn là tình yêu dành cho quê hương, xứ sở. Để sau đó, ròng rã mười năm (từ 1991 đến 2001) ông đã cho ra đời cuốn Từ điển tiếng Huế đầu tiên tại Việt Nam với số lượng là: 530 trang in tại California (Hoa Kỳ). Và ngay lần xuất bản đầu tiên đó, đã có rất nhiều người tìm mua, sưu tầm và photo copy.

Trong lần tái bản thứ hai này, số lượng từ ngữ bổ xung đã lên tới 1.000 trang (in tại TP.HCM - Việt Nam). Và có thể trong lần tái bản thứ ba, số lượng trang sẽ lên tới 1.500 trang vì hiện nay, trong phòng làm việc của ông đã có 1.200 trang bản thảo.

Chính thời gian làm bác sĩ ở bệnh viện Y khoa Huế cùng tổng số 45 năm sinh sống và làm việc tại mảnh đất Cố đô này đã giúp ông được tiếp xúc với nhiều người khác nhau, ở nhiều địa phương khác nhau và đó là nguồn cung cấp vốn từ phong phú cho ông khi bắt tay vào làm cuốn Từ điển tiếng Huế.

Lời nhận xét của nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân về cuốn Từ điển tiếng Huế: "Đây là cuốn sách chưa từng có tại Huế cũng như tại Việt Nam. Đây là cuốn sách mang nhiều phương diện, ông đã ghi lại được phương ngữ của Thừa Thiên-Huế mà phương ngữ này đang bị mất đi cùng với sự hiện đại hóa, ông đã ghi lại được tiếng của các mệ và tiếng của Hoàng tộc. Ông ghi lại được những từ Hán Việt hóa, chữ Tây Việt hóa mà chỉ ở Huế với có. Đặc biệt là ông đã tìm được những chữ gốc người Chàm, Huế chưa bao giờ có từ điển về loại này. Đấy là về Tiếng, nhưng ở đây ông không chỉ có tiếng mà còn có sự kiện. Quý giá nhất là những sự kiện này ở Huế cũng như ở Việt Nam chưa từng có ai viết, đây là những sự kiện có tính chất dân gian nhưng rất cần thiết. Đặc biệt là những sinh hoạt trong thôn quê hay trong cung đình mà cho tới hôm nay không còn tồn tại trong đời sống nữa. Một điểm nữa là ông đã ghi được những từ khoa học nói theo tiếng Huế, kiểu Huế. Có lẽ do ông là một nhà khoa học nên ông đã làm được việc này. Và điều rất đáng trân trọng là ông đã viết cuốn sách với một sự khách quan".

Khi giãi bày về niềm đam mê và những khó khăn trong quá trình xây dựng cuốn từ điển ông đã cho biết: "Nói đến Tiếng Huế là nói đến Ngôn từ xứ Huế. Ở đây có cả Ngôn và có cả Từ. Tiếng Huế không chỉ có các từ đơn như: Mô, Tê, Răng, Rứa... mà còn có cả những câu văn hoa - rất hợp với phong cách kín đáo của người Huế là nói ít hiểu nhiều - sử dụng ca dao, tục ngữ như: "Con ơi, giàu làm kép, hẹp làm đơn". Hay những câu nói chữ thâm thúy, ý nhị, có xuất phát từ cách nói của những nhà nho, những quan lại xưa ở đây, rồi dân chúng sử dụng nhiều, thành quen, thành những câu nói thông tục. Cách nói theo điển tích như: "Vắng như chùa Bà Đanh" hoặc lấy từ các tích tuồng hát bội như: "Kéo cả bầy họ Tạ" trong tuồng Sơn Hậu. Rồi cách nói bóng gió, cách nói lắt léo, cách nói tiếng lóng, cách nói lệch nghĩa, trệch chữ, cách nói kiểu cách, cách nói tránh kỵ húy, cách nói trong Nội. Đặc biệt là những câu nói...tục, những câu nói lái. Bởi dù ở đâu, ở nơi nào dù như đất cố đô thì cũng không thể tránh được những lời nói kiểu đó như: "Tên o đó là Bách Diệp". "Bách Diệp" tức là "trăm lá" trăm lá là "tra lắm" (tức "già lắm") để chê cô gái đã già. Còn nếu như có một ông chú nào đó mà ăn ở không xứng ngôi, tức không xứng đáng là chú thì gọi người chú đó là: "Chú trong họ" tức là... "chó trong hụ". Hay thô tục hơn nhưng ...gây cười hơn là: "Mụ đắc", "Tôn lò", "Cụ đệ bất kể số chi"... Nếu tính ra số đếm thì phải đến 11 cách cả thảy. Như vậy, tiếng Huế với tôi không chỉ là ký ức, là sự giãi bày những tâm sự mà còn là niềm đam mê khi đi vào thế giới của chữ nghĩa".

