Print

KỶ NIỆM 2 NĂM THÀNH LẬP THÍNH PHÒNG CA HUẾ - Ngọc Bích

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5609

Một tiết mục ca Huế tại Thính phòng

Trong hai năm hoạt động, thính phòng đã biểu diễn gần 200 buổi với sự tham gia của trên 20 thành viên tích cực đàn, ca Huế với những tên tuổi như Minh Mẫn, Thanh Hương, Thanh Tâm, Kim Vàng, Lệ Hoa, Quỳnh Hoa...

Tối ngày 20/08, tại Bảo tàng Văn hóa Huế (25 Lê Lợi, Tp. Huế) đã diễn ra chương trình kỷ niệm 2 năm ngày thành lập Thính phòng ca Huế (20.8.2013 - 20.8.2015), thu hút đông đảo những người đam mê nghệ thuật tham gia, chật kín cả khán phòng. Đó là biểu hiện rõ nhất cho sự thành công của Thính phòng Ca Huế.

Miễn phí nhưng chất lượng cao 

Ngay từ khi được thành lập, Thính phòng ca Huế được xem như là “phòng minh họa” cho không gian trưng bày các nhạc cụ, tự liệu, tranh ảnh về Ca Huế ngay bên cạnh. Và với mong muốn ca Huế chính thống đến gần hơn với đông đảo khán thính giả, không chỉ khách du lịch mà còn để phục vụ đời sống tinh thần của người dân Huế, các đêm biểu diễn ca Huế thính phòng bắt đầu, thường xuyên vào các tối thứ 3, thứ 6 hàng tuần và… không bán vé.

Trong không gian nhỏ chỉ gói gọn trong một căn phòng của Bảo tàng Văn hóa Huế, tuy không có được mênh mông cảnh sắc như trên sông Hương nhưng lại là chốn yên tĩnh để các bản nhạc cổ, những làn điệu khó như Nam ai, Bình bán, Tây mai, Hành vân, Phẩm tiết, Tương tư khúc… có cơ hội được phát huy và giới thiệu trọn vẹn đến với khán thính giả. Từ đó đến nay, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều bạn trẻ đam mê vốn nghệ thuật cổ truyền và cả những du khách không đủ điều kiện để đi nghe ca Huế trên sông Hương đều tìm đến Thính phòng ca Huế để tri âm. Ngoài những bài bản cổ, đã có những cuộc thi viết lời mới cho ca Huế, những sân chơi tương tác với khán giả qua các cuộc thi chụp ảnh về ca Huế… Đó là một tín hiệu vui nhưng đồng thời cũng thể hiện sự chuyên nghiệp trong cách tổ chức, đặc sắc trong từng đêm diễn ca Huế thính phòng, không chỉ để ca Huế đến gần khán giả trẻ mà chính khán giả tự tìm về ca Huế.

Mặc dù các buổi biểu diễn nghệ thuật tại Thính phòng đều miễn phí nhưng khi đã lên sân khấu, các nghệ nhân nghệ sĩ ca Huế đều ăn mặc rất trang trọng, đẹp đẽ, tề chỉnh, thể hiện đúng cốt cách, nguyên tắc của người nghệ sĩ và sự trân quý khán giả trong từng lời ca, tiếng nhạc.

Trang phục của các nghệ sĩ ca Huế luôn chỉn chu, đẹp mắt

Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế thuộc Trung tâm Văn hóa Huế (Thính phòng ca Huế) chia sẻ: “Do Thính phòng hoạt động không thu phí, diễn viên không có nguồn thù lao, bồi dưỡng nên thính phòng phải ưu tiên để diễn viên của Thính phong biểu diễn trên thuyền sông Hương vào các mùa du lịch cao điểm nhằm giúp họ có thu nhập. Mặc dầu có khó khăn, thiếu hụt về nguồn diễn viên tại Thính phòng trong các thời điểm này và không có một nguồn tài trợ lớn nào để lo “xăng xe, thanh sắc…” cho nghệ sĩ nhưng Thính phòng vẫn quyết tâm duy trì đều đặn các chương trình biểu diễn phục vụ miễn phí tri âm vào tối thứ Ba, thứ Sáu hằng tuần. Qua đó mới thấy được tâm huyết, lòng yêu nghệ thuật ca Huế của các nghệ nhân, nghệ sĩ đàn ca Huế đã gắn bó, cống hiến hết mình vì di sản văn hóa phi vật thể”. 

