Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NHÀ VĂN TRẦN CÔNG TẤN

 

Giới thiệu nhà văn Trần Công Tấn, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.


 

Tên thật: Trần Công Tấn


Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Sinh ngày 19.5.1933 tại Thành phố Huế

* Năm 1945 gia nhập Quân giải phóng chiến đấu chống Pháp ở Mặt trận Huế và Bình Trị Thiên.

* Có thời gian đã cùng Tình nguyện quân Việt Nam đi chiến đấu chống Pháp giúp là và Campuchia

* Về sau này, nhà văn Trần Công Tấn công tác ở báo Đại Đoàn Kết, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Bút danh: Tân Sắc, Trần Triệu Phong, Xomboun Vatthanna

Thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký.

Hiện sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông đã được các giải thưởng: - Thần voi và voi thần, giải chính thức Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội của Tổng cục Chính trị - Họp tổ Đảng, giải của tạp chí Văn nghệ Quân đội (1963) - Chỗ gặp nhau, giải thưởng Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam kết hợp với Hội Nhà văn - Chỗ gặp nhau, giải thưởng của Tổng cục Lâm nghiệp và Hội Nhà văn trao.

Ngày 10/9/2007, Hội nghị nhà văn Việt Nam - Lào - Campuchia tổ chức tại Hà Nội, ông là 1 trong 5 nhà văn VN đoạt giải thưởng văn học sông Mê Kông lần thứ nhất gồm: Văn Linh, Trần Công Tấn, Bùi Bình Thi, Văn Lê, Nguyễn Quốc Trung. Cùng được tôn vinh lần này còn có 3 nhà văn Lào: Chănthy Deuansavanh (Chủ tịch Hội Nhà văn Lào), Pheolavanh Luangvanna, Chanthone Thiengthebvongsa và 4 nhà văn Campuchia: Va Sam Ath, Pol pisey, Poan Phoung Bopha và Sou Chamroeun.

Tác phẩm:

.

Con ngựa của tôi

Thần voi và voi thần (1958)

Cô pháo thủ (1966)

Đường ra biển rộng (1967)

Tiếng nói dưới dòng sông (1968)

Dòng suối mát (1969)

Chỗ gặp nhau (1972)

Suối trong rừng

Chớp biển (1970)

Những bông cỏ mặt trời (1971)

Đa Ra nơi đâu (1981)

Mối tình tan vỡ (1988)

Hoa lục bình trôi (1982)

Thương thương

Hoàng thân Xuphanuvông với đất nước Triệu Voi (1995)

Dấu tích nơi cửa sóng (2001)

Gia đình Xang Khăm

Ba đời chồng

Ông Hoàng đỏ - người hùng của nước Lào

Hà Văn Lâu – người đi từ bến làng Sình

Cọp dữ Bàu Hàm sa lầy

Nguyễn Chí Thanh – Sáng trong như ngọc một con người

Ở đâu tình yêu của tôi

Hoàng thân Xuphanuvông và những dòng sông huyền thoại

Dòng sông Son vẫn xanh (2011).

 


 

.

.

.

Tác phẩm tiêu biểu:

Dấu tích nơi cửa sóng

Tác giả: Trần Công Tấn.

(Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2001)

 

"…- Cơ chi con chó nớ đừng đi, tui có mô đến nông nỗi ni, hè?"

Anh ta hỏi cái cột điện rồi cười một mình. Xe cộ vẫn rầm rầm qua lại, không ai để ý đến anh. Một ngọn lá long não khô rơi xuống đường. Anh nhặt ngọn lá ấp lên môi hôn.Nói với ngọn lá: "Nhớ ơi! Để ba lượm nhiều lá đẹp cho con, hí!" Anh ta cười, nhìn trừng trừng vào ngọn lá. Chợt miệng anh như mếu, nước mắt rơi trên ngọn lá, trên hai bàn tay. "Ờ. Ờ…Để ba kiếm lá bàng đỏ nì. Lá phượng li ti, lá sen đội mũ hu, hu, hu…" Anh khóc to. Chân vẫn bước.

Chị bán quán "la de" chỗ bến Thương Bạc lắc đầu ái ngại, nói trống không:

- Thằng Bạc bên Bạch Đằng đó. Lúc điên, lúc tỉnh. Thiệt tội;

Khách uống không ai để mắt đến người điên. Tôi nhìn chiếc áo rằn ri trên người Bạc, hỏi chị "la de":

- Lính nguỵ à chị?

- Dạ…Thuỷ quân lục chiến đó. Chị kéo ghế ngồi cạnh bàn tôi, đưa tay phụ lại tiền. Miệng kể. Hắn một phố với tui.Học luật dở dang được vài năm, thi rớt, ở nhà trốn lính. Được cái giỏi tiếng Mỹ. Vô sở Mỹ bên Phú Bài làm nghề vác két, nạy hòm vẫn không thoát lính. Nghèo, không có tiền đút lót, rứa là đang làm lính hầu cho các ông to, bị bắt ra trận. Trốn mấy chuyến đều bị bắt lại, cuối cùng về đóng đồn Mang Cá.

Người điên đột ngột quay lại, đi thẳng tới bàn tôi ngồi, đứng xớ rớ đó lắng nghe chuyện kể về mình như chuyện của ai ai. Chị chủ quán hỏi:

- Mi nhớ tau không, Bạc?

Anh ta cười, giơ hai tay đón quả chuối chủ quán cho, ăn vội vàng rồi vái chị lia lịa:

- Lạy ông. Cơ chi con chó nớ đừng đi…Lạy ông. Chỉ tại con chó…

- Thôi về nhà đi!- chị chủ quán khoát tay, giọng bùi ngùi- lại điên rồi. Đi đi. Tội nghiệp. Con hắn không chết mất xác dưới Cửa Thuận chắc hắn không điên.

