Print

HỘI THẢO VỀ LÉOPOLD CADIÈRE TẠI TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 6987

 

 

photo

Thời gian: Trong ba ngày 07. 08 & 09 tháng 9 năm 2010.

Địa điểm: Trung tâm Mục vụ Giáo phận Huế, số 6 Nguyễn Trường Tộ, Huế.

 

TƯỞNG NIỆM 55 NĂM NGÀY TỪ TRẦN

CỦA LINH MỤC LÉOPOLD CADIÈRE (1955 – 2010) TẠI HUẾ.

 

 

Nhân ngày giỗ lần thứ 55 của Linh mục Léopold Cadière, thừa sai và nhà khoa học thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, Toà Tổng giám mục Tổng Giáo phận Huế, Uỷ ban Văn hoá thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình kết hợp tổ chức hội thảo về thân thế và sự nghiệp khoa học của nhà thừa sai bác học Léopold Cadière, tại Huế.

 

 

photo

 

CÁC ĐỀ TÀI SẼ TRÌNH BÀY TẠI HỘI THẢO:


 

 

1. L. Cadière và hội nhập văn hóa: Một kinh nghiệm loan báo Tin Mừng.(Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Vinh).

2. Thân thế và sự nghiệp L. Cadière (Linh mục Gérard Moussay, Pháp).

3. Minh triết dân gian Việt Nam theo L. Cadière. (Giáo sư Trần Văn Toàn, Pháp).

4. Ảnh hưởng của L. Cadière với văn học Việt Nam cận đại.(Nhà văn Nguyên Ngọc, Hà Nội).

5. Một cảm nghĩ về L. Cadière: câu chuyện dịch thuật. (Nhà nghiên cứu Bửu Ý, Huế).

6. Về công trình nghiên cứu Ngữ âm Bắc Trung bộ của L. Cadière. (Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngữ học Hoàng Dũng, thành phố  Hồ Chí Minh)

7. L. Cadière với cổ vật Huế. (Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan).

8. Đóng góp của L. Cadière cho Tạp chí “Trường Viễn Đông Bác Cổ” và cho Tạp chí “Những người bạn cố đô Huế (Đô Thành Hiếu Cổ). (Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, thành phố Hồ Chí Minh).

9. Tâm thức tiếp cận của L. Cadière với văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo người Việt . (Nhà nghiên cứu Đỗ Trinh Huệ, Huế).

10. Huế dưới con mắt L. Cadière, L. Cadière dưới con mắt một người Huế. (Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan, Huế).

11. Gia đình Việt Nam theo L. Cadière. (Tiến sĩ Mai Khanh, thành phố Hồ Chí Minh).

12. L. Cadière, hình ảnh một thừa sai và lời khuyên cho thế hệ thừa sai trẻ. (Linh mục Jean Baptiste Etcharren, Pháp).

13. Mỹ thuật ở Huế dưới góc nhìn của L. Cadière. (Họa sĩ Vĩnh Phối, Huế).

14. L. Cadière với tác phẩm L’Art à Huế (Mỹ thuật ở Huế). (Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, Huế).

15. Từ L. Cadière, nghĩ về những đóng góp của các giáo sĩ thừa sai với nghiên cứu Việt Nam. (Nhà sử học Đào Hùng, Hà Nội).

 

 

 

Bên cạnh cuộc hội thảo là chương trình viếng mộ Linh mục L. Cadière và nghi thức tưởng niệm; Giới thiệu tranh sơn mài Giáng sinh của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung và Hoàng Tích Chù tại Đại chủng viện Huế, 30 Kim Long Huế; Văn nghệ và Ẩm thực Thuận Hóa – Thăng Long; Triển lãm tư liệu về Linh mục L. Cadière, Tủ sách Truyện Kiều, Đèn dầu Champa, một số cổ vật tôn giáo… Mở cửa từ ngày 7/9/2010 đến 7/1/2011 tại Trung tâm Mục vụ Huế, 6 Nguyễn Trường Tộ, Huế.

 

 

 

LINH MỤC LÉOPOLD CADIÈRE-NHÀ VIỆT NAM HỌC

 

TIẾNG TĂM ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI MẾN MỘ

 


Nguyễn Hồng Trân



Ảnh riêng

 

 

Nhân dịp kỷ niệm 140 năm sinh của nhà học giả đa tài Linh mục Léopold Cadière (Cố Cả), chúng tôi xin trân trọng viết lên những trang về cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của ông đã cống hiến sức mình cho sự nghiệp khoa học và tôn giáo của Việt Nam và Pháp.