Đã không ít người thắc mắc: Nếu ông bận như thế thì lấy thời gian thế nào và nguồn từ từ đâu để một mình viết nên cuốn sách đồ sộ đó. Không nghĩ ngợi nhiều, ông nói: "Cùng với thời gian 45 năm ở Huế, thời gian làm bác sĩ tai mũi họng đã cho tôi được nhiều vốn từ. Về sau, trong những cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại với nhiều người già, đã luống tuổi, với nhiều người hiểu biết xứ Huế, chúng tôi cũng đã có dịp gần gũi để thâu nhận các chữ Huế xưa. Khi đã thực sự bắt tay vào công việc viết cuốn từ điển, tôi đã trở về Việt Nam, đi điền dã tại Thừa Thiên-Huế, vào những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, nơi những tiếng Huế xưa chưa bị ảnh hưởng bởi quá trình chuẩn hóa tiếng Việt. Tôi còn phải đọc rất nhiều sách về ca dao, tục ngữ, hò, vè của con dân xứ Huế. Trong đó chúng tôi đã có được các quyển ca dao tục ngữ vô giá của các tác giả JM Nguyễn Văn Thích, Tôn Thất Bình, Triều Nguyên... để lần lượt đưa vào cuốn Từ điển tiếng Huế. Các cuốn từ điển cổ như Từ điển Việt-Bồ-La của Cha cố Alexandre de Rhodes, của Taberd, của Huỳnh Tịnh Của.... đều được chúng tôi rà đi rà lại để tìm các chữ Huế xưa. Tôi cũng không quên đọc các loại sách báo nghiên cứu về ngôn ngữ, về cách dùng từ đương thời. Rồi qua nghiên cứu các địa danh chính tại Huế, những tên gắn liền với Huế với những nơi được nhắc nhở trong các câu ca dao, tục ngữ, câu hò, điệu hát... Hơn thế nữa, một nguồn cung cấp tư liệu dồi dào cho tôi là qua các liên lạc, liên hệ. Rất nhiều người đã lẳng lặng sưu tập và gửi cho tôi như một món quà vô giá".

"Còn thời gian thì tôi chia làm 4 phần trong ngày: 1/4 nghiên cứu, 1/4 hành nghề, 1/4 dành cho gia đình, con cháu, 1/4 để viết cuốn từ điển. Tôi làm rất miệt mài nên không cảm thấy bí bách về thời gian".



Có một điều mà ông luôn suy nghĩ, đó là để có được thành công như hôm nay, phải chăng bà cụ thân sinh ra ông đã phù hộ. Bởi vì song hành với sự hoàn thành cuốn từ điển, ông cũng rất thành công trong lĩnh vực y khoa. Trong Hội nghị Quốc tế các nước vùng Á Châu tổ chức tại Jakarta (Indonesia) ông đã đưa ra "Lối tiếp cận của Bùi" (Bùi Approach). Đây chính là phương pháp điều trị nội soi tai.

Rất nhiều nhà nghiên cứu và độc giả khi xem xong cuốn từ điển, đã phải khâm phục trước sự dày công và cách làm việc khoa học của ông. Song ông cũng gặp không ít khó khăn khi bắt tay vào công việc. Điểm khó khăn nhất mà ông vấp phải sắp xếp chữ theo thứ tự A, B, C, D, bởi bên đó chưa có phần mềm theo ký tự này và ông phải thuê người tạo ra phần mềm này. Để cẩn thận hơn, ngoài bản lưu trên máy tính, ông còn giữ một bản viết tay để đề phòng bất trắc.