T.C.T

 

Tiếng chuông Thiên Mụ
Tác giả: Trần Công Tấn

..." Bách bát hồng thanh tiêu bách kết
Tam thiên thế giới tĩnh tam duyên
Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm
Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền"...
(Thiên Mụ chung thanh - Thiệu Trị)

Nghĩa là "Một trăm lẻ tám tiếng chuông làm tiêu tan trăm oán kết, làm ba nghìn thế giới tĩnh tam duyên. Tiếng chuông trong giờ ngọ, ban ngày cảm đến cõi trần lẫn cõi u minh, tiếng ngân xa vào giờ Dần, trong đêm cho thấy sự diệu huyền của Đạo"...

Thời thơ ấu ở Huế, tôi thường ngủ tại Gia Hội, gần sông Hương. Đêm đêm nghe chuông chùa Thiên Mụ vừa trầm đục vừa vang vọng từ ngoài sông đẩy vào. Đi kháng chiến 30 năm trở về Huế, tôi sống gần Cửa Sập, đêm thức giấc nghe chuông hết tiếng nọ dồn tiếng kia cứ như dòng sông mang theo tiếng chuông đi ngang qua nhà tôi xuôi về đâu dưới ngã ba Sình mà ra cửa Thuận An. Thật lạ! Tiếng chuông Thiên Mụ nghe vào đêm như cây cỏ, đất đai, sông nước đều có tâm hồn. Như một lời tâm sự, an ủi, khuyên nhủ, thức tỉnh thiện tâm của con người. Tôi đi gần khắp đất nước và hơn chục nước bạn, chưa ở đâu có được tiếng chuông huyền bí như thế. Nhà thơ Thanh Tịnh có lần giải thích cho tôi sở dĩ chuông chùa Thiên Mụ vang xa là do chùa ở trên một ngọn đồi cao, cạnh kề sông Hương chỗ sâu nhất. Tiếng chuông dội xuống dòng sông nên vang xa. Lại nữa, chuông đúc bằng đồng có lẫn vàng và bạc. Tiếng đồng thì vang xa, tiếng vàng bạc thì chặn lại nên đã tạo ra âm thanh ngân nga đặc biệt như vậy. Rồi nhà thơ kể: Truyền thuyết cho rằng ngày xưa, chúa Nguyễn đi tìm nơi đóng đô, gặp một bà cụ già chỉ cho chỗ đất tốt. Lập kinh đô xong, chúa bèn đi tìm bà cụ để cảm ơn nhưng chẳng thấy đâu. Nghĩ chính đó là người của Trời sai xuống giúp mình, chúa liền lập chùa thờ bà và đặt tên chùa là Thiên Mụ. Người ta nỗ lực quyên góp để đúc chuông, từ vua chúa và thường dân, hễ ai có nồi chậu, thau đồng, khánh vàng, vòng bạc đều bỏ vào chảo phước sương. Một lão hành khất có chiếc cúc áo duy nhất bằng đồng cũng rứt ra cúng chùa, góp phần đúc chuông. Nhưng khi chọn nhặt những dị vật không phải ba thứ đồng, vàng, bạc, thì người thợ đúc liền vứt bỏ chiếc cúc bé xíu. Chuông đúc rồi, đánh thử rất hay và ngân vang nhưng trên mặt chuông lại khuyết một lỗ bằng hạt ngô. Thợ đúc liền miết lại lỗ khuyết mặt chuông cho bằng phẳng. Nhưng khi đánh thử lại thì chuông câm bặt. Đem móc bỏ chỗ miết ấy để lòi ra cái lỗ khuyết mà đánh thì chuông lại kêu vang. Thế mới biết chuông chùa Thiên Mụ có hồn ngay từ khi mới đúc. Cái lỗ khuyết phơi ra trên mặt chuông đã góp một triết lý cho đời rằng: "Đừng coi thường sự đóng góp nhỏ nhoi của một người hành khất!"...

Nhân một chuyến công tác tại Paris , chúng tôi tổ chức gặp gỡ, hội thảo chỗ này, tiệc tùng chỗ nọ, hễ có dăm bảy người Huế là cứ xúm xít với nhau. Trong đủ thứ chuyện thế nào cũng có người nhắc đến chùa Thiên Mụ. Đề tài Thiên Mụ thì ở đâu cũng nhắc nhớ. Riêng cái tiếng chuông chùa Thiên Mụ cũng đủ để làm một hội thảo rồi. Tuy vậy cũng còn những cái chưa hay: Tiến sĩ Võ Quang Yến kể năm ngoái vợ chồng anh vừa về Huế, khi đến thăm chùa Thiên Mụ vẫn còn "té ngửa" khi nghe người hướng dẫn du lịch dịch Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương thì cái canh gà này vẫn "Chicken soup!". Đức Di Lặc dịch là "Ông Thần Tài"! Còn nữa: "Cửu đỉnh trong Đại Nội là để... thắp hương"! Nghe thật buồn cười. Chuyện đã xưa lắm tưởng đùa mà vẫn còn có thật và ai cũng tin vì bà giáo sư tiến sĩ hóa học Kouscher Liliane, vợ của anh Yến vừa bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp cử nhân văn chương ở Trường Đại học Paris (Denis Diderot) về đề tài "Chùa Thiên Mụ". Luận văn dày ngót 300 trang và được giáo sư Langlet Philippe đánh giá rất cao.

Tiến sĩ Quang Yến nhờ tôi nhắn về với anh em làm du lịch ở Huế nên "Cấm ngặt Tây, đầm mặc quần xà lỏn, áo may ô vào thăm cung điện, lăng tẩm, chùa chiền ở Huế. Và nếu có cho khách du lịch mặc áo quần vua chúa ngồi lên ngai vàng chụp hình chơi thì cũng được, nhưng không nên cho ngồi ngai ngay trong điện Thái Hòa".

Những người Huế có tâm huyết với quê nhà nhắn nhủ những chuyện nhỏ (mà không nhỏ) như vậy và ước mơ cũng không lớn: "Chỉ mong được về lại Huế ăn một chén chè bông cau, nằm ngủ bên bờ sông Hương, để được nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga"...