Léopold Michel Cadière sinh tại Aix-en-Provence vào ngày 14 tháng 2 năm 1869, trong một gia đình nông dân nghèo. Trải qua tuổi thơ, nhọc nhằn trong một gia đình nông nghiệp với một người cha cần cù công việc đồng áng và một người mẹ hiền lành đức hạnh chăm lo đời sống cho chồng con.

Sau khi rời Pháp vào lúc 23 tuổi, trong chiếc áo dòng tu của Hội Thừa sai Paris để đến Việt Nam. L.Cadière không bao giờ có cơ hội gặp lại người mẹ thân thương của mình nữa. Bà ta đã chết vài ngày trước khi tàu cấp bện Đà Nẵng vào năm 1892. Từ đó L.Cadière rất hiếm khi trở lại Pháp, trừ một đôi lần do đau yếu hoặc về dự các khoá hội thảo. L.Cadière đã nhận Việt Nam là quê hương của mình.

L.Cadière theo học ở trường làng, được thầy bạn, tất cả đều quý mến. Người cha chết khi cậu mới học lớp 7. Nhờ học lực giỏi mà cậu Paul (tên thường gọi) được học bổng nội trú để tiếp tục học hành.Như vậy, cậu đã có cơ hội được đào tạo nhờ các bậc thầy nổi tiếng như Le Hir, Vigouroux, Bacuez; các giáo sự linh mục như Fouard, Le Camus, Battifol, các nhà thông thái như Dom Guéranger, Dom Cabrol… (TL-1)

Để có thể làm mục vụ ở Việt Nam, chàng thanh niên trẻ tuổi này đã học tiếng Việt một thời gian ngắn ở Paris, rồi học ở trên tàu trong cuộc hành trình đến Việt Nam. Tàu cập bến Đà Nẵng ngày 3-12-1892, năm ông ta mới 23 tuổi. Gặp thời tiết xấu, chưa cho phép ông về được Huế. Trong lúc chờ đợi, ông ta tranh thủ học tiếng Việt. “Học tiếng Việt, không phải để nói tiếng Việt giỏi giống người họ mà còn phải tâm tư nghĩ suy như họ”. (theo Hồi ký của L. Cadière “Souvenirs d’un vieil Annamitisant”, Indochine, 1942,p.44” = Hồi ký của một ông già khảo cứu đất An nam ). ( TLTK- 1, tr. 17 và TLTK- 6, tr.1).

Về Huế, L.Cadière may mắn có một vị bề trên như Giám mục Caspar, người đã khai hướng cho L.Cadière về các nghiên cứu ngôn ngữ, lịch sử, dân tộc học tôn giáo..v.v… Vị Giám mục này đã từng là tác giả của quyển Tự điển Hán- Việt, Ngôn ngữ nhập môn, và luôn luôn theo đuổi ý định nghiên cứu về phong tục, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt. L.Cadière ghi lại: “Đó là một ông thánh, một nhà bác học, tôi đã học được rất nhiều. Chính người đã dẫn dắt tôi về các nghiên cứu ngôn ngữ, lịch sử và khoa học tôn giáo. Người đã khai mào, khích lệ hướng dẫn tôi. Không những người am tường khoa học ngôn ngữ và chữ Nho mà còn rất tường tận về mặt lịch sử của xứ này”. (TLTK-1 tr.18).

Từ năm 1893 đến 1895, ông được cử làm giáo sư tại Chủng viện An Ninh rồi giáo sư Đại chủng viện Huế, phụ trách các môn thần học, triết học và tu từ học. Từ tháng 10 năm 1895, ông được cử đi tạm nhiệm sở xứ Tam Toà ở Quảng Bình. Nơi đây có Luỹ Thầy được xây dựng từ năm 1630 định ranh giới hơn một thế kỷ rưỡi giữa Đằng Trong và Đằng Ngoài. Cách nơi ông ở có một tấm bia ghi lại các giao tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, cung cấp nhiều dữ liệu cho một công trình nghiên cứu được Học viện nước Pháp (Institut de France) trao giải thưởng năm 1903. (TLTK-1)

Sau 14 tháng làm việc mục vụ ở Tam Toà Đồng Hới, ông được chuyển đến Cù Lạc, hữu ngạn Nguồn Sơn (một nhánh của sông Gianh). Sáu năm ở nơi nghèo nàn hẻo lánh này đã giúp ông nghiên cứu về tín ngưỡng và ngạn ngữ dân gian vùng thung lũng Nguồn Sơn (có bài đăng trong tạp chí: “Bulletin de l’Ecole française d’Extrême Orient”.Hanoi (Tập san Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp. Hà Nội) I, 1901, tr.119-139 và 183-207.

