Print

CÓ KHỔ LUYỆN MỚI TÀI HOA - Trần Nguyễn Khánh Phong

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 3577

Cầm trên tay cuốn sách “Khổ luyện & tài hoa” của nhà thơ Võ Quê dành tặng cho tôi mà lòng bồi hồi xúc động vì tôi đã một đôi lần tiếp xúc chuyện trò với nhà thơ. Cũng được nghe nhà thơ chia sẻ những tâm huyết của mình trong quá trình thực hiện tập sách này.

Như một sự an bài, nhà thơ Võ Quê đã bén duyên với nghệ thuật ca Huế với hơn 40 năm nay. Những ai đã từng yêu ca Huế thì đều biết nhà thơ Võ Quê, ông đã có một số cuốn sách được xuất bản liên quan đến ca Huế như: Tập Tiếng Hương Bình (Sưu tầm lời ca Huế, 1997), Khúc tri âm (Lời ca Huế, 2000), Lời ca Huế (Biên soạn, sưu tầm, 2013) thì giờ đây quyển Khổ luyện và Tài hoa sẽ cho chúng ta hiểu thêm về chân dung, tâm huyết với nghề của những nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế xưa nay.

Đó là 61 gương mặt nghệ sĩ được giới thiệu trong tập sách mà ở đó mỗi người mỗi vẻ trong việc đóng góp cho nghệ thuật ca Huế lên hàng văn thể. Theo như cảm nhận của tôi thì nhà thơ Võ Quê đã khéo sắp đặt các nghệ nhân/nghệ sĩ trong cuốn sách này theo chiều hướng từ già đến trẻ, là sự kế thừa, tiếp nối, phát huy và giữ gìn nghệ thuật ca Huế.

Tác giả đã dành sự trân trọng của mình dẫn dắt người đọc theo trình tự từ cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị là chân dung đầu tiên của cuốn sách tiếp đến là các nghệ sĩ/nghệ sĩ ưu tú/nghệ sĩ nhân dân/nhạc sĩ như Bửu Lộc, Nguyễn Hữu Ba, Thanh Tùng, Tôn Thất Toàn, Mộng Điệp, Mạnh Cầm, Nguyễn Kế, Hoàng Cầm, Văn Lang, Trần Kích, Ngọc Yến, Kim Oanh, Hồng Lê, Minh Tâm, Kỳ Châu, Vân Phi, Minh Mẫn, Trọng Quyết, Đặng Văn Sung, Thanh Hương, Đình Hạp, Châu Dinh, Hồng Tuyết, Minh Lũy, Đăng Ninh, Thanh Tâm, Diệu Liên, Kim Vàng, Giang Nam, Hương Hoa, Xuân Thừa, Thái Hùng, Đỗ Hùng, Thu Vân, Kim Kiều, Lan Phương, Ái Hoa, Ngọc Bình, Lệ Hoa, Quỳnh Hoa, Khánh Vân, Trần Thảo, Thu Hương, Nguyễn Đình Vân, Tiến Dũng, Minh Tiến, Tiểu Hoa, Đình Dũng, Bảo Dần, Kim Liên, Khánh Di, Tất Đính, Xuân Thoại, Kiều Oanh, Thu Hằng, Ngọc Linh, Hồng Lê, Hiền Lương, Hồng Thanh và người sau cùng là nghệ sĩ Ý Nhi. Điều này đã làm cho người đọc cảm thấy một dòng chảy xuyên suốt của nghệ thuật ca Huế và các nghệ nhân, nghệ sĩ đã phải khổ luyện lắm mới dệt nên chất tài hoa của mình.

Một cái hay nữa của cuốn sách là sự kì công cũng như chất tài hoa của chính tác giả trong việc đặt tiêu đề cho mỗi bài, mỗi nhân vật. Bởi khi nói về một nghệ sĩ nào đó phải gắn liền với 1 đặc điểm, 1 sở trường nghề nghiệp của họ, vì thế nhà thơ Võ Quê cũng đã chắt lọc lắm mới có những mĩ từ để dành cho những người nghệ sĩ mà ông hằng yêu mến, kính trọng. Ví như nói về cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, nhà thơ Võ Quê cho rằng đó là người “sống mãi những lời ca Huế”, Nghệ sĩ Thanh Tùng thì “mong muốn đưa lời Ca Huế, Hò lên hàng văn thể”, Nghệ sĩ ưu tú Trần Kích thì “khổ luyện và tài hoa những ngón đàn”, Nghệ sĩ Minh Mẫn từ cô hàng xén đến người nghệ sĩ tài danh, Nghệ sĩ Kim Vàng với gia đình vì sân khấu ca kịch Huế…cho đến thế hệ trẻ là nghệ sĩ Ý Nhi, tác giả cũng đã chốt lại với lời tâm huyết đó là ai rồi cũng phải “khổ luyện đến thành danh”.

Với 61 gương mặt nghệ sĩ đi kèm với 61 kiểu tài hoa của mỗi người qua cách đặt câu, chọn từ của tác giả nhà thơ Võ Quê khiến người đọc càng thêm tò mò và say mê theo từng con chữ, từng hình ảnh chân dung nghệ sĩ.

Theo như lời giới thiệu trong cuốn sách thì những nghệ sĩ đóng góp thành công và đưa nghệ thuật ca Huế gần gũi với khán giả đều có những nét chung đó là sự tài hoa sau nhiều năm khổ luyện “Chọn lọc bởi họ chính là những tài hoa thiên bẩm nhưng cũng đã nỗ lực rèn luyện để trọn vẹn với nghệ thuật, với nghề. Gửi gắn qua những chân dung này, chúng ta càng hiểu hơn về bức tranh ca Huế”.

Khi cuốn sách được ra mắt bạn đọc, nhà thơ Võ Quê cũng đã đến tận nhà của những nghệ sĩ để tặng sách, để tri âm, tri kỷ cùng họ. Trong cuốn sách này, cũng có một vài nghệ sĩ đã đi xa, ông cũng xem đây là nén tâm nhang gửi đến người thiên cổ.

Nhà thơ Võ Quê mặc dù bận rộn với vai trò là chủ nhiệm câu lạc bộ Ca Huế thính phòng, thường xuyên biểu diễn vào các tối thứ ba và thứ sáu hằng tuần tại Bảo tàng Văn hóa Huế thế nhưng ông vẫn luôn gắn bó trọn đời cho nghệ thuật tinh túy này. Và cuốn sách Khổ luyện & tài hoara đời cũng chính từ những sự khổ luyện của tác giả để rồi tài hoa tỏa sáng rạng ngời khi những nghệ sĩ ca Huế đã cùng ông và câu lạc bộ Ca Huế thính phòng đưa ca Huế ngày càng lan tỏa khắp nơi.

Và xin được nhắc lại lời của nhà văn Tô Nhuận Vỹ khi nói về nhà thơ Võ Quê là “như ngọn lửa tha thiết hồn khí của quê hương mà Anh đã gìn giữ trọn đời trong trái tim đầy ắp yêu thương của mình”.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc sách Khổ luyện và tài hoa, do NXB Thuận Hóa ấn hành, tháng 1.2019, sách khổ 14,5x20,5cm, dày 294 trang.
Trần Nguyễn Khánh Phong
(Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam)

 

 
Tác giả Trần Nguyễn Khánh Phong.