T.C.T

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa),

các nhà văn (từ trái sang): Trần Công Tấn, Trần Hữu Tòng, Cao Tiến Lê, Lê Lựu, Nguyễn Văn Dinh

*

Chung một chiến hào (Phần 1)

(Đã đăng Báo QĐND - Thứ Bảy, 11/07/2009)

Đầu tháng 10-1945, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông theo đường số 1, vào Huế gặp Bí thư Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương Trung kỳ kiêm Chủ nhiệm Việt minh Trung Bộ Nguyễn Chí Thanh, trước khi theo đường số 9 trở về Lào.

Hoàng thân và những người tùy tùng được Bí thư Xứ ủy Nguyễn Chí Thanh niềm nở đón tiếp, ân cần thăm hỏi sức khỏe và xin cho biết đoàn cần gì cứ đề xuất, Xứ ủy và Ủy ban Trung Bộ sẽ hết lòng phục vụ.

Khi đã lo xong chỗ ăn nghỉ chu đáo cho đoàn của Hoàng thân, đồng chí Nguyễn Chí Thanh lập tức đội mưa gió đến Trung Bộ phủ báo cho Chủ tịch Ủy ban Trung Bộ Trần Hữu Dực biết anh vừa đi gặp Hoàng thân Xu-pha-nu-vông trên đường trở về Lào, đang ghé qua Huế. Anh kể lại với đồng chí Trần Hữu Dực chuyện Bác Hồ lúc chia tay ở Tân Trào, Bác bảo anh một trong các nhiệm vụ quan trọng của Xứ ủy Trung kỳ là hết lòng hết sức giúp cách mạng Lào. Bác căn dặn: “Việt Nam ta giúp nhân dân và cách mạng Lào là mình tự giúp mình”. Anh Thanh cho biết, sau ngày 2 tháng 9, Bác Hồ đã mời ông bà Hoàng thân lúc này đang ở Vinh ra Hà Nội, để bàn về việc liên minh Việt-Lào trong tương lai đoàn kết để chống bọn thực dân, đế quốc xâm lược. Sau khi tiếp kiến Bác Hồ, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông được người anh cả là Phó vương Phết-xa-rạt đang là Thủ tướng Lào gọi về tham gia chính phủ cách mạng Lào.

Chủ tịch Trần Hữu Dực nghe Bí thư Nguyễn Chí Thanh nói về quan hệ của Bác Hồ với Hoàng thân và tầm quan trọng của sự đoàn kết của ba nước trên bán đảo Đông Dương và nhiệm vụ trực tiếp của Thừa Thiên-Huế và Trung kỳ, nơi có nhiều tỉnh cùng chung biên giới với nước Lào phải hết lòng hết sức chi viện cho cách mạng Lào. Đồng chí Trần Hữu Dực biết sự trao đổi của đồng chí Nguyễn Chí Thanh tuy thân tình nhưng anh hiểu rõ đây là chỉ thị của Xứ ủy mà Ủy ban Trung Bộ và Thừa Thiên-Huế phải chấp hành nghiêm túc - như lời anh Thanh là việc cần làm ngay.

Hôm sau, lúc tiếp kiến Hoàng thân Xu-pha-nu-vông tại Trung Bộ phủ, đồng chí Trần Hữu Dực cho mời Ủy viên quân sự Lê Tự Đồng(1) đến và giới thiệu một người khách lạ, có khuôn mặt quắc thước, với dáng vẻ đĩnh đạc hiên ngang:

- Đây là ngài Hoàng thân Xu-pha-nu-vông.

Đồng chí Lê Tự Đồng cúi đầu chào. Hoàng thân tươi cười bắt tay anh Đồng. Anh Dực nói tiếp:

- Anh Đồng ạ, Ngài Hoàng thân cần phải về Lào gấp. Vậy nhờ anh tổ chức một trung đội bảo vệ hộ tống Ngài về nước.

Chấp hành chỉ thị của Ủy ban Trung Bộ, hôm sau anh Lê Tự Đồng đã điều động hơn ba chục chiến sĩ mạnh khỏe và một số cán bộ chỉ huy như các đồng chí Lê Phùng Thời, Đoàn Thuần, Trần Văn Dĩnh, Trần Ngọc Quế… trang bị vũ khí nhẹ, mang theo đầy đủ lương thực đến hộ tống Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và đoàn tùy tùng theo con đường số 9 qua Lao Bảo về Xê Pôn, Mường Phìn. Vài hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng vào theo đến Mường Phìn tiễn đoàn và cử thêm 4 sĩ quan đặc phái gồm các đồng chí Dương Cự Tẩm, Lê Thiệu Huy, Nguyễn Trọng Thường và Hoàng Xuân Bình giúp việc Hoàng thân Xu-pha-nu-vông.

Theo hồi ký của nhà văn Xu-van Thon có mặt trong ngày Hoàng thân Xu-pha-nu-vông vượt Trường Sơn trở về, các tầng lớp nhân dân Xê Pôn già trẻ, trai gái đều phấn khởi tự hào. Ai nấy đều mặc những bộ áo quần đẹp nhất, hái những bông hoa đẹp và thơm nhất xâu thành từng vòng, chuỗi chuẩn bị để khoác vào cổ chúc phúc Hoàng thân. Rồi họ kéo đến tụ tập tại sân trường tiểu học giữa thị trấn Xê Pôn đón tiếp chào mừng Người. Hoàng thân đã đưa ra bức ảnh chụp với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội cho mọi người cùng xem. Đây cũng là lần đầu tiên người dân Xê Pôn được thấy ảnh Bác Hồ.

Ngay ngày hôm sau, nhân dân Xê Pôn tổ chức cuộc mít tinh lớn hoan nghênh Hoàng thân trở về. Sau lễ chào cờ, Hoàng thân lên phát biểu. Người nói:

- Đất Lào phải do người Lào làm chủ. Vì vậy, chúng ta phải đoàn kết với nhau chung sức, chung lòng đấu tranh để cứu lấy Tổ quốc yêu dấu của chúng ta. Lào và Việt Nam cùng chung một nguyện vọng duy nhất là có nền độc lập dân tộc và quyền dân chủ thực sự; cùng chung một kẻ thù là thực dân Pháp đang muốn trở lại thống trị hai nước chúng ta. Do đó nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam anh em phải đoàn kết nhau lại tiếp tục chiến đấu.

