Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Nhà thơ Đoàn Văn Long tinh hồn nước thiêng liêng! Võ Quê

 

     Tình tự quê nhà là vì sao dẫn đường cho tôi tìm đến nhà thơ Đoàn Văn Long vào năm 1966 ở Quảng Trị. Hồi ấy tôi chỉ mới 18 tuổi nên khi có sự tin cậy của một người lớn tuổi lại tài hoa tôi rất vui mừng, hãnh diện. Mái ấm của nhà thơ Đoàn Văn Long từ ấy đã là nơi tôi thường xuyên lui tới, và chính nhờ sự thân tình đó mà đã tôi được làm một thành viên của gia đình. Những sinh hoạt đời thường, tình cảm vợ chồng thủy chung như nhất, tình phụ tử, mẫu tử cao cả thâm sâu diễn ra trong ngôi nhà này đã tạo nên nhiều hồi ức đẹp, quý báu trong tôi.

     Bên cạnh việc sát cánh cùng ông trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, đòi hòa bình, thống nhất đất nước từ những năm 60 ở Quảng Trị đến những năm 70 ở Huế tôi còn được hân hạnh nghe ông đọc những bài thơ ông viết từ thời chống Pháp hay trực tiếp xem các tác phẩm ông mới sáng tác sau này. Với nhà thơ Đoàn Văn Long, hồn nước thiêng liêng sáng lên trọn vẹn một đời thơ.

     Từ thập kỷ 50, nhà thơ Đoàn Văn Long còn có bút danh Hồng Tâm; đã tham gia hoạt động văn học nghệ thuật tại thành phố Huế cùng thời với các nhà văn, thi sĩ lão thành như Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, Tiểu Mai Thể Ngô, Nguyễn Huy Nhu và các văn, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia tên tuổi tài danh như Võ Đình Cường, Lê Dân, Tam Ích, Trụ Vũ, Nguyễn Hữu Ba, Hoàng Nguyên, Văn Giảng, Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí, Nguyễn Khoa Lợi, Cao Xuân Lữ…

     Trong giai đoạn này, thơ Đoàn Văn Long thường xuất hiện trên Ngày Mai , một tập sách “xuất bản không định kỳ, mỗi năm ra từ 10 đến 12 tập…” ở Huế do Ông Cao Xuân Lữ chủ biên. Những bài thơ “Bến đò Kẻ Vạn”, “Bảo súng”, “Con đỉa co vòi”… của Đoàn Văn Long đăng trên Ngày Mai số 1 tháng 8.1954 đã tạo nên dư luận tốt trong công chúng yêu thơ hồi ấy. Qua “Bến đò Kẻ Vạn” người đọc cùng nhà thơ tin tưởng, lạc quan về một ngày mai tàn cuộc chiến, quê hương xán lạn, đẹp tươi:

Con đò nay

Qua, về sóng vỗ

Mái chèo theo nhịp hò khoan

Át hết muôn ngàn tiếng nổ…

Sung già trức nhánh,

Tre gãy, măng trồi

Xuân xưa ghi dấu chia phôi

Xuân nay trỗi dậy muôn lời hò ca…

… Mái chèo khuấy rộn sóng im

NGÀY MAI trời đẹp lòng tin chị đò

     Thấm nhuần ca dao; gắn bó thiết thân các loại hình diễn xướng nghệ thuật dân gian như hò ru con, hò giả gao, hát chầu văn, các điệu lý Huế… từ làng quê thời niên thiếu, nhà thơ Đoàn Văn Long đã thành công khi sáng tác nhiều bài thơ mang hơi hưởng cuộc sống bình dị nơi thôn dã. Ý thức chống ngoại xâm, tình yêu Tổ quốc, khát vọng hòa bình trên đất Việt là mạch nguồn sinh động trong thơ ông. Bài thơ “Dặn Dò” sau này được chọn in lại trong tuyển tập “Bài thơ Thôn Vỹ” do tạp chí Sông Hương ấn hành là tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Đoàn Văn Long, khi đọc lên nghe đẹp như là ca dao:

