Print

ĐÃ TRÓT DAN DÍU - Đông Hà

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5856

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Hương ca Lý giao duyên, Trần Ngọc Cơ soạn lời. Ảnh Đông Hà.

Mình thích nghe ca Huế. Không hiểu sao mỗi lần nghe bầu tranh sáo nhị phách tiền nổi lên, là người mình nghe xốn xang.

Nhất là festival 2010, trên sân khấu nước trong hồ Tịnh, không rõ diễn vở gì, chỉ nhớ lúc giọng ca cô Thanh Hương vang lên: chuồn chuồn mắc phải (a í a ) nhện vương... đã trót dan díu thì thương nhau cùng... khiến mình bật khóc. Cái chữ trót dan díu nghe cô ca nó cứ dùng dà dùng dằng đến tội. Vừa lỡ làng vừa trót nhỡ vừa tủi hổ vừa xót xa. Cô ca sao nghe như muốn dứt mà như muốn níu, như muốn trách mà như muốn ôm vào lòng. Ừ, thì kiếp chuồn chuồn vương nhện cả. Thương nhau cùng.

Sau, nhiều lần đi làm, được dịp ngồi nhìn, nghe cô ca, mình thường say đắm. Ở tuổi thượng thượng thọ, thanh không còn, sắc đã phai, nhưng người ca nữ năm nao vẫn dáng dấp y làm vậy. Vẫn má phấn môi son mày ngài mắt phượng. Vẫn dáng đi khép nép kéo tà áo dài ngay ngắn ngồi trước quan viên. nhìn cái dáng khép nép níu níu giữ giữ tà áo dài, cố giữ cho lưng thật thẳng (kỳ thực còng lắm chứ còn đâu) mình thấy hình hài người con gái thuở xưa gói ghém trong tà áo, trong cái níu tay, trong cái giữ hờ dịu dàng khôn tả. Xưa nay người ta ngợi ca tà áo dài. nhưng theo mình, phải là tà áo dài của xứ này mới đúng điệu hồn cốt. Bạn thử để ý chút đi. con gái xứ khác mặc áo dài hoặc lạnh lùng hoặc thẳng băng hoặc mạnh mẽ. còn người xứ này hay lắm. thử ngồi yên đó, rồi mời người con gái đó ngồi bên, để ý tí, thì sẽ thấy những ngón tay nhẹ nhàng vén tà áo, mà mắt vẫn nhìn người đối diện, môi vẫn cười, những ngón tay vẫn khẽ khàng nâng tách trà mời khách. Nhưng tà áo dài vẫn được vén lên gọn ghẽ, để sang phía bên phẳng phiu không hề nhăn nếp lụa. Chao. Khoảnh khắc nớ không thành thơ cũng thành nhạc, không viết ra lời cũng ngân nga dìu dìu trong tâm.

Tối nay mình mải mê ngồi ngắm bàn tay cô Thanh Hương. Miệng cười thật tươi nhả âm luyến chữ, bàn tay điệu đàng theo từng nét lưu thủy hành vân, mà tà áo dài thi thoảng vẫn được sửa sửa soạn soạn, duyên thôi rồi.

Ca Huế ít ai ưa. Hỏi ngay người Huế, cũng không mấy ai mặn mà. Du khách đến Huế, được lùa xuống mấy cái đò, ngồi nghe ca ba bản Huế thêm năm bản dân gian hiện đại nữa thì xong gói ca Huế. Nhiều lần đi khách, mình cũng lên đò ngồi nghe. thiệt tình, giữa bốn bề sông nước vầng trăng thiên cổ bóng tùng vạn niên, không khí liêu trai là thế, nhưng khi phách tiền vang lên, loảng xoảng chỉ nghe mỗi mùi tiền. 90 phút như hai tiết học buồn ngủ không dám ngáp. hỏi sao mỗi ngày ca Huế không mỗi lìa xa. hỏi các nhà quản lý, thì thấy cái bảng hiệu đề ban quản lý biểu diễn ca Huế bụi phủ mấy lớp.

Nên khi nhà thơ Võ Quê cùng những nghệ sĩ lập lên cái Ca Huế thính phòng để gặp bạn Tri âm, mình thường lui tới. khi thì vì một lời mời, khi đưa bạn đến, khi một mình. Nhưng bao giờ cũng gặp không khí ấm áp thân thương. những nghệ sĩ diễn ở đây không có thù lao, không ai trả thù lao cho cả. vậy mà đều đặn mỗi tuần hai tối thứ 3 và thứ 6, họ cùng nhau về với khán phòng bé xíu thơm dìu dịu mùi trầm, ca lên những bản nam ai nam bình réo rắt.

Họ đàn ca cho nhau nghe. Họ hòa ca cho chính nỗi lòng của họ.

Chuồn chuồn mắc phải nhện vương

Đã trót dan díu thì thương nhau cùng...

.

Đông Hà


Diệu Bình ca Lý Bốn cử quyền. Ảnh: Đông Hà.

Nguồn: https://www.facebook.com/notes/1484730218503880/