Từ 1904 đến 1910, L.Cadière được điều về làng Cổ Vưu (nay là Trí Bưu, Quảng Trị) rồi huyện luỵ Dinh Cát tỉnh Quảng Trị. Nơi đây còn lưu lai nhiều dấu tích lịch sử thu hút nhà nghiên cứu trẻ tuổi này về các dinh trấn Đằng Trong về sự thâm nhập của Ki-tô giáo vào Việt Nam và nhất là có nhiều di tích Chàm một thời thống lĩnh nơi đây.

Công việc vừa làm mục vụ vừa nghiên cứu của ông quá bề bộn. L.Cadière đã ngã bệnh năng đành phải về Pháp chữa trị vào năm 1910. Nhân thời gian điều trị bên, ông có đến Louvain tham dự tuần lễ dân tộc học tôn giáo và ông thuyết trình về Chỉ dẫn thực hành cho các vị thừa sai khi nhận xét về tôn giáo(Antropos, tập VIII,1913, tr.593-606), và về cá tôn giáo ở Việt Nam ( Recherches de Science Religieuse, 1903,số 1,tr,37-56; số 3,tr,223-243; số6,tr,532-564).

Với hai bài tham luận này,L.Cadière được các giới trí thức, học giả đặc biệt quan tâm. Cũng nhân cơ hội này, Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Ecole française d’Extrême-Orient) đã uỷ thác cho ông truy cứu sưu tầm trong các thư khố về các bang giao của Châu Âu và Vương quốc An Nam. Để làm tròn nhiệm vụ này, ông đến La Mã và tìm được ở thư viện Vatican bản chép tay cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes. Cũng nơi đây, nhiều tác phẩm khác đã cung cấp cho ông những mốc giới về lịch sử hình thành và biến đổi trong ký âm pháp chưa quốc ngữ theo mẫu tự La- tinh.

Ông tiếp tục sưu tầm ở thư viện Victor Emmanuel và trong thư viện của Thánh Bộ Truyền Giáo. Tại Paris, ông tận dụng các tài liệu vô cùng phong phú của Hội Thừa sai Paris (M.E.P), tìm được các thư từ trao đổi giữa vua Gia Long và các sĩ quan Pháp tháp tùng Giám mục thanh Adam- tức Giám mục Bá -Đa-Lộc (Pigneuau de Béhaine) vào cuối thế kỷ thứ XVIII (Tư liệu liên quan đến thời Gia Long trong “Belletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient”,1912tr,1-82); ngoài ra còn tìm thấy được một tập hồi ký của Bénigne Vachet về xứ Đằng Trong (Hồi ký về xứ Đằng Trong đăng trong “Bulletin de la Commission archéologique de l’Indochine”= Tập san của Đoàn Khảo cổ học Đông Dương).

Sau khi rời Pháp trở về Việt Nam, L.Cadière được cử làm Tuyên uý trường Pellerin ở Huế (1912-1918). Thời gian này ông có dịp giao lưu với một số học giả tên tuổi của Việt Nam và các trí thức Pháp hồi ấy và thành lập ra Hội Đô thành hiếu cổ (Assosiation des Amis du vieux Hué= Hội những người bạn Cố đô Huế). Tập san của Hội có nhan đề: Bulletin des Amis du vieux Hué (Những người bạn của Huế xưa”) do L.Cadière làm chủ bút. Tập san này ấn hành đều đặn mỗi năm 4 số. Số đầu tiên ra vào năm 1914 cũng là năm đầu của Thế chiến thứ nhất (1914-1918).

Năm 1918, L.Cadière được điều về vùng công giáo Di Loan, gần Cửa Tùng. Di Loan được kể là một trong những giáo xứ có lâu đời nhất của Đông Dương. Cũng thời gian này, ông được mời làm uỷ viên thường trực của Học viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (E.F.E.O). Và như vậy ông có cơ hội tiếp tục công trình nghiên cứu khoa học của mình một cách rộng rãi hơn. Thời gian ở nơi đây (1918-1945), L.Cadière vẫn tiếp tục làm chủ bút tập chí BAVH cho đến 1944.

Tập san tồn tại cho đến năm 1944 cũng là năm cuối cùng của Thế chiến lần thứ hai (1939-1945) trước hồi kết thúc!

Quãng thời gian dài ở Di Loan (Gio Lonh, Quảng Trị) được đánh dấu bởi hai biến cố khá quan trọng đối với L.Cadière.

