Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NGHỆ SĨ LỆ HOA THANH THOÁT ĐÀN TRANH

 

 

 

NGHỆ SĨ LỆ HOA

THANH THOÁT ĐÀN TRANH

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu văn hoá nghệ thuật dân tộc, mộ điệu âm nhạc thính phòng, năm 1970, người con gái có tên gọi Tôn Nữ Lệ Hoa đã thi đỗ vào trường Quốc gia Âm nhạc Huế khi vừa tròn 15 tuổi. Sau hai năm theo học bộ môn đàn tranh, Lệ Hoa đã được mời dạy cho một số lớp âm nhạc cộng đồng ở Hội Quảng Trị, đường Huỳnh Thúc Kháng, Huế. Từ môi trường nghệ thuật này, Lệ Hoa trưởng thành rồi gắn bó dần với các sinh hoạt ca Huế đang diễn ra lúc bấy giờ trên nhiều thính phòng trong thành phố Huế.

Được theo học thực tế với các nghệ nhân lớp trước như các nghệ sĩ Võ Truy, Trần Kích, Nguyễn Kê ... các ca sĩ Minh Mẫn, Vân Phi, Quế Trân...từ những đêm "ca tri âm", Lệ Hoa đã cố gắng trau dồi, rèn luyện nghệ thuật đàn tranh; tích cực học cách nắn nót mười ngón tài hoa trên từng dây, trên từng con nhạn.

Đàn tỳ bà cũng là một nhạc cụ mà Lệ Hoa yêu thích, cung bổng cung trầm của những sợi tơ tỳ có một sức cuốn hút mãnh liệt trong tâm thức Lệ Hoa. Nghệ sĩ Võ Truy, Trần Kích là hai người thầy đầu tiên dìu dắt giảng dạy Lệ Hoa thành thạo nghệ thuật biểu diễn đàn tỳ bà.

Khi được hỏi ngoài việc được các nhạc sĩ đi trước truyền thụ các ngón nghề tuyệt kỹ, Lệ Hoa đã tiếp thu thêm được điều gì, chị cho biết "học thêm được hơi đàn, cái hồn, cái chất, cái thần ... của các nhạc sĩ Huế". Tiếng đàn tranh, đàn tỳ bà có được hơi thở nghệ thuật, được hồn nghệ sĩ là cả một quá trình học tập và thực hành. Từ những tinh chất ấy mà chiều sâu nội tâm của người nghệ sĩ được thể hiện theo sự nhấn, nhá, vuốt, rung; chuyển tải được cái hồn âm nhạc đến những người điệu nghệ. Không những được các thế hệ trước dạy đàn, Lệ Hoa còn được các thầy, cô thế hệ trẻ như Vĩnh Quý, Châu Thới ... chân truyền nhiều ngón nghề tuyệt kỹ. Thời của Lệ Hoa học tập còn một số bạn cùng trang lứa giúp nhau ôn luyện nhạc cụ dân tộc. Điều đáng mừng là các bạn đồng nghiệp, đồng môn ấy nay đã trở thành những nghệ sĩ tài hoa như Quý Cát, Trần Thảo, Trần Bộ ...


Từ trái: NS ƯT Trần Kích, Lệ Hoa, Thanh Tâm, NSƯT Thái Hùng

Vừa học văn hoá (Trung học : trường Đồng Khánh (1965-1973), Khoa Triết Đại học Văn khoa Huế) vừa học đàn tranh, đàn tỳ bà, Lệ Hoa đã hoàn thành tốt hai chương trình song hành đó. Và đây cũng là một bổ xung rất tốt, sự cộng hưởng rất quí của văn hoá và nghệ thuật, giúp Lệ Hoa bước vào đời với mười sáu dây thánh thót cung âm.

Năm 1995, lớp Nhã nhạc của Trường Đại học Nghệ thuật Huế được mở do Nhật Bản tài trợ, Lệ Hoa đã cùng một số nhạc sĩ Nhã nhạc Huế giảng dạy, đào tạo, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật cung đình Huế. Ngoài ra, tại Nhà riêng, Lệ Hoa cũng đã giảng dạy cho nhiều em thanh thiếu nhi Huế và các vùng phụ cận đến học đàn tranh.

Lệ Hoa tâm sự "Điều băn khoăn nhất hiện nay của Hoa là làm thế nào để nghệ thuật đàn, ca Huế vẫn giữ được chất Huế, hồn Huế. Thiếu những điều ấy, âm nhạc Huế sẽ bị biến dạng, mất đi nét nguyên thuỷ thâm diệu nghệ thuật. Vì vậy, việc bảo tồn những giá trị âm nhạc Huế là điều cần thiết trước tiên. Chỉ có bảo tồn tốt mới phát huy hiệu quả, tác dụng của nghệ thuật đàn, ca Huế".

Lệ Hoa có nhiều cống hiến cho bộ môn âm nhạc Huế trong quá trình đến với đàn tranh. Tiếng đàn tranh của Lệ Hoa đã quyện với các giọng ca Huế trên dòng sông Hương thơ mộng; trong các thính phòng của nhiều nhạc hữu, của bạn tri âm Huế. Tiếng đàn tranh của Lệ Hoa đã hoà thanh với nhiều đồng nghiệp khác trong các chương trình biểu diễn trong nước và quốc tế : biểu diễn tại Liên Hoan âm nhạc dân tộc toàn nước Mỹ (1995), Liên hoan Âm nhạc dân tộc Châu Á (Hồng Kông1996), tại Liên hoan Âm nhạc dân tộc Châu Á Đài Bắc (Đài Loan 1998), biểu diễn tại Hà Lan, Bỉ, Pháp 1999, tại Luxembourg Pháp (2002), tại Nhật bản (8.2004) ... Những chuyến lưu diễn quốc tế như thế cũng là các dịp giúp cho Lệ Hoa tiếp thu học hỏi các tinh hoa nghệ thuật biểu diễn âm nhạc thế giới; đồng thời giới thiệu với công chúng nước ngoài bà con Việt Kiều bản sắc văn hoá Huế đang được nhân dân Việt Nam trân trọng giữ gìn và quảng bá.

Với cuộc sống lặng lẽ, nhu hoà trong một hoàn cảnh gia đình tương đối khó khăn nhưng Lệ Hoa đã cùng những người thân, con cái trong mái nhà nghệ thuật ấm cúng vượt lên gian khổ. Lệ Hoa đang tâm huyết dâng đời những khúc tri âm, những tiếng lòng thanh thoát...

So dây lần phím ngân nga

Réo rắt hồn xưa

Nhạc hoà thanh xuân sắc quê nhà.

.

Võ Quê

 

NSƯT Thu Hằng & Lệ Hoa

 

 

 

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.