Nền độc lập của Lào muôn năm!

Tình đoàn kết Lào - Việt Nam muôn năm!

Hòa bình thế giới muôn năm!

Hoàng thân vừa dứt lời, tức thì tiếng hoan hô, tiếng hát hòa cùng tiếng chiêng, tiếng trống vang lên rung trời chuyển đất, âm vang khắp rừng núi, sông suối Xê Pôn…

Nhân dân Xê Pôn lại lưu luyến tiễn Hoàng thân lên đường đi gấp đến Mường Phìn, Pha Lan, Đồng Hến để đến tỉnh lỵ Xa-văn-nã-khệt.

Tiễn Hoàng thân đi rồi, nghe lời căn dặn của Người, nhân dân Xê Pôn cùng liên quân Lào-Việt đã mở cuộc tiến công vào bản Nậm-cha-lộ, hang ổ của quân Pháp và tay sai ở vùng Xê Pôn. Quân Pháp hoang mang bỏ chạy khỏi bản. Anh em liên quân đã rải truyền đơn, cắm những lá cờ cách mạng mà Hoàng thân vừa trao tặng và tuyên truyền giải thích lời tuyên bố của Người cho nhân dân trong vùng Pháp kiểm soát hiểu rõ mục tiêu chống Pháp của cách mạng. Từ đó, nhân dân trong vùng Nậm-cha-lộ gọi liên quân Lào-Việt là quân đội của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông. Liên quân rất tự hào về danh hiệu mới mà nhân dân đã tin tưởng đặt cho mình, ai nấy đều tự hào hăng hái chuẩn bị tấn công quân Pháp, giải phóng Mường Đồng Hến.

Hoàng thân Xu-pha-nu-vông về đến thị xã Thà Khẹc thì được tin tại thủ đô Viêng Chăn vào hồi 8 giờ sáng ngày 12-10-1945, hơn hai vạn đồng bào Lào cùng với Việt kiều, Hoa kiều tập trung tại Tỉnh đường làm mít tinh chào mừng chính phủ độc lập lâm thời Lào ra mắt quốc dân, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân Lào và thế giới nước Lào độc lập thống nhất ra đời. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là quốc gia đầu tiên công nhận nền độc lập của Lào.

Trong danh sách thành viên của chính phủ có Hoàng thân Xu-văn-na Phu-ma được phân công làm Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ngày 30-10-1945, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông lên thủ đô Viêng Chăn tiếp kiến Hoàng thân Phết-xa-rạt và Hoàng thân Xu-văn-na Phu-ma, đồng thời đã gặp chính phủ Lào Ít-xa-la và nhận chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Lào. Sau đó Người quay trở về Thà Khẹc tiến hành ngay việc thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang và mở rộng vùng kiểm soát tại Thà Khẹc.

Trong khi đó quân Pháp được Nhật thả ra cộng với quân trốn trong rừng đã tập hợp lại, lập ra những đơn vị chiến đấu phối hợp với quân của chúng từ đường số 9, sân bay Xê Nô và từ Nam Lào đánh lên Xa-văn-nã-khệt để tiến lên Thà Khẹc.

Cũng như ở Thà Khẹc, bọn tù binh Pháp được Nhật thả ra cùng với bọn trốn tránh trong rừng đã tập trung nhau lại cùng với bọn phản động được Nhật, Tàu Tưởng và bọn đồng minh Anh, Ấn giúp sức trang bị vũ khí và phương tiện liền đánh phá các nơi khắp trên lãnh thổ Lào. Chúng đã bị Liên quân Lào-Việt đánh trả quyết liệt ở quanh tỉnh Viêng Chăn như ở Bản Cơn, Bản Y-lay, ở Noọng Pạc Tốp.

Ở Khăm Muộn, Liên quân Lào-Việt đã tấn công tiêu diệt đồn Na Mương. Ở Xiêng Khoảng, Liên quân Lào-Việt tấn công bọn tàn quân Pháp và thổ phỉ Tu Bi, buộc chúng phải bỏ Noọng Hét tháo chạy về phía Tây.

Tại Luông Phra-băng, trước sức mạnh đấu tranh của Chính phủ lâm thời và quần chúng cách mạng Lào, của sư sãi, quân đội, công chức buộc nhà vua Xi-xa-vang-vông phải xin thoái vị.

Kể từ cuối tháng 12-1945 đến đầu năm 1946, liên quân Lào-Việt đã đánh Pháp khắp nơi Bắc, Trung , Nam Lào. Đến ngày 28-2-1946, quân Tàu Tưởng Giới Thạch và thực dân Pháp ký thỏa thuận với nhau để cho quân Pháp vào giải giáp quân Nhật ở Lào từ vĩ tuyến 16 trở lên. Ngày 5-3-1946, quân đội Anh với danh nghĩa Đồng minh vào giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở xuống đã giúp quân Pháp trở lại xâm lược Lào. Ngày 12-3, Pháp tập trung lực lượng tấn công vào thị xã Xa-văn-nã-khệt.

Chiếm được các tỉnh ở Nam Lào, quân Pháp đã củng cố lực lượng, được máy bay thả dù tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược rồi móc nối với bọn quan lại cũ ở các địa phương, tổ chức các cuộc tiến công mới hòng nhanh chóng chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Lào. Ở phía Bắc, bọn Pháp từ Nam Trung Quốc đánh chiếm các tỉnh thượng Lào. Ở phía Nam và phía Đông, lực lượng lớn của Pháp có không quân, pháo binh và xe tăng yểm trợ đánh chiếm các tỉnh Trung Lào. Đứng trước thế giặc rất mạnh, Mặt trận Ít-xa-la và Hội Việt kiều chủ trương rút ra khỏi các đô thị về các vùng nông thôn phát động toàn dân đánh du kích chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến trường kỳ. Các vùng biên giới chung với Thái Lan được chính phủ tiến bộ của Thái Lan lúc ấy ủng hộ cách mạng Lào, Việt và Cao Miên. Mặt trận chủ trương sẽ cho nhân dân tạm lánh sang Thái Lan khi cần thiết, nhằm tránh bớt thương vong và bảo vệ tài sản cho dân. Bà con Lào và Việt kiều thì người già, phụ nữ và trẻ con ở Xa-văn-nã-khệt tản cư qua sông đến Mục Đa Hán, thuộc tỉnh U Bôn, ở Thà Khẹc qua sông đến thị xã Na Khon Phả-nôm (Thái Lan).