Biến cố thứ nhất, đó là năm 1928, ông bị biến chứng bệnh tim mạch, phải trở về pháp chữa trị. Sau một thời gian ngắn, ông được bình phục và tiếp tục ngay vào công việc khoa học của mình. Tiếp đó ông tham dự Tuần lễ Dân tộc học ở Luxenbourg với bài tham luận rất đặc sắc về Gia đình và tôn giáo của người Việt. Sau đó, L.Cadière đến Paris và La Mã để tiếp tục công trình nghiên cứu, tìm kiếm được những tài liệu quý báu của Gaspar Luis (nguyên Giám tĩnh Dòng tên ở MaCao) về các cộng đồng Ki-tô-hữu đầu tiên ở Việt Nam (Chú thích “thư”của Gaspar Luis, đăng trong tạp chí BAVH, 1931, tr. 407-432).Đồng thời ông đã tập hợp được các tài liệu về Danh nhân ảnh tượng của Linh mục Alexandre de Rhodes (sau này đăng trong BAVH, 1938, tr,27-61).

Biến cố thứ hai, đó là Phát xít Nhật đánh chiếm Đông Dương vào tháng 3 năm 1945; L.Cadière bị Nhật quản thúc tại Huế (15 tháng).

Sau đó đến chính biến tháng 12 năm 1946, giặc Pháp tái xâm lược Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được đưa về quản chế cùng với các cha cố đạo khác tại thành phố Vinh (Nghệ An) từ tháng 1 năm 1947, cho đến đầu năm 1953. Ngày 13-6-1953. L.Cadière cùng với tất cả Linh mục được đề nghị trở về Pháp, nhưng lúc đó ông đã 84 tuổi nên ông một mực từ chối: “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này, cho tôi được ở lại và chết ở đây.(Theo Nguyễn Tiến Lãng, trong bài “Au R.P Léopol de Cadière, B.M.E.P, sđd, tr, 29). (TLTK- 1).

Sau đó L.Cadière đã được ở lại tại Huế và không ngừng các hoạt động khoa học của mình cho đến hơi thở cuối cùng. Ông mất tại Huế vào ngày 6 tháng 7 năm 1955, tại ngôi làng nhỏ Kim Long, trong nghĩa trang nhỏ đầy thân thương của Đại chủng viện Huế. Một nấm mồ giản dị, bên cạnh những ngôi mộ khác sắp thành hàng thẳng ngay tuần tự theo năm tháng khi về với lòng đất, tất cả đều giống nhau. L.Cadière đang yên nghỉ bình lặng. Chẳng cần bia đá ghi công, chỉ vỏn vẹn ba chữ R.I.P (Requiescat in pace = Xin hãy yên nghỉ trong an bình). (TLTK -1, tr.11)

Như vậy, một cuộc đời dài 86 tuổi, nhưng L.Cadière đã sống và làm mục vụ, dạy học và nghiên cứu ở Việt Nam trên 60 năm, trong đó gần 30 năm ở Quảng Trị. Những tác phẩm và công trình của ông để lại cho hậu thế cũng dài như thế với khoảng 250 công trình. Các lĩnh vực nghiên cứu về Việt Nam của ông cũng rất đa dạng: ngôn ngữ, tín ngưỡng, địa lý nhân văn, sinh thái, môi trường, cả giao thông, thuỷ lợi và đặc biệt là lĩnh vực văn hoá và dân tộc học thì rất sâu.

Những tác phẩm của L.Cadière để lại cho đời thật quý giá không những cho các nhà khoa học mà còn để lại cho những người thợ thủ công, các nghệ nhân những trang nghiên cứu về Nghệ thuật Huế ngày xưa cũng khá sắc nét. Nhờ đó mà họ đã tái tạo gìn giữ được những giá trị di sản của tổ tiên.

Rất nhiều nhà trí thức của Việt Nam và Pháp còn nhớ những lời tâm tình của L.Cadière nhân dịp mừng lễ Kim Khánh năm 1942, ông tròn 50 năm được sống và làm việc ở Việt Nam:

“Tôi hiểu người Việt Nam bởi vì tôi nghiên cứu những gì liên quan với họ. Tôi học tiếng họ từ ngày tôi mới đến, tôi vẫn còn tiếp tục học và nhận thấy rằng tiếng Việt rất tinh tế về mặt cấu trúc, và cũng không nên xem nhẹ sự phong phú về từ ngữ như có người đã suy nghĩ.