Trong sự làm việc miệt mài và công phu, ông Bùi Minh Đức còn gửi gắm vào đó cả tấm lòng mình. Ông không những dồn nhiều tâm sức để sưu tầm tư liệu mà còn đổ nhiều mồ hôi để tìm những lời minh họa, lý giải phù hợp, dí dỏm và cuốn hút. Chính vì thế cuốn Từ điển tiếng Huế của ông không chỉ đơn thuần là một sự giải nghĩa khô cứng mà nó giống như một cuốn "bách khoa toàn thư" về sự liên hệ giữa tiếng nói và nền văn hóa của mảnh đất Cố đô vẫn còn chất chứa đầy những sự bí ẩn thú vị. Trong tương lai, ông còn mong ước, lần tái bản sau cuốn Từ điển này sẽ được dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp, để không chỉ đời đời con cháu những người dân xa sứ biết, hiểu được ngôn ngữ, nguồn gốc của mình mà cả bạn bè quốc tế cũng dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu mảnh đất được công nhận là Di sản thế giới!

Theo Thục Nhi – VietNam net

Nguồn:http://vietbao.vn/Van-hoa/Vi-giao-su-y-khoa-va-cuon-Tu-dien-Tieng-Hue/20161669/181/

*

Bùi Minh Đức - Con chình hoa nhớ cội

GSBS Bùi Minh Đức ký tặng sách "Văn Hóa Ẩm Thực Huế "tại KS Duy Tân, Huế, 30.5.2011.

*

GSTS Bùi Minh Đức - một bác sĩ gốc Huế sống xa quê hương - đã dành hơn 10 năm trời (và vẫn đang tiếp tục) thai nghén cuốn Từ điển tiếng Huế.


Xa nước, người VN ở hải ngoại vẫn đau đáu hướng về quê nhà. Mỗi người, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của mình mà có những cách làm khác nhau để tỏ lòng biết ơn mảnh đất đã sinh thành ra mình.

Ra đời năm 2001, do nhà xuất bản Tâm An ấn hành, cuốn từ điển đã được GS Nguyễn Khắc Hoặc - Viện trưởng Viện Việt học Hoa Kỳ đánh giá: “Là cuốn đầu tiên có quy mô trong loại từ điển phương ngữ Việt Nam”.

Khó có thể nói hết những khó nhọc ròng rã 10 năm trời của GSTS Bùi Minh Đức. Động lực lớn nhất như một thứ ánh sáng tâm linh giúp ông hoàn thành cuốn từ điển là nỗi khát khao muốn được “vơi bớt nỗi đau mất mẹ, chúng tôi đã ghi vội những chữ mà mẹ chúng tôi thường dùng”. Cái “ghi vội” ban đầu ấy là một cuốn vở học trò, để 10 năm sau lừng lững một cuốn từ điển khổ to dày 600 trang.

Lục tìm trong ký ức 40 năm sống gắn bó với Huế, gặp gỡ những người lớn tuổi trong nước và cộng đồng người Việt ở hải ngoại, mỗi năm một vài lần lặn lội về Việt Nam đi đến tận các vùng sâu vùng xa của Huế xưa, ghi vội những gì có thể nghe thấy được trên đường, GSTS Bùi Minh Đức không nề hà khó nhọc. Ông giống như một khách lữ hành đi trên con đường dài và xa, lượm và chắt chiu từng viên đá nhỏ để xây dựng một tòa lâu đài.

Mỗi con chữ dọc đường được ông nhặt lên, phủi sạch bụi bặm rồi xếp vào “kho” từ điển với ý nghĩa cuộc đời và gốc gác văn hóa của nó. Đó không chỉ là tiếng Huế cổ, những điệu hát, câu hò, những lời nói văn hoa, mà còn là đời sống với cội nguồn sâu thẳm của một vùng đất chằng chịt văn hóa và đậm đặc tâm linh.

