NGHỆ SĨ ƯU TÚ NGỌC YẾN NGƯỜI CÓ CÔNG LỚN VỚI CA KỊCH HUẾ
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 6579
Ngọc Yến sớm có những cuộc hành trình "dọc đường gió bụi"...
NGHỆ SĨ ƯU TÚ NGỌC YẾN
NGƯỜI CÓ CÔNG LỚN VỚI CA KỊCH HUẾ
Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Yến sinh tháng 2.1922 tại làng Uất Mậu, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Do hoàn cảnh gia đình cha mẹ nghèo nàn, năm 10 tuổi cậu bé làng Uất Mậu đã phải rời quê nhà lên đi ở cho ông chủ ga Huế, suốt ngày tất bật công việc, đầu tắt mặt tối vô cùng gian khổ. Năm 13 tuổi, lại xin theo các gánh hát ca kịch Huế chuyên mang vác phông màn và hằng đêm thực hiện tiết mục nhào lộn, đánh võ quảng cáo mở đầu trước khi đoàn chính thức mở màn. Nhờ theo các gánh hát lưu diễn mà Ngọc Yến được vô Nam ra Bắc, qua Lào, sớm có những cuộc hành trình “dọc đường gió bụi".
Năm 1945, khi gánh hát ra Bắc biểu diễn thì kháng chiến toàn quốc bùng nỗ, Ngọc Yến xin tham gia vào đội tuyên truyền kháng chiến tại tỉnh Hải Hưng một thời gian rồi sau đó về làm cán bộ thuế tại Lam Kiến, Hà Tĩnh. Năm 1957, xuất phát từ lòng yêu sân khấu ca kịch Huế - một bộ môn mà Ngọc Yến đã từng gắn bó buồn vui từ những ngày mới vào đời gian khổ - Ngọc Yến đã bàn với vợ là Trần Thị Kim Oanh, nguyên diễn viên tuồng, ca kịch Huế trước đây bán nhà cửa, gia tài rồi dốc công tìm kiếm, triệu tập một số anh chị em nghệ sĩ đồng nghiệp thâm tình cũ thành lập Đoàn Ca Kịch Trị Thiên. Giai đoạn đầu Đoàn hoạt động độc lập, các thành viên nghệ sĩ trong Đoàn rất năng nổ, đoàn kết để dựng vở, biểu diễn nhiều chương trình ca kịch Huế đuợc đông đảo công chúng hâm mộ. Sau đó Đoàn trực thuộc Liên khu 4 rồi khu vực Vĩnh Linh và được Bộ Văn hóa đưa Đoàn ra Hà Nội trực tiếp quản lý. Trong thời này nghệ sĩ Ngọc Yến được làm Trưởng đoàn Ca Kịch Trị Thiên. Được sự quan tâm của Bộ Văn Hóa, năm 1964 Ngọc Yến học lớp đạo diễn tại Hưng Yên, hệ trung cấp. Và cũng chính trong năm này, nghệ sĩ Ngọc Yến vinh dự đuợc kết nạp vào Đảng; năm 1966 trực tiếp đưa đoàn vào diễn tại Quảng Bình và tuyến lửa Vĩnh Linh. Đây là giai đoạn khốc liệt nhất đối với những người làm công tác văn hóa văn nghệ. Dưới làn bom đạn Mỹ nghệ sĩ Ngọc Yến đã cùng đoàn vượt lên những bất trắc, hiễm nguy thường nhật để cống hiến tài năng nghệ thuật phục vụ nhân dân, chiến sĩ vùng đất lửa.Ngoài công tác chuyên môn, quản lý đoàn, đảm nhận một số vai diễn và đích thân tham gia đào tạo nhiều thế hệ diễn viên Đoàn Ca Kịch Trị Thiên, trong các năm 1970, 1971, 1972 Ngọc Yến còn trực tiếp giảng dạy, tập huấn, xây dựng nhiều kịch mục, chương trình biểu diễn cho Đoàn Văn công Khu ủy Trị Thiên, Đoàn Ca Kịch Quảng Bình. Do đã kinh qua những ngày tháng truân chuyên, hiểu đời, hiếu người; phẩm hạnh đạo đức tốt và có tâm hồn đồng cảm với sân khấu ca kịch Huế, nghệ sĩ Ngọc Yến đã hết lòng gìn giữ, chắt lọc, phát huy những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của quê hương. Bằng sự dìu dắt, hướng dẫn nghiệp vụ của nghệ sĩ Ngọc Yến, nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên được trưởng thành, định danh trên sân khấu ca kịch Huế. Năm 1977, nghệ sĩ Ngọc Yến đựoc mời làm chính trị viên Đoàn Cải lương Sông Hương. Dưới sự chỉ đạo tinh thần của Ngọc Yến, một thời gian dài Đoàn này đạt nhiều hiệu quả biểu diễn và được công chúng thời ấy mến mộ.
Qua danh mục các vở ca kịch do nghệ sĩ Ngọc Yến trực tiếp đạo diễn sau đây, chúng ta thấy nghệ sĩ Ngọc Yến đã có một bề dày lao động nghệ thuật đáng kính phục: Phụng Nghi Đình, Đêm trăng Bến Hải, Người vợ miền Nam, Hãy cứu lấy nhau, Ái tình bể bạc, Kiều I, Lục Vân Tiên, Tình nhà nợ nước, Thoại Khanh Châu Tuấn, Viên đạn súng kíp, Giao quân, Tiếng trống Mê Linh (Cải lương) … Sức làm việc, niềm say mê nghệ thuật của nghệ sĩ Ngọc Yến đã có một ảnh hưởng tốt đẹp, sâu sắc đến con cái trong gia đình. Gia đình nghệ sĩ Ngọc Yến - Kim Oanh hiện nay nói đúng nghĩa là một đại gia đình nghệ sĩ ca kịch Huế. Hầu như con trai, con gái, dâu rể, cháu … đều theo nghiệp nghệ sĩ Ngọc Yến - Kim Oanh và nhiều người đã thành danh trong làng đàn, ca Huế, ca kịch Huế như NSƯT Ngọc Bình (con trai)hiện đang làm Trưởng Đoàn Ca Kịch Huế, nghệ sĩ Kim Vàng, Kim Kiều (con gái), Đình Hạp, Đỗ Trung Hùng (rể), Tiểu Hoa (dâu), Mai Sao, Mai Anh, Đỗ Trung Thành (cháu ngoại) …
Với quá trình tham gia kháng chiến, công tác nghệ thuật sân khấu ca kịch Huế, nghệ sĩ Ngọc Yến đã được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng 3; Bộ văn hóa tặng Huy hiệu 25 năm hoạt động văn hóa nghệ thuật; Bằng khen vai “Tổng Đới” trong vở ca kịch "Người vợ miền Nam” , bằng khen Chiến sĩ thi đua, cùng nhiều bằng khen khác.
Năm 1983 nghệ sĩ Ngọc Yến qua đời mới sau một năm được nghỉ hưu (1982). Sự ra đi của ông là một mất mát lớn trong ngành sân khấu Huế và gia đình, đồng nghiệp, các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên học trò, giới thưởng ngoạn nghệ thuật dân tộc trên mọi miền đất nước. Năm 1996 , nghệ sĩ Ngọc Yến được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, ghi nhận công lao cao quý của một người nghệ sĩ lớn đã từng hy sinh sản nghiệp gia đình để một đời được sống, được yêu sân khấu ca kịch Huế.