Tôi đã nghiên cứu tín ngưỡng, các thực hành lễ nghi tôn giáo, phong tục tập quán của họ và phải thừa nhận rằng, người Việt Nam rất sâu sắc về tôn giáo, tín ngưỡng của họ trong sáng”…

“Tôi đã nghiên cứu lịch sử của học xuyên qua các thế kỷ, đặc biệt là từ triều Nguyễn, và nhận thấy rằng đất nướcViệt Nam từ nguyên thuỷ đã không ngừng nung nấu một chí hướng cao về sự phát triển và tiến bộ; đã miệt mài theo đuổi thực hiện chí hướng ấy với sự hào hùng, can đảm và linh hoạt thích ứng với từng hoàn cảnh trên con đường tiến bước của mình.

Vì đã nghiên cứu và hiểu được người Việt nên thật tình tôi yêu mến họ.

Tôi yêu mến họ vì trí thông minh, nhạy bén trong suy nghĩ. Tôi đã làm thầy giáo, đã từng giám khảo thi cử, nên vấn đề này, tôi có thể đưa ra những phán đoán có cơ sở.

Tôi yêu mến họ vì những đức hạnh tinh thần. Thuộc từng lớp nông dân, rồi sống ở Việt Nam giữa nông dân, tôi có thể thấy rằng nông dân Pháp và nông dân Việt Nam giống nhau lạ lùng: Bên này cũng như bên kia, từng ý tưởng vụn vặt của sống hằng ngày, việc đồng áng, chợ đò;rồi những bữa cơm thường ngày v.v…”

“Mặt khác, bên này cũng như bên kia, những tình cảm cao cả, tình yêu thương đậm đà của gia đình, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau; chuyên cần trong công việc, nhẫn nhục trong cuộc sống nghèo nàn, khổ cực hàng này.

Tôi yêu mến họ vì tính tình của họ.

Trước đây,khi tôi có dịp đi lại bằng võng hay bằng thuyền, tôi đã thấy được và cảm phục niềm vui sống, sự tươi vui cởi mở, tâm trí hồn nhiên của mấy bác gánh võng hay chèo thuyền, mặc dầu họ thật là vất vả, nhọc nhằn suốt hàng giờ, hàng ngày…”

“Sau cùng tôi yêu mến họ vì họ khổ.

Biết bao khổ ải, biết bao nhọc nhằn lầm than!; những khốn cùng đôi khi phải cam chịu đã đành, nhưng cũng có những điều thường do định mệnh khắt khe vô tình đưa đến nữa!” (TLTK -1)

Những lời thân thương ấy của L.Cadière đã thấm toả trong toàn bộ các tác phẩm công trình khoa học của ông. Điều đó thể hiện những gì rất nhân bản, rất sâu đậm, nồng ấm đối với một dân tộc mà ông trọn đời đã cống hiến trong công tác mục vụ và nghiên cứu của mình. (Georges Coedès, B.M.E.P, sd tr. 17).

L.Cadière vì thế mà không chỉ nổi bật vì những công trình khoa học của ông mà ông còn được biết đến nhờ một tấm lòng nhân ái bao la!. Ít có người ngoại quốc nào có một tâm tình trìu mến với văn hoá phong tục, kể cả những điều vụn vặt hàng ngày, những thân thương, tôn kính qua việc thờ cúng, đạo giáo, nề nếp gia phong của người Việt như linh mục L.Cadière.

Có thể nói rằng, L.Cadière là một học giả xuất sắc đa tài. Ông thông hiểu sâu rộng về nhiều lĩnh vực. Các công trình nghiên cứu của ông đều được trân trọng đăng lên các tạp chí có tiếng một thời ở Việt Nam và thế giới như:

-Revue Indochinoise (Hanoi) = Tạp chí Đông Dương (Hà Nội)

-Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient (Hanoi) = Tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Hà Nội).

-Bulletin économique de l’Indochine = Tập san kinh tế Đông Dương.

-Avenir du Tonkin = Tương lai của Bắc kỳ.

-Anthropos (Áo) = Nhân loại học (Áo)

-Bulletin de la Commission archéologique de Indochine (Paris) = Tập san của đoàn khảo cổ học Đông Dương.

-Recherche de Science religieuse (Paris) =Nghiên cứu khoa học tôn giáo (Pa- ri)

-Bulletin des Amis du Vieux Hué = Những người bạn của Cố đô Huế (con có tên gọi là Đô thành Hiếu cổ).

-Colletion du Vieux Hué = Sưu tập của Huế xưa.

-Information d’Extrême-Orient (Saigon) = Bản tin của Viễn Đông Bác cổ (Sài Gòn).

-Indochine nouvelle (Saigon) = Đông Dương mới (Sài Gòn).

-Revue de Histoire des Colonies française = Tạp chí lịch sử các thuộc địa Pháp.

-Bulletin Catholique indochinois (Quy Nhon) =Tập san Công giáo Đông Dương (Quy Nhơn)

-Bulletin de l’Institut indochinois pour l’Etude l’Homme (Hanoi) = Tập san của Học viện Đông Dương nghiên cứu về nhân loại học (Hà Nội).

-Indochine (Hanoi, Taupin) = Đông Dương (Hà Nội, Taupin)

-Sud-Est (Saigon) = Đông –Nam (Sài Gòn).

-Vietnamese Ethnograpic Paper (Mỹ) =Tạp chí Dân tộc học Việt Nam (Mỹ).

-Publications de la Société de Géographie de Hanoi. = Các xuất bản phẩm của Hội Địa lý Hà Nội.

-Annales de la Société des Missions Etrangères (Paris) = Tạp chí của hội truyền giáo nước ngoài (Paris).

-….v.v…

Trong các tạp chí nêu trên, có hai bộ tạp chí quan trọng có đăng rất nhiều bài nghiên cứu của L.Cadière. Đó là bộ BAVH và bộ BEFEO = Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient (Hanoi) = Tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Hà Nội).

Đặc biệt có bộ tạp chí mà được nhiều người ở Huế nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung đều biết đến và quan tâm tìm hiểu nội dung các bài nghiên cứu. Đó là “ Bulletin des Amis du Vieux Hué” viết tắt là BAVH. “Tập san những người bạn của Huế xưa” ( có từ năm 1914 đến 1944, gồm có 122 số). Tập san này trước đây có tên “Đô thành hiếu cổ”, còn về sau này bản dịch ra tiếng Việt toàn bộ BAVH có tên là “Những người bạn Cố đô Huế”.

Trong toàn bộ tập san này có hơn 150 công trình nghiên cứu về Việt Nam của L.Cadière đã được đăng.

Giá trị của tạp chí này thật là quý giá về nhiều lĩnh vực như dân tộc học, lịch sử, ngôn ngữ và khoa học… Đây là tạp chí khoa học có giá trị nhất của toàn cõi Đông Dương hồi đó. Các thiên khảo cứu vẫn còn mang tính thực tiễn sâu sắc đối với các nhà nghiên cứu ngày xưa và cả ngày nay. Bộ tập san này đã được dịch ra bằng tiếng Việt để tiện bề tham khảo nghiên cứu đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đã có ấn hành đĩa CD-Rom toàn tập bộ tập san này do Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà nội phát hành năm 1997 với sự cộng tác tích cực của ông Philippe Papin thuộc Viện VĐBC Pháp tại Hà Nội và ông Nguyễn Hồng Trân GV trường Đại học Khoa học Huế thực hiện (được sự đồng ý của thầy Hiệu trưởng nhà trường -Võ Duy Dần, đồng thời dưới sự nhất trí tán thành và cho phép của Giám đốc Đại học Huế Nguyễn Thế Hữu và Bộ trưởng bộ Văn hoá Thông tin Việt Nam-Nguyễn Khoa Điềm).

Ngoài ra, còn có nhiều tác phẩm của L.Cadière rất có giá trị cho việc tham khảo nghiên cứu khoa học ngày nay. Chẳng hạn như:

  1. Les irrigations en Annam (Những việc thuỷ lợi ở An Nam) -Léopold Cadière. - Hanoi : L'Avenir du Tonkin, [?]. 4 articles.
  2. Le Projet de réforme de l'Instruction en Indochine (Dự Án Cái Cách Học chính tại Đông Dương ) Léopold Cadière. - Hanoi : L'Avenir du Tonkin, [?]. 5 articles.
  3. Sauvons nos pins (Hãy cứu lấy những cây thông của chúng ta ) BAVH p. 437-443;
  4. Monuments et souvenirs chams du Quang-Tri et du Thua-Thien (Các công trình và kỷ niệm Chàm của Quảng Bình và Thừa Thiên )- par L. Cadière. - Hanoi: F. -H. Schneider, 1905. - [10] p.; 27 cm. Extr. de: BEFEO 5 (190(5) 185-195.
  5. Les Hautes vallées du Song-Gianh (Các thung lũng miền thượng của Sông Gianh) - par L. Cadière, de la Société des Missions étrangères de Paris, corespondant de l'Ecole française d'Extrême-Orient. - Hanoi: F. - H. Schneider, 1905. - [19] p.; 27 cm. Extr. de: BEFEO 5 (1905) 349-367.
  6. Chansons populaires recueillies dans la province de Quang-Binh (Các bài hát dân gian được thu thập trong tỉnh Quảng Bình ) par L. Cadière. - Hanoi: IDEO, RI, 1905. - p. 1030-1034.
  7. Plantes alimentaires et médicinales du Quang-Binh et du Quang-Tri (Các loài cây dùng làm thực phẩm và thuốc của Quảng Bình và Quảng Trị ) -L. Cdière. - Hanoi: Bulletin des Etudes Indochinoises, 1905. - p. 894-896.
  8. Les tombeaux royaux de Hué  (Các lăng mộ vua chúa ở Huế) -L. Cadière. - Paris: Annales des Missions Étrangères, 1906.- p. 83-92.
  9. Le Mur de Dong-Hoi: étude sur l'établissement des Nguyên en Indochine (Lũy thành Đồng Hới: nghiên cứu về sự thành lập của nhà Nguyễn tại Đông Dương )- par L. Cadière. - Hanoi: BEFEO 6/1-2, 1906. - p. 87-254.
  10. Textes et documents relatifs à la réforme du quôc-ngu (Văn bản và công trình liên quan đến việc cải cách quốc ngữ ). par L. Cadière ; publ. par la Direction générale de l'Instruction publique de l'Indo-Chine. - Hanoi : F. H. Schneider, 1907. - 37 p. ; 28 cm. Tiré à part de l'Avenir du Tonkin 1906.
  11. A la recherche des ruines chames  (Đi tìm các tàn tích Chàm )-L. Cadière. - Lyon: Les Missions Catholiques, 1906 p.1937-1941.
  12. Philosophie populaire annamite: Cosmologie  (Triết lý dân gian An Nam: Vũ Trụ Học )- L. Cadière. - St. Gabriel Mödling, Autriche: "Anthropos" (Vienne) ; vol. II (1907) p. 116-127, 955-969, vol. III (1908) p. 248-271. – Hanoi 12: [réimpr. dans Revue Indochinoise] RI, 1909, p. 835-847, 974-989, 1189-1216.
  13. Le Culte des Pierres en Annam =(Việc thờ tự đá ở An Nam) -L. Cadière. - Lyon : Les Missions Catholiques, 1911 p. 2209-2218.
  14. La colonisation annamite des Terres Rouges du Gio-linh (Việc người Annam khai thác đất đỏ Gio linh), BAVH, p. 207-210.
  15. De la nécessité d'établir en Indochine des réserves botaniques, avec protection intégrale (Về sự cần thiết phải lập các khu rừng bảo vệ thực vật ở Đông Dương), L. Cadière. -Hanoi: Taupin, INDO, 1942. - p. 8-9.

(TL-2)

Nhà nghiên cứu về Văn hoá, Lịch sử –Hoà Giang Đỗ Hữu Nghiễm đã viết:

“ Trong học giới Việt Nam và thế giới, nhiều người đã từng viết về nhân vật kiệt xuất này, với không biết bao lời tán tụng. Nhưng trong bối cảnh hòa nhập văn hóa Việt Nam hiện nay, con người này vẫn là một tấm gương soi chung cho mọi người thiện chí có tinh thần dân tộc... Hãy sáng suốt và can đảm, đoàn kết, tìm lấy mẫu số chung nhất ở nền tảng văn hóa dân tộc mà khối óc và con tim Cadière đã dầy công tìm tòi và yêu mến”. (TLTK-2)

Trong bài “Tưởng nhớ nhà Huế học quá cố Léopold Cadière” đăng trong báo Lao Động (số  75/94 4016) ra ngày 23.6.1994, Nguyễn Đắc Xuân đã viết:

Huế đã được công nhận di sản thế giới. Để có được sự công nhận ấy một thế kỷ qua, nhiều nhà Huế học, nhà văn, nhà nghiên cứu đã đóng góp biết bao công trình để giới thiệu Huế với thế giới. Người được tôn là bậc thầy trong công việc này là Léopold Cadière (...) Duy có “một điều lạ” là không có mấy người biết về cuộc đời Léopold Cadière. Nguyên nhân vì đức khiêm tốn, lúc sinh thời ông cho rằng những gì nói về ông là không cần thiết.” (TLTK-4)

Trong một tác phẩm có tên Nhân vật giáo phận Huế, Lê Ngọc Bích đã dành 14 trang sách lớn để viết về linh mục Léopold-Michel Cadière với những nghiên cứu chi tiết và giá trị để thiết lập một bản tiểu sử khá đầy đủ về linh mục Cadière. Trong phần kết luận, Lê Ngọc Bích đã viết rằng:

Léopold Cadière, một con người suốt đời gắn bó với Huế, nhà Huế học kiệt xuất bậc thầy, nhà Việt Nam học. Công lao của Cadière trong việc nghiên cứu về Huế hẳn nhiên nhiều người công nhận và trân trọng. Tuy nhiên, có một điều lạ là Huế chưa có con đường nào được mang tên Léopold Cadière, con người đã giới thiệu Huế với Thế giới.”(TLTK-6)

Nhà nghiên cứu Đào Hùng viết: “Có thể nói tư tưởng của linh mục Cadière đã mở đường cho những người nghiên cứu Việt Nam đầu thế kỷ. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đáng cho tất cả những ai quan tâm đến môn Việt Nam học, dù là người Việt hay người nước ngoài, phải kính cẩn suy ngẫm. Ông đã đem lại những hiểu biết sâu sắc về dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà nhiều nhà nghiên cứu trước đây từng nghĩ rằng đã hoàn toàn Hán hóa, không có cá tính...” (TLTK-7)

Tuy L.Cadière đã về với cõi âm đã hơn nữa thế kỷ rồi (1955-2009) mà người đời vẫn còn nhớ ông mãi mãi. Nhất là đối với các nhà khoa học ở Huế, ở Việt Nam và Pháp nói chung đã coi L.Cadière là một thần tượng tuyệt vời trong nghiên cứu khoa học và cuộc đời giản dị trong sáng của ông. Suốt đời ông lo tu hành và miệt mài say mê nghiên cứu khoa học. Đến lúc già yếu “gần đất xa trời” ông cũng muốn gởi thân xác tại quê người mà ông đã suốt đời gắn bó.

Chúng tôi nghĩ rằng L.Cadière đáng được xây tượng hoặc đặt tên đường ở thành phố Huế. Chúng ta tri ân các bậc hiền tài không những chỉ người Việt mà cả người nước ngoài đã có nhiều công lao nghiên cứu nhiều công trình đóng góp cho nền văn hoá và khoa học Việt Nam thì cũng xứng đáng và có ý nghĩa lớn đối với một vùng đất thuộc sản văn hoá thế giới.

Tôi đã từng đọc nhiều về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài nhưng chưa thấy ai như Léopold Cadière. Ông thực sự là một linh mục đầy lòng nhân ái, một trí tuệ thông minh, biết nhìn xa thấy rộng về đất nước và con người; có ý thức và tinh thần nuôi dưỡng, duy trì, phát triển truyền thống nền văn hoá của các dân tộc… Ông không ngừng dấn thân vào con đường khoa học một cách say mê có chí hướng phụng sự cho lợi ích chung của con người và ông cũng luôn gắn liền trách nhiệm bổn đạo của mình một cách đúng mực, trong sáng. Cuộc đời và sự nghiệp khoa học xã hội và nhân văn của L.Cadière vẫn được lưu truyền tiếng thơm muôn thuở.Q

NHT

---------------------------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1.Đỗ Trinh Huệ: VĂN HOÁ, TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG VIỆT NAM dưới nhãn quan học giã L. Cadière- chủ bút tạp chí Bulletin des Amis du vieux Hué- Đô thành hiếu cổ (1914-1944). Sách NXB Thuận Hoá .Huế-2006.

2. Hoà Giang Đỗ Hữu Nghiễm: Linh Mục CADIÈRE, Léopold-Michel (1869-1955)

Trên mạng , trang Website: http://www.dunglac.org/upload/article.

3.Trần Vinh Nhà Việt Học: Linh Mục Léopold Cadière. http://www.dunglac.org/index.php?

4.Nguyễn Đắc Xuân: Tưởng Nhớ Nhà Huế Học Léopold Cadière. Lao Động ngày 23/6/1994.

5.Bulletin des Amis du Vieux Hué =BAVH (Những người bạn Cố đô Huế), CD –Rom.do Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội ấn hành năm 1997.

6.Nguyễn Đức Cung: Quảng Bình dưới ngòi bút của Léopold Cadière (1869-1955); theo http://ttntt.free.fr/article/New/duccungNguyen.html.

7. Đào Hùng “Linh mục Cadière, một trong những người mở đầu môn Việt Nam học, Tạp chí Xưa Nay, số 6 năm 1995, cơ quan của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

8.Phan Quang: Tuyển tập mười năm 1998-2008, NXB Văn học, HN,2.

--------------

Ghi chú: Nội dung bài viết này đã được đăng trong tạp chí “Huế Xưa & Nay” (số 95) và tạp chí “Kiến thức ngày nay” số 692.