Trưởng thành từ Thính phòng 

Xuất phát điểm từ hàng ghế khán giả hàng đêm đi xem và nghe Thính phòng ca Huế và say mê không biết từ bao giờ, Thu Thủy, hiện nay đã trở thành một trong những gương mặt trẻ biểu diễn thường xuyên tại Thính phòng ca Huế.

Thu Thủy cho biết: Em đến với Thính phòng ca Huế đến nay đã hơn 1 năm. Hồi đầu, được bạn bè giới thiệu chỗ đi nghe ca Huế ở đây, em đi thử và gắn bó luôn từ đó. Nhờ có các cô, các chú trong thính phòng dìu dắt, hướng dẫn trong từng động tác, cách nhả chữ… đến nay em đã tự tin hơn khi lên sân khấu.

Vừa qua, em có tham gia một khóa học ngắn hạn về ca Huế. Kiến thức học được trên lớp, lại được các cô chú ở Thính phòng chỉ dẫn và lại còn được thực hành ngay trên sân khấu, em cảm thấy mình quá may mắn. Vì vậy, thời gian đó mặc dù khó khăn, phải đi làm thêm tại các shop áo quần nhưng em luôn cố gắng tham gia với thính phòng không sót buổi nào. Giờ đây, sau khi kết thúc khóa học, có được tấm bằng diễn viên để hành nghề biểu diễn ca Huế trên sông Hương, một công việc trước đây em chỉ dám mơ thôi, em lại càng biết ơn Thính phòng ca Huế. Với em, Thính phòng như một ngôi nhà thứ 2 vậy”.

Không chỉ riêng Thu Thủy, vừa qua, Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thẩm định chuyên môn của các diễn viên và nhạc công ca Huế theo Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, trong đó có 5 cá nhân đến từ Thính phòng ca Huế đã được cấp thẻ diễn viên trong đợt này. Vui hơn, tất cả các em đều được phát hiện và đào tạo ngay từ hàng ghế khán giả.

Thu Thủy - một giọng ca từ hàng ghế khán giả, trưởng thành từ Thính phòng ca Huế

Khách tri âm hằng đêm tại thính phòng ca Huế

Đến với Thính phòng ca Huế, có rất nhiều gia đình 2 – 3 thế hệ đều theo đuổi nghệ thuật ca Huế như Lệ Hoa - Ý Nhi, Kim Vàng – Quốc Khánh, NSƯT Thu Hằng-Ý Linh…; có những giọng ca đến nay đã hơn 80 tuổi vẫn “réo rắt tơ lòng” như nghệ nhân Minh Mẫn, Thanh Hương… càng góp phần tạo nên sức sống bền bỉ cho một ngôi nhà chung dù tuổi đời còn rất trẻ: Thính phòng ca Huế. 

Xin kết lại bài viết bằng chia sẻ của nhà thơ Võ Quê như một lời tâm sự: UNESCO đã tặng Huế một câu rất hay: ”HUẾ LUÔN LUÔN MỚI”. Việc gìn giữ và phát huy các giá trị của nghệ thuật ca Huế không chỉ của riêng cá nhân nào mà luôn là tâm niệm của những người yêu Huế, yêu nghệ thuật đàn, ca Huế. Làm thế nào để trên cái nền cổ kính của cố đô Huế mà tạo nên cái mới, lại luôn luôn mới là điều tôi hằng trăn trở. Tôi mong từ nay và tương lai nghệ thuật ca Huế tiếp tục được sự quan tâm, ưu ái của Đảng, chính quyền; các cơ quan ban ngành hữu quan từ địa phương đến trung ương để nghệ thuật ca Huế được sống đẹp, sống lành mạnh bổ ích và có một ngày không xa nghệ thuật ca Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ngọc Bích

Khám phá Huế

Nguồn: http://khamphahue.com.vn/vanhoa-dulich-Hue/l-3/5AA57B09-61AF-416D-A92B-2B6F590F3DC3/18413-ky-niem-2-nam-thanh-lap-thinh-phong-ca-hue.aspx#.Vdb9m7XKtWF