Hoàng thân Xu-pha-nu-vông chỉ huy một lực lượng Liên quân Lào-Việt gồm 600 tay súng. Những chiến sĩ ở mặt trận Thà Khẹc lúc này gồm số thanh niên Lào được động viên hoặc tự nguyện gia nhập quân đội dưới sự tập hợp chỉ huy của ông Xing-ca-pô Xi-khốt Chun-nã-mã-ly, còn thanh niên Việt kiều do Ủy ban Việt Minh biên chế thành đơn vị tự trang bị quân trang vũ khí.

Những hoạt động cách mạng ở Thà Khẹc lúc này thật sôi nổi. Mọi người đều hăng hái sẵn sàng hy sinh tính mạng cho thị xã Thà Khẹc yêu quý.

Phong trào quần chúng cách mạng ở Thà Khẹc lên càng cao và có khí thế mạnh mẽ khi Hoàng thân đem quân đến mở mặt trận Thà Khẹc.

Không phải ngẫu nhiên mà chính phủ Ít-xa-la và Hoàng thân chọn địa điểm Thà Khẹc, thủ phủ của tỉnh Khăm Muộn để đóng quân và mở mặt trận chống kẻ thù. Thà Khẹc là một địa điểm chiến lược rất quan trọng ở tỉnh Khăm Muộn và Trung Lào, Bắc giáp tỉnh Bo-li Khăm-xay, Nam giáp tỉnh Xa-văn-nã-khệt, Đông giáp tỉnh Hà Tĩnh (Việt Nam), Tây giáp tỉnh Na Khon Phả-nôm có dòng sông Mê Công chảy qua phân chia địa giới giữa Lào và Thái Lan.

Khăm Muộn là một tỉnh giàu có về khoáng sản và rừng nhiều gỗ quý. Xưa kia, Thà Khẹc là thành phố cổ Xi-khốt-tả-boong, có nền văn minh phồn thịnh trong các triều đại vua Lào xưa. Ở vùng huyện Ma-hã-xay được coi là cái nôi của loài người. Nơi đây những nhà khảo cổ phương Tây đã tìm thấy hài cốt của người cổ và những dụng cụ đồ đá.

Thị trấn Thà Khẹc là tụ điểm của nhiều trục đường giao thông quan trọng như các con đường số 13, đường số 8 (Thà Khẹc đi Vinh, Hà Tĩnh). Việc tàu thuyền đi lại trên sông Mê Công cũng rất thuận lợi (Thà Khẹc - Viêng Chăn – Xa-văn-nã-khệt). Bên kia sông đối diện với Thà Khẹc là thành phố Na Khon Phả-nôm của Thái Lan. Đoạn sông này rộng hơn một nghìn mét.

Lịch sử Lào còn ghi nơi đây có truyền thống đấu tranh bảo vệ độc lập các dân tộc lâu đời. Vào ngày 2-6-1893, nhân dân Khăm Muộn-Thà Khẹc đã nổi dậy đấu tranh giết chết tên chỉ huy Rốt-quy-a-ranh của thực dân Pháp ở ghềnh Kẹng-chết.

TRẦN CÔNG TẤN

.

guyễn Đức Thiện

LAN MAN CÙNG NHÀ VĂN TRẦN CÔNG TẤN

Cách đây bốn năm, tham gia trại viết của Hội Nhà văn tại Vũng Tàu. Ở đây, tôi đã gặp nhà văn Trần Công Tấn. Sáng ra, lúc ngồi bên nhau với ly cà phê hoặc chiều chiều bên cạnh chiếc bàn uống nước, Nhà văn Trần Công Tấn cho chúng tôi những trận cười sảng khoái về giai thoại các nhà văn. Năm ấy, anh 73 tuổi và vừa in xong cuốn NGƯỜI RA ĐI TỪ BẾN LÀNG SÌNH viết về một bậc tài danh trong chiến đấu và ngoại giao: đại tá Hà Văn Lâu. Cuốn sách dày tới 600 trang. Năm nay, anh 77 tuổi. Anh mang đến trại viết do Nxb Công an tổ chức tại Đà Lạt cuốn sách vừa được Nhà xuất bản Văn học in xong. Anh bảo, cuốn này anh viết có hai tháng thôi, cho kịp ngày sinh nhật đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ban đầu anh viết 700 trang, nhưng khi mang in thấy dày quá, anh ngắt đi 200 trang, dành cho phần hai, giai đoạn đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường miền Nam, phần này chắc cũng phải 500 trang nữa. Tôi chưa quan tâm đến nội dung của cuốn sách. Nhưng nghe anh nói anh viết trong có hai tháng trời mà được 700 trang sách thì đáng kính thật. Cũng là người viết tôi hiểu thế nào là lao động của nhà văn. Để có 700 trang sách phải lao tâm khổ tứ thế nào mới hòan thành được. Có khi cả năm, thậm chí vài năm, còn anh, hai tháng! Cuốn sách ấy có tựa đề là: NGUYỄN CHÍ THANH, SÁNG TRONG NHƯ NGỌC MỘT CON NGƯỜI.