Không ngoa khi nói Từ điển tiếng Huế là một “lục địa” văn hóa mênh mông với những tên đất, tên người, các phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói rặt Huế.

Tôi thỉnh thoảng vẫn bật cười một mình trước một số mục từ ngộ nghĩnh mà GSTS Bùi Minh Đức giải nghĩa, chua thêm gốc gác và ngữ dụng của nó. Nhất là những mục từ bây giờ ít người dùng, tần số xuất hiện thấp nhưng hàm lượng văn hóa lại rất cao, mà nếu một ngày nào đó mất đi sẽ là tổn thất không nhỏ cho phương ngữ Huế nói riêng và tiếng Việt nói chung.

10 năm trời, đó là một khoảng thời gian dài đằng đẵng. Suốt 10 năm ấy không phải lúc nào GSTS Bùi Minh Đức cũng có thời gian để chăm chút cho cuốn từ điển của mình. Để có một mục từ nhỏ, ông phải chắt chiu từng chút thời gian quý báu.

Nếu không có tâm huyết với quê cha đất tổ, không có tấm lòng dành cho quê hương, không có sự thôi thúc thường xuyên của nỗi nhớ nguồn cội... thì khó có thể đi chặng đường dài để hoàn thành cuốn từ điển phương ngữ quy mô như thế.

Nếu cuốn từ điển do một GSTS ngôn ngữ học thực hiện thì chẳng có gì để bàn, nhưng người làm từ điển về ngôn ngữ lại là một bác sĩ thì đó là một sự lạ. Cái sự lạ này còn lạ hơn khi cuốn từ điển khá thành công, được giới chuyên môn đánh giá cao bởi phương pháp khoa học và nét riêng đặc thù của ý đồ tác giả. Tính chất địa phương học gần như bao trùm tác phẩm.

Ở đây, bản sắc văn hóa Huế đã thực sự chinh phục bạn đọc, dẫu là bạn đọc khó tính nhất. Trước sau, Từ điển tiếng Huế vẫn dành cho số đông những người Huế và yêu Huế trong lúc xa quê có thể trở về với Huế bằng những mục từ tưởng chừng như chẳng có chút gì gắn bó với đời sống hiện đại. Nhưng đó là cả một quá khứ vàng son của tuổi thơ, những ngày cắp sách đến trường, và có khi là một mối tình đầu dang dở...

Ở tuổi “nhân sinh thất thập” ông có những lý do để nỗ lực làm một điều gì đó mà ông thấy là có ý nghĩa nhất. Mái tóc bạc trắng của người bác sĩ già như đã bạc thêm để từng ngày hoàn thiện cuốn từ điển.

Cứ về Huế là ông lại đi điền dã, lăn lộn khắp nơi để săn tìm cho được những từ Huế cổ. Ông kể cái cách mình làm Từ điển tiếng Huế như là người đào đất để đắp núi, một đời người chưa chắc đã xong. Nhưng đó là một “cuộc chơi” lớn, cuộc chơi của cả một đời người.

Ở vùng thượng nguồn sông Hương và sông Bồ có một loài cá chình hoa vốn sinh ra từ biển Đông. Người ta không thể giải thích được tại sao cá chình hoa sinh ra ở biển, nhưng sau đó lại sống ở vùng nước trong núi cao. Và để rồi cuối đời, nó lại xuôi theo sông về biển, sống những giây phút cuối cùng tại nơi mà nó đã sinh ra.

Giây phút trở về với Biển Mẹ, trước khi thân xác tan rã ở độ sâu 300 mét, con cá chình hoa còn kịp để lại những chiếc trứng nhỏ nối tiếp vòng đời tử sinh, bỏ lại sau lưng vinh quang và mù lòa để thực hiện một lời nguyền của bản năng tâm linh là về với cội nguồn.

Và có lẽ là hàng đêm cũng như bao nhiêu người xa Tổ quốc, GSTS Bùi Minh Đức đã thao thức tìm về cội nguồn. Tôi hình dung ông như một con cá chình hoa trong cuộc hành trình trở về nguồn cội. Ở đó, ông sống với niềm tin về một tâm linh văn hóa bất diệt.