Giờ đây Giáp Hạ phân ly

Ngày mai Giáp Hạ chỗ ni anh về

Anh đi qua cầu coi chừng tay vịn

Bữa tê cầu gãy cột đỡ cành tre

Nước sâu lại chảy không bè

Tuy hai dòng nước nhưng về một sông

Đôi ta chung một tấm lòng

Chung tình yêu nước như sông một nguồn

Sương sa há dễ gây buồn

Đường dài xa ngái há chùng chân chi

Thôi chào anh hí em đi!

(Dặn dò)

     Cùng các bài thơ đăng trên Ngày Mai, năm 1955, nhà thơ Đoàn Văn Long cho xuất bản tập thơ “Đất chuyển” với nội dung ngợi ca quê hương và ước mơ cháy bỏng về một Việt Nam chuyển mình cùng vận hội mới thống nhất, phồn vinh. Rất tiếc ấn bản “Đất chuyển” nay đã không còn!

     Nhà thơ Đoàn Văn Long: Thơ và người là một! Thơ mang nội dung chiến đấu, thể hiện khí phách trai thời chiến. Trong đời thực, Đoàn Văn Long tham gia trực tiếp các cuộc đấu tranh từ chống Pháp thực dân, đến Mỹ, bạo quyền. Sát cánh, kề vai cùng tuổi trẻ học đường miền Nam, tuổi trẻ học đường Huế ông tham gia Mặt Trận Nhân Dân Tranh Thủ Hòa Bình. Hòa Bình là khát vọng của mọi người con dân Việt. Muốn có hòa bình, phải chấm dứt chiến tranh. Lên án chiến tranh xâm lăng ông viết bài thơ “Những con kên kên”. “Những con kên kên” cùng dòng thơ đấu tranh của sinh viên học sinh Huế thành truyền đơn thi ca. Thơ Đoàn Văn Long thời điểm này xuất hiện trong giảng đường, trường học, trong đình chợ, làng quê. Năm 1971, tuổi trẻ Huế chân thành ghi nhận, tâm đắc với một bài thơ ông viết tặng: “Đàn con yêu thế hệ” đăng trên tập san Mặt Trận Hòa Bình số 2 (28.7.1971). Bài thơ ngợi ca tuổi trẻ Huế trên mặt trận đường phố vô vàn khó khăn, gian khổ vẫn kiên cường, bất khuất; đồng thời ông cổ vũ, động viên, khích lệ:

Phải viết một bài thơ để hoan hô các bạn

Tôi biết rằng: Trời đang dần sáng

Mới hừng đông, còn phải vượt mây đen

Nhưng đâu đây nghe hùng dũng tiếng kèn

Xung vào trận: “Tiến lên! Đoàn tuổi trẻ!”

(Đàn con yêu thế hệ)

     Sự đóng góp nhiệt thành của nhà thơ Đoàn Văn Long từ những năm tháng sục sôi này đã được tâm thành ghi nhận trong tác phẩm “Viết trên đường tranh đấu” do Trần Thức chủ biên và nhóm biên soạn Hoàng Dũng, Bửu Nam, Ngô Thời Đôn được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2005.

     Xuyên suốt một đời thơ hồn nước ngời ngời, nhà thơ Đoàn Văn Long đã gởi lại mai sau những cảo thơm quý hóa! Lần mở từng trang trong tuyển thơ này, người đọc đồng cảm sâu sắc với người thơ về một bức tranh vẽ bằng ước mơ từ quá khứ nay đã thành hiện thực:

Chợ thanh bình giành bán chen mua

Cửa tự do mở rộng

Đường ra vào tấp nập

Tiếng cười vui vang dậy bức thành xưa

(Bến đò Kẻ Vạn)

     Cửa tự do mở rộng! Đẹp và hùng khí thay khát nguyện của người thơ!

 

Võ Quê

Sài Gòn 30.12.2014.

 

 

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.