Gần anh thêm hơn chục ngày nữa trong trại viết, và càng gần càng thấy tin hơn ở sức viết của anh. Rất ít khi anh nói đến chuyện bây giờ. Chuyên các nhà văn tranh luận nảy lửa, chuyện các cây bút trẻ hăng hái tìm cách viết mới, tìm trào lưu sáng tác mới hình như chẳng ảnh hưởng gì đến anh. Anh kể ra hàng loạt cái mà anh chưa viết được, thứ mà nhiều nhà văn cứ hay bảo đó là những món nợ phải trả, thì với anh nó chỉ là những cái phải viết ra thôi. Chuyện hoàng thân Xu-pha- nu- vông với bảy công trình mà ông là người thiết kế và xây dựng trên đất Việt Nam như đập nước Bái Thượng ởThanh Hóa, đập nước Đô Lương ở Nghệ An, tháp nước ở Phan Thiết… Những công trình này hiện nay vẫn còn đang sử dụng. Với đất nước Việt Nam là công trình mang ý nghĩa đoàn kết giữa hai dân tộc Việt- Lào. Với riêng anh nó còn có ý nghĩa quan trọng hơn, đó là công trình của riêng anh để tưởng nhớ Hoàng thân Xu- pha-  nu- vông, mà theo hồi ức của tướng Dương Cự Tẩm, Hoàng thân đã nhận làm con nuôi,  khi anh đi giúp bạn Lào đánh giặc ngọai xâm. Cho đến nay, tình cảm giữa anh với gia đình Hoàng thân vẫn son sắt như một.

Săp đến ngày kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Hoàng thân. Anh muốn hoàn thành cuốn sách này để làm một món quà đầy ý nghĩa. Khi nhắc đến nước bạn Lào, anh sôi nổi kể không biết bao nhiêu là kỷ niệm. Vui có, buồn có.  Anh bảo, anh có cái tên mang họ của vị hoàng thân nước Lào là Sum- bon Vat- tha- na Xu- va- nu- vông. Bây giờ đây, bạn bè người Lào của anh còn rất đông và anh thường găp họ vào ngày sinh, ngày giỗ hoàng thân Xu- pha- nu- vông và những ngày lễ tết lớn của nước Lào. Nhà xuất bản công an nhân dân đặt anh một cuốn sách viết về công an Việt Nam giúp công an Lào sây dựng lực lượng và chiến đấu. Anh vui vẻ nhận lời. Anh nói với người phụ trách nhà xuất bản: chuyện công an Lào chiến đấu như thế nào anh biết rất rõ, nhưng còn chuyện việt Nam giúp Lào  như thế nào thì anh phải tìm hiểu thêm. Và anh lập ngay một chương trình đi thực tế như sau: về Thành phố Hồ Chi Minh, mời mấy người bạn hoạt động trong ngành công an Lào sang lên kế hoạch đi thực tế. Sau đó sẽ có lịch trình đi là sang Viên Chăn, về Xa va na khet, đi đường 9 về Đông Hà, tới Huế thăm bạn văn nghệ chờ nối liên lạc với người từng làm trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam ở Lào, tìm người phụ trách đòan chuyên gia của ngành công an để tìm hiểu tiếp. Phải có trong chương trình một chuyến ra và làm việc ở Hà Nội. Tháng này là tháng 3, vừa đi lấy tài liệu, vừa viết, nhất định thang 11 hoặc tháng 12- 2009 sẽ nộp bản thảo. Thêm một lần nữa tôi ngạc nhiên. Chín tháng trời, dong duổi một tua đường dài dằng dặc từ Việt Nam sang Lào như thế mà anh cam đoan nhất đinh viết xong cuốn sách. Mà tôi tin rằng nhất đinh phải là cuốn sách nặng cả về trọng lượng và chất liệu sống. mới hay sức lao động của nhà văn Trần Công Tấn thật dữ dội. Anh bảo: mình quen đất Lào chẳng khác gì đất Việt, nên chẳng mấy khó khăn khi đi viết. Tôi hiểu: anh đã nhận giải thưởng văn học sông Mê Kông lần thứ nhất không phải là một, mà tới 7 cuốn sách viết về Lào và Campuchia.

Anh làm cho tôi tin hơn về sức viết của anh bằng những câu chuyện anh kể. Nhất là những câu chuyện về thời chiến tranh xưa, chuyện nào anh kể cũng như đã được viết ra rồi, có đầu, có cuối, ngọn ngành. Chuyện những ngày sang Campuchia tham gia chiến dịch giải phóng nước này. Anh đòi đến những nơi bọn diệt chủng chôn xác những người Campuchia. Đi bộ không được, đi máy bay thì chẳng thấy gì , mà phải cưỡi voi. Vì mìn qúa nhiều, đặc biệt là mìn sát thương, nổ một cái chỉ tiện đứt chân người. Một người đứt chân, bốn người khiêng, sức chiến đấu của bộ đội vì thế mà giảm sút. Anh cưỡi voi, bước chân những con voi đạp lên mìn, chân chúng chẳng hề hấn gì. Vì thế mà anh đến được những ngôi mộ tập thể của người Cam puchia bị Ponpot chôn khi vẫn còn vương mùi hôi thối khó chịu. Sau mấy tháng ở Cam pu chia trở về, anh viết cuốn tiểu thuyết “ Đa- Ra! Anh ở nơi đâu?” nói về tội ác diệt chủng của Pôn- Pốt và bè lũ. Nhà xuất bản Lao động in ngay sau đó. Chuyện của anh kể sinh động đến mức tôi có thể hình dung ra tất cả. Chuyện về một anh bạn cải tiến thước đo của pháo để rút ngắn thời thời gian đo hướng, đo tầm giúp pháo của ta có thể nhanh chóng bắt mục tiêu khi chiến đấu với máy bay và tàu chiến của Mỹ ở Miền Bắc. Chuyện một người bạn khác, vốn là sĩ quan hải quân.

Anh được cử đi giúp Hai Phòng, Quảng Bình phá thủy lôi trên các cửa sông khi Mỹ thả thủy lôi phong tỏa các cửa biển. Lúc đó chưa ai biết nguyên tắc hoạt động của thủy lôi ra sao, nó kích nổ như thế nào. Anh bạn đã cho vớt một qua thủy lôi lên. Yêu cầu dân quân đào một cái hầm sâu, và rộng chừng hai mươi mét vuông. Một mình anh chui xuống hầm với quả thủy lôi. Qủa thủy lôi bị anh khuất phục. Ngày hôm sau, một chiếc ca nô có gắn thiết bị rà phá thủy lôi bắt đầu chạy trên các cửa sông. Chiếc ca nô vọt tới, và sau đuôi nó cách chừng 200 mét, những cột nước dựng đứng kèm những tiếng nổ vang lên. Những cửa sông bị Mỹ phong tỏa nhờ đó mà được giải phóng. Cũng người bạn ấy một lần ra khơi tiếp tục rà phá bom mìn trên biển đã gặp nạn. Tàu chìm. Cả đơn vị lênh đênh trên biển, thức ăn duy nhất là những tuýp bột dinh dưỡng gắn vào những áo phao. Không biết bao nhiêu ngày trôi qua, cuối cùng thì họ cũng nhìn thấy được ngọn đèn biển mà bơi vào bờ. Khi về đến nhà vợ anh đã lập bàn thờ anh được cả tuần rồi.