Theo Nguyễn Xuân Hoàng (Quê hương)

Nguồn:http://www.tienphong.vn/Kieu-Bao/15139/Bui-Minh-Duc---Con-chinh-hoa-nho-coi.html

*

Giữ gìn một tài sản của xứ Huế


 


TTCN - Tác giả cuốn Từ điển tiếng Huế không phải một nhà ngôn ngữ học hay một nhà nghiên cứu Huế mà là bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng hiện sống ở Mỹ. TTCN trò chuyện với bác sĩ Bùi Minh Đức nhân chuyến về Huế của ông để đi điền dã, thu thập thêm tài liệu nhằm hoàn thiện cuốn từ điển phương ngữ này, chuẩn bị tái bản.

+ Cơ duyên nào đưa bác sĩ đến với cuốn Từ điển tiếng Huế?

- Mọi chuyện khởi đầu từ hơn mười năm trước (1991), khi điện thoại từ quê gọi sang Mỹ báo tin mạ tôi mất. Những ngày sau đó hình ảnh mạ tôi với những lời ân cần dạy bảo cứ như vang lên trong tâm trí, thôi thúc tôi cầm bút ghi liền một mạch những lời của mạ.

Đọc lại mới thấy nhiều từ, nhiều tiếng mạ tôi nói, giờ ít thấy người Huế dùng nữa. Thế là tôi nảy sinh ý nghĩ phải ghi lại cái tiếng nói rất riêng đó của Huế (chẳng hạn tiếng mẹ người Huế lại nói mạ). Lúc đầu chỉ chuyền tay nhau đọc để nhớ Huế, nhưng sau đó tôi nghĩ sao mình không mở rộng ra cho nhiều người đọc để cùng giữ một thứ tài sản cho Huế.


Tôi phải bỏ ra hai năm đọc các quyển từ điển và các sách ngữ học để nắm vững nguyên tắc làm từ điển. Về mặt từ điển, tôi tuân thủ đúng nguyên tắc cấu trúc vĩ mô và vi mô, các quan hệ dọc và ngang của các mục từ, thứ tự theo bảng chữ cái và dấu thanh của tiếng Việt. Về mặt tiếng Huế, tôi phải xác định rõ tiêu chí thế nào là tiếng Huế? Trong quá trình tập hợp mục từ, tôi sử dụng tất cả mọi nguồn tư liệu.

Trước hết, đó là vốn tiếng Huế có trong ký ức của tôi suốt 40 năm sinh sống ở quê nhà do tôi đã tiếp xúc với đủ thành phần con dân xứ Huế, từ thành thị đến nông thôn qua công việc của một bác sĩ.

Từ ngày đó, mỗi năm tôi luôn dành thời gian để về Huế hai lần, mỗi lần cả tháng, để đi điền dã từ những làng phía bắc Thừa Thiên như Phước Tích cho đến tận Truồi, Lăng Cô phía nam, từ Thanh Tân Ồ Ồ phía tây cho đến Sịa, Mỹ Lợi phía đông, nơi tiếng Huế xưa còn ở những làng quê. Buổi sáng tôi la cà những hàng quán vỉa hè, rồi vào chợ Đông Ba, An Cựu, nơi có tiếng Huế của giới bình dân.

Một nguồn tiếng Huế nữa nằm trong ca dao, dân ca, tục ngữ được sưu tầm từ trước đến nay. Tất nhiên, không thể bỏ qua vốn tiếng Huế của 300 năm trước trong cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes, và tiếng Huế trong những từ điển của Pigneau de Béhaine, Taberd, Ganibrel, Huỳnh Tịnh Của... Ngoài ra còn phải kể đến nguồn tiếng Huế do bạn bè, người thân từ Huế và người Huế sống ở các nước tập hợp rồi gửi cho tôi.

