Print

THƠ NHẠC HÒA THANH KHI HOA NGÔ ĐỒNG NỞ - Võ Quê

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 1397

      Khi hoa ngô đồng nở hợp âm thơ và nhạc là ấn bản thứ 8 của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Vũ được đến cùng công chúng yêu văn học nghệ thuật trong nước, hải ngoại đón chào mùa xuân 2023.

      Được hình thành từ “Hành trình ký họa di sản Cố đô Huế” do Bảo tàng Mỹ thuật và Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức, tác giả Nguyễn Văn Vũ đã khéo léo vận dụng hình ảnh mùa hoa ngô đồng nở đặt tên cho tác phẩm của mình và bức tranh đẹp làm bìa sách của họa sĩ Đặng Mậu Triết đã thành duyên kỳ ngộ Khi hoa ngô đồng nở.

     Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Văn Vũ đã khôn khéo giúp người yêu thơ nhạc của mình tiếp cận Khi hoa ngô đồng nở bằng cách sắp xếp tác phẩm thành ba phần có chủ đề rõ nét: Phần thứ nhất: Hành trình ký họa di sản Cố đô Huế; phần thứ hai: Tản mạn đường quê viết trên đường Picnic; phần thứ ba: 12 bài tình ca cho Huế, thơ phổ nhạc. Với phương pháp bố cục rõ ràng, mạch lạc này, người đọc dễ dàng cùng tác giả chung cuộc lãm du, khám phá dấu tích xưa trên từng di sản; thực hiện những cuộc picnic lãng mạn, an nhiên trên chính quê hương giàu chất thi ca, âm nhạc đang sáng lên nhiều hình ảnh quen thuộc, quý hóa, gợi tình.            

     Việc tác giả sử dụng thể thơ “Thất ngôn bát cú” để viết các thi phẩm trong chuyên đề “Hành trình ký họa di sản Cố đô Huế” là lựa chọn hay, có cân nhắc kỹ làm tôn thêm ý nghĩa của các công trình kiến trúc danh thắng lịch sử của cha ông như anh tự bạch: “Với mong muốn tạo ra cảm nhận kết nối giữa hiện tại với quá khứ, giữa Huế ngày nay với di sản văn hóa lịch sử ngày xưa, trong phần trình bày thơ của mình, tôi muốn dùng thể thơ cổ, thơ “Thất ngôn bát cú”, thể thơ mà các vị tiền nhân hay dùng trong thi vịnh, để sáng tác về cảnh sắc Huế, đặc biệt là đối với các lăng tẩm chùa chiền…”

     Tôn trọng những giá trị đích thực của các di sản cũng như tính chân thật của lịch sử của các địa danh, nhân vật được đề cập trong thơ, nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Văn Vũ đã rất cẩn trọng khi chú thích kỹ càng những điều cần thiết dưới mỗi thi phẩm.

      Chỉ gói gọn trong một bài thơ thất ngôn bát cú nhưng tác giả đã rất tinh tế khi chuyển tài thần thái hình ảnh, cảnh quan cũng như nội dung của chùa Thiên Mụ, Chùa Túy Vân, Đồi Vọng Cảnh, chùa Từ Hiếu, Bến Văn Lâu cùng lăng tẩm các vì vua triều Nguyễn. Điều đáng quý là hai câu cuối của mỗi bài thơ tác giả đã tài hoa khi đúc kết trọn nghĩa, vẹn ý, đầy tình gợi lên mối cảm hoài, bâng khuâng trong lòng người đọc; bài thơ chợt lưu ảnh trong tâm trí người yêu Huế, yêu văn chương:

 “Ngắm cảnh say tình không giám bước/ Sợ làm xao động cõi vô biên” (Đồi Vọng Cảnh); “Ngai còn nước mất sao đành phận/ Lưu đày biệt xứ bởi vì đâu” (Bến Văn Lâu); “Lên đây chợt thấy lòng buông tục/ Những nỗi bon chen để lại đời” (Chùa Thiên Mụ); “Bao cơn lịch sử thăng trầm đó/ Long Vân Khế Hội vẫn hồn xưa” (Chùa Diệu Đế); “Bia cổ lưu danh hồn mẫu quốc/ Lời vàng thắm đượm áng thơ hay” (Chùa Túy Vân)…

     Với cảnh sắc thiên nhiên Huế thơ, chốn thiền môn là vậy, còn với các công trình kiến trúc lăng mộ các vì vua triều Nguyễn tác giả cũng tinh tế khái quát kết bằng những dòng thơ được chắt lọc ngôn từ, âm điệu:

     “Nhớ ơn tiên tổ gầy cơ nghiệp/ Hương khói dâng lên thỏa tấm lòng” (Lăng Gia Long); “Hỏi người văn võ song toàn thế/ Có dệt long bào cõi vãng sanh” (Lăng Minh Mạng); “Thi phú trang vàng lưu quốc sử/ Lòng chưa thỏa nguyện tiếc giấc mơ” (Lăng Thiệu Trị); “Trong héo ngoài tươi đời nhược tiểu/ Nỗi niềm sâu kín chất đầy thơ” (Lăng Tự Đức)…

     Để có những tứ thơ trên, người đọc ghi nhận sự tìm tòi, nghiên cứu dày công từ tư liệu, sử sách cũng như kết hợp với thực tiễn phong phú bằng các chuyến điền dã hành trình ký họa di sản Cố đô của tác giả. Với những trang sách sử từng thấm nhuần trong tâm trí đến thực tế sinh động chân bước, mắt nhìn đã nâng hồn thơ Nguyễn Văn Vũ chung tụ vào dòng chảy truyền thống văn hóa, lịch sử Huế một cách như nhiên.