Ấy là những chuyện của những năm đánh Mỹ gần đây. Có cả những chuyện diễn ra từ năm 1947, anh cũng kể lại chi tiết như chuyện mới xẩy ra hôm qua vậy. Chuyện đánh vào một đồn của Pháp và ngụy quân ở An Lộng ( Quảng Trị) chẳng hạn. Hồi đó anh còn là một cán bộ chỉ huy đại đội của một đơn vị tình báo. Anh đã điều tra rất kỹ về đồn ấy. Và chỉ huy đơn vị bộ binh phối hợp đánh đồn hôm ấy là một người bạn thân của anh. Nhưng rất tiếc, trận đánh không thành công. Đơn vị phải rút ra ngoài. Nhưng ra đến nơi tập kết thì thấy thiếu mất hai người. Nhất định họ đã hy sinh trong đồn rồi. Anh bạn chỉ huy gặp Trần Công Tấn và đề nghị: “ Bọn mình mới đánh vào đồn không thể quen đường đất trong đó. Anh đã trinh sát trong đó kỹ rồi, thuận lợi hơn bọn mình. Anh em bên bộ binh mà vào lấy xác đồng đội nhất định sẽ thương vong thêm. Anh có cách nào giúp bọn mình không? Không thể bỏ xác đồng đội lại được. Nhất định phải lấy ra thôi”. Không cần bạn mình nhắc lại lời nào, Trần Công Tấn kêu một chiến sĩ quay lại trong đồn. Vào đến chân đồn. Xác hai đồng đội đã bị chúng cột dây thừng vào cổ và treo lên mấy cành cây dương. Anh và người chiến sĩ phát hiện được một đống rơm. Hai người rút rơm trải dưới hai các xác. Trần Công Tấn leo lên cây. Anh phân công người chiến sĩ kia ém sát vào lỗ châu mai, nơi có một khẩu đại liên sẵn sàng nhả đạn. Hễ có động là ném vào đó một trái lựu đạn. Anh leo lên, rút dao găm cắt đứt sợi dây treo xác đồng đội minh. Cái xác thứ nhất  rớt xuống đúng đống rơm không có tiếng động gì, nhưng đến cái xác thứ hai thì trệch ra ngoài, phát ra một tiếng động rất lớn. Anh vội kêu không cho chiến sĩ kia ném lưu đạn vào lỗ châu mai vì lo chúng sẽ kéo quân từ trong đồn ra thì lộ hết. Súng nổ ran trời, nhưng không sát mặt đất và cũng không vọt lên trời. Chúng bắn pháo sáng. Anh phải nắm lấy cành dương đu lủng lẳng trên đó, để trong ánh sánh mập mờ chúng tưởng cái xác vẫn còn treo trên đó. Tiếng súng ngớt, hai người mới kéo được các đồng đội ra ngoài giao lại cho đơn vị của bạn mình.

Những chuyện như thế anh có cả kho, chuyện nào anh cũng kể lại với sự tỷ mỷ vốn có từ sự quan sát chi tiết của một nhà văn. Kể từ truyện ngắn đầu tay CON NGỰA CỦA TÔI  Trần Công Tấn viết năm 1948, đến nay anh đã có hơn 60 năm cầm bút viết văn. 60 năm ấy, anh đã làm được ông việc của nhà văn: ghi chép những gì mình nghe, mình thấy và mình chiêm nghiệm. Những tác phẩm của anh chính là cuộc đời anh qua từng thời kỳ cách mạng của đất nước Việt Nam này.

Nên anh viết cái gì cũng dày dặn và nhanh chóng cũng là điều dễ hiểu. Vì anh viết với tâm thế là người trong cuộc. Người ghi chép lại những gì mình thấy, mình nghe và mình trực tiếp làm. Với cuốn NGUYỄN CHÍ THANH, SÁNG TRONG NHƯ NGỌC MỘT CON NGƯỜI,  nhà báo lão thành Phan Quang, người đọc tác phẩm từ bản thảo đã viết: “ Cuốn truyện ký mà tác giả viết ra trong thời gian ngắn kỷ lục ( hai tháng- NĐT) sau mấy chục năm đằng đẵng nhớ thương nhân vật, thật sự là một tác phẩm lay động lòng người đọc, trước hết ở tính chân phương của nó. Nhân vật trong truyện không thể ai khác là chàng trai Nguyễn Vịnh làng Kẻ Lừ, là anh Thao dân giã của bạn bè, là người cha người chồng mặn nồng tình cảm,là hạ sĩ Trường Sơn bình luận viên chiến cuộc hồi miền Nam đánh Mỹ, là ông tướng của các hợp tác xã,nông nghiệp cuốn hút ngọn gió Đại Phong,, là đại tướng Nguyễn Chí Thanh của Quân đội nhân dân Việt Nam… không thể ai khác. Chân phương và truyền cảm là vì vậy” 1

Còn Tiểu Quyên trong bài viết giới thiệu cuốn NGUYỄN CHI THANH SÁNG TRONG NHƯ NGỌC MỘT CON NGƯỜI đã viết: “ Nhà văn quân đội Trần Công Tấn, người đã từng hoạt động kháng chiến dưới quyền chỉ huy của đại tướng Nguyễn Chí Thanh hơn 20 năm vừa cho ra mắt tac phẩm NGUYỄN CHÍ THANH, SÁNG TRONG NHƯ NGỌC MỘT CON NGƯỜI ( Nhà xuất bản Văn học ấn hành )… tác phẩm góp vào dòng tiểu thuyết lịch sử một tác phẩm tái hiện cuộc đời của một danh nhân đất Việt thật hào hùng” 2