+ Nhưng làm sao khẳng định là tiếng Huế với khá nhiều từ không chỉ người Huế mà người các địa phương khác vẫn nói, chẳng hạn: mô, tê, răng, rứa…

- Trước hết, đó là tiếng nói của người Huế mà nơi khác không nói; thứ nữa đó là tiếng mà một vài địa phương lân cận cũng nói nhưng người Huế dùng nhiều hơn, thích dùng nhiều hơn và nó thể hiện tính cách, gần gũi tâm tư, tình cảm người Huế hơn. Tương tự, các thành ngữ, điển tích, điển cố phổ biến, người nhiều nơi vẫn dùng, nhưng tôi vẫn đưa vào tiếng Huế bởi người Huế đặc biệt rất thích lối nói văn hoa, chữ nghĩa. Chẳng hạn: “Hai đứa hắn đeo nhau như Ngưu Lang - Chức Nữ”. Nếu không có thêm tiêu chí mở này thì tiếng Huế sẽ rất ít ỏi.

Trong từ điển này nhiều nhất vẫn là tiếng Huế thổ ngữ, của những làng, những xóm vùng quê. Chẳng hạn, người làng Phước Tích (Phong Điền) gọi đồ gốm do họ làm ra là đôột đôột. Một thứ tiếng Huế đậm đặc nữa do cách nói biến âm, chệch âm; chẳng hạn âm nh người Huế cứ nói thành âm d: nói nhỏ nhỏ thành nói dỏ dỏ; âm giữa o thành u: giống như thành giúng dư.

Huế là kinh đô một thời nên trong tiếng Huế có một số từ đặc biệt liên quan đến quan chế, triều đình. Ngoài ra, còn có nhiều từ do lịch sử hoặc môi trường sống riêng Huế tạo ra như bão năm Thìn, lụt 1953, thất thủ kinh đô (thời Pháp)... Và khá nhiều từ do người Huế kỵ húy nên đọc trại mà ra, như: hoa nói thành huê, long thành luông, hoàng thành huỳnh...

+ Và có khá nhiều tiếng tục nữa…

- Tiếng tục mà giới bình dân hay dùng là cách thể hiện ái, ố, hỉ, nộ của họ. Người ta thường bảo tiếng Huế là thứ tiếng sang trọng, thanh tao, nhưng đó là tiếng Huế của vương triều, hoàng tộc và số người Huế đó chỉ là một bộ phận.

+ Mỗi người Huế đang giữ trong mình một phần tiếng Huế, ông có quan tâm góp nhặt những phần tài sản tản mát nhưng rất dồi dào ấy không?

- Tôi luôn kêu gọi điều đó. Ngay với bệnh nhân đến phòng mạch tôi nói hãy mang cho tôi một ít tiếng Huế và họ đã mang đến những tờ giấy ghi đầy tiếng Huế. Sau khi cuốn từ điển ra đời, tôi đã nhận được rất nhiều sự đóng góp từ Huế và từ Pháp, Mỹ, Anh, Úc...

Anh Trần Vàng Sao, Lê Trường Quỳnh gửi từ Huế cho tôi mấy cuốn vở dày với hàng trăm mục từ bổ sung, ngoài ra còn giúp tôi hiệu đính lại phần giải thích, các ví dụ. Anh Võ Quang Yến ở Paris cũng gửi cho mấy trăm từ. Tiến sĩ Đặng Ngọc Lễ từ TP.HCM giới thiệu cho cuốn luận văn cao học của tác giả Trương Thị Thu Hương với một kho tiếng Huế chị đã công phu sưu tầm được.

Từ 531 trang của lần in đầu tiên (2001), bây giờ cuốn Từ điển tiếng Huế đã lên đến 1078 trang và sẽ tái bản vào đầu năm 2004 tới. Đó là món quà mà tôi sẽ đem về quê nhân dịp Festival Huế 2004.

MINH TỰ thực hiện

Nguồn: http://vietbao.vn/Xa-hoi/Giu-gin-mot-tai-san-cua-xu-Hue/40001313/422/

*

Từ phải: Vợ chồng GSBS Bùi Minh Đức , Võ Quê

(Ảnh chụp tại KS Duy Tân, Huế sáng 30.5.2011)

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.