     Tản mạn đường quê viết trên đường Picnic là chuyên đề thứ hai của Khi hoa ngô đồng nở. Tại phần này, người yêu thơ Nguyễn Văn Vũ có dịp để hình dung hình ảnh một người đàn ông đã quá tuổi trung niên hồn nhiên, hăm hở dong ruổi trên những nẻo đường làng yêu dấu, về vùng đầm phá mênh mông hay lặn lội quên mình lên tận chốn sơn khê cách trở cheo leo. Lòng yêu nước, yêu quê thắm thiết, mạch nguồn tình dào dạt đã tạo sự hứng khởi, giục người thi sĩ tóc sương làm những cuộc picnic thơ với non nước mây trời. Nhà thơ lặng lẽ độc hành, lặng lẽ khám phá, âm thầm nắm bắt, chiêm nghiệm những nơi chốn mình tìm đến, cảnh sắc bốn mùa thiên nhiên hoa trái, cuộc sống, con người…

     Từ sự lặng lẽ, âm thầm ấy thơ chợt bừng lên hình ảnh và hồn. Những địa danh từ quê nhà yêu dấu sáng óng ánh sóng Tam Giang. Ấm áp nắng Vinh Mỹ, Phú Vang. Nồng thơm hoa hồng xóm Tây Thành. Bồi hồi nắng hoa Kim Long. Ngây ngất rượu làng Chuồn. Âm vang thôi thúc tiếng còi tàu đêm qua xóm Dại. U hoài cơn mưa chiều, tiếng chim buồn xóm Hạ rã rời từ đầu hôm đến sáng. Giấc mộng hiền dưới chân tháp Phước Duyên. Nhớ người thương mùa xuân Huyền Không Sơn Thượng. Rồi Bến đò Ca Cút vương nợ lời nguyền, Bến Viễn Trình sóng vỗ nặng tình xưa. Đồi Thịt Băm kỷ niệm mòn năm tháng…

     Cảnh và người, chứng tích xưa, ký ức hồi quang… theo bút pháp của nhà thơ đan kết nên ảnh, nên nhạc, nên tình: “thiếu em ớt chín nửa cây/ cơm ngon nửa chén mây bay nửa trời” (Tam Giang mênh mông); “Bàn tay nhỏ ơi mùa thu lá thắm/Vườn hoa hồng đang nở giữa trời xuân/ Tôi yêu em đâu chỉ tình say đắm/ Mà nồng  thơm trong nhụy đóa hoa hồng” (Hoa hồng xóm Tây Thành); “ngược nắng Phú Diên/ chiều nghiêng theo hướng gió/ chậm như hơi thơ ngày biển muộn/ phả vào chân tháp lụi tàn/ tháp thấp hơn mặt biển xanh/ âm u mấy tầng lịch sử” (Tháp Chàm Phú Diên); “Đầu nguồn khuất bóng Trường Sơn/ Rừng cay hương quế suối thơm tình đời/ Tuổi thanh xuân đẹp rạng ngời/ Vì non nước ngậm tiếng cười ngàn thu” (Lên núi Ngũ Phong nhớ Huyền Trân)…

     12 bài tình ca cho Huế là phần thứ ba của Khi mùa hoa ngô đồng nở. Qua phần này chúng ta hiểu chuyện nhạc sĩ Nguyễn Văn Vũ phổ thơ của thi sĩ Nguyễn Văn Vũ. Xưa nay nhạc sĩ tìm thơ hay để phổ là điều rất quý hóa; nhờ vậy mà đất nước mình có nhiều ca khúc đẹp để đời. Khác với chuyện những người làm thơ tìm nhạc sĩ nhờ phổ nhạc!

     12 bài tình ca cho Huế đều xuất phát từ một Nguyễn Văn Vũ tâm huyết tài hoa vì thế sự đồng điệu, đồng cảm, đồng thanh giữa thơ và nhạc càng vi tế, hài hòa. Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Văn Vũ tâm sự: “Thơ đã đến như một thôi thúc của số phận và nhạc đã đến tình cờ như cơ duyên. Trong tôi, thơ đã thoát ra từ những rung cảm sâu lắng của cuộc đời và nhạc đã vang lên khi những rung cảm đó đã ngất ngây, đã tan ra rồi đọng lại từ những vụn vỡ của tình yêu, của kỷ niệm, của ký ức, của ước mơ”.

     Chậm vừa, thiết tha, tình tự, sâu lắng, yêu thương… là những giai điệu được nhạc sĩ Nguyễn Văn Vũ phổ vào những bài thơ về Huế. Huế mộng mơ, Huế trữ tình, Huế đằm thắm dịu dàng, Huế lắng sâu, Huế buồn… Cũng vì Huế buồn mà không lụy, mà khí phách nên ca khúc Xuân đầy, Hương giang xanh, Tình quê, Thương Huế khôn nguôi,  Xanh mãi biển trời cũng rộn ràng cung bậc, lấp lánh niềm tự hào từ Huế về non sông, con người trong tiếng ca giữ nước: “Quê hương tôi xanh, Xanh trời biển xanh, Xanh ngàn đảo xanh, Xanh tình người xanh… Ra nơi khơi xa, đây trời biển ta, bão dồn Hoàng Sa, Gió giật Trường Sa, nguyện thề giữ quê hương biển đảo an lành, ngàn đời ghi khắc trong lòng người Việt Nam mến yêu”

     Khi hoa ngô đồng nở được lần mở từng trang người yêu thơ sẽ là những cánh phượng hoàng bay tìm đến, bởi hoa ngô đồng đã hóa thân thành thơ, thành nhạc qua tài năng, tâm, huệ của một nghệ sĩ nhân hậu đã vì người, vì đời mà bền bỉ sáng tạo những giá trị đẹp, mới, vĩnh hằng.

Võ Quê