**

So với năm 2005 nhà văn Trần Công Tấn có vẻ chậm chạp hơn. Đã 77 tuổi rồi, anh bảo thế. Không chậm chạp mời là lạ. Hai chân có lúc đã tê tê, đi lại vất vả hơn. Thế mà còn biết bao nhiêu dự định của một nhà văn tràn trên cái bàn viết anh tự tạo ra tại trại viết 2009 của Nhà xuất bản công an ở Đà Lạt. Như đề cương bảy công trình của Hoàng thân Xu-pha-nu- vông trên đất Việt Nam mà anh dự kiến lấy tên là: NHỮNG CÔNG TRÌNH VÀ NHỮNG DÒNG SÔNG; tài liệu khác dày đặc những dòng ghi chép về đội An ninh vũ trang huyện Long Khánh ( Đồng Nai) anh dự kiến viết thành tiểu thuyết. Rồi anh đọc, đọc cả tạp chí Liang Bliang của Hội văn nghệ Lâm đồng, đọc hồi ký cách mạng ĐẤT ĐỎ MIỀN ĐÔNG, đọc tờ đặc san ĐÔ LƯƠNG một huyện của Nghệ An không biết anh lấy từ đâu ra ở Lâm Đồng này. Đọc bản thảo của anh em viết trẻ và anh có nhận xét rất chi tiết, cụ thể. Có đêm chợt thức giấc lúc 2-3 giờ sáng tôi vẫn thấy anh đọc. Sáng ra, sau bữa ăn sáng thấy anh uống cả vốc thuốc mà lo cho sức khỏe của anh. Anh hồn nhiên: Không sao, tuổi lớn thì thuốc nó điều khiển sức khỏe của mình. Thế nhiều thuốc quá như vậy, làm sao anh nhớ hết được, tôi hỏi anh như vậy. Mắt anh bỗng như reo vui:

- Chị An ( tên vợ anh) của em lo hết cho anh rồi. Anh ra xe lên trại viết xách theo mấy túi đồ mà có biết trong ấy có gì đâu. Chị An em chuẩn bị hết. Thuốc uống cho những thứ bệnh  này, các loại mỳ tôm, phở khô để ăn đêm khi viết này, sữa tươi để anh uống sáng, uống tối này. Rồi cà phê có kèm theo cái phin nữa. Đến cả đồ lấy ráy tai, con dao ba mươi mấy tác dụng chị An của em cũng không quên… Lần nào cũng vậy chớ không phải chỉ lần này đâu. Ở nhà anh có một phòng viết. Khi anh ngồi vào viết rồi thì không có ai làm phiền anh hết.  Nhưng chị An của em hay lắm, hình như biết giờ nào anh viết giờ nào anh nghỉ thì phải. Hễ thấy anh đứng dậy đi loanh quanh bên cái bàn viết là chị mở cửa bước vào, lẳng lặng đặt lên bàn anh khi thì mấy miếng xoài, khi thì mấy múi cam, rồi ra ngoài ngay… thương lắm. Thế giới văn chương của anh được tôn trọng. Đó cũng là điều kiện để anh viết được nhanh, được nhiều. Có khi còn thế này nữa. Anh viết tay, nhiều khi viết nhanh, anh gạt tất cả những trang viết được xuống nền nhà. Khi anh nghỉ, chị An em vào, lượm từng tờ một, xếp lại gọn gàng ngay ngắn theo trang anh đánh dấu cho anh, để anh mang đi đánh máy. Bây giờ con cái trưởng thành rồi. Ở nhà chỉ còn anh chị. Chị thì lo mảnh vườn nuôi mấy con chó, chăn vạt rau, cây cảnh.... Anh thì chỉ lo viết. Công việc nhà văn của anh mà không có chị, chắc là vất vả lắm.

Khi biết tôi viết bài này thế nào cũng nhắc đến chị An, vợ nhà văn Trần Công Tấn, nhà văn Nguyễn Quang Hà , người đã có thời gian dài sống gần anh nói:

- Mình kể chuyện này để Thiện thấy chị An tuyệt vời như thế nào. Có lần anh Tấn viết rất say sưa. Khoảng một giờ sáng nghỉ tay, anh Tấn muốn pha một bình trà. Nhưng khi cầm đến cái bình thủy thì không còn nước. Thoáng một chút bực bội, anh ấy ném cái bình xuống đất. Nghe tiếng động, chị An sang phòng viết của anh, ngồi lượm từng mảnh vỡ mà không hề có một lời trách móc. Cho nên, anh chị sống với nhau hạnh phúc đến tận bây giờ.

Nhà văn Nguyễn Quang Hà còn nắc nỏm một hồi lâu về những gì anh được chứng kiến về cuộc sống hạnh phúc của gia đình nhà văn Trần Công Tấn. Anh rời trại viết sớm hơn tôi. Tôi bỗng nhớ hôm anh điện thoại về nhà, gặp mấy cháu nữ sinh viên ở trọ nhà anh:

- Ờ, thế đêm qua có đứa nào sang ngủ với bà nội không… sang ngủ với bà cho bà đỡ buồn. Ông cũng sắp về rồi, nhớ bà nội quá rồi. ông về ngồi nhà viết thôi.

Tôi biết anh nói thật lòng, anh quen với phòng viết của riêng mình, quen cả hình ảnh vợ loanh quanh ngoài vườn và quen cả lúc ông tạm ngừng bút có chị bước vào đặt dĩa trái cây lên bàn viết của anh. Trang viết của anh không thể thiếu chút ít ấm lòng ấy.

Trại viết Nxb Công an tại Đà Lạt

Tháng 3-2009

N.Đ.T

.

TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM

Nhà văn Trần Công Tấn, tác giả văn xuôi hiện đại Việt Nam, Giải thưởng văn học Mê Kông năm 2007, năm 2008 sang Mỹ. Sau mấy ngày làm việc ở Washington, thủ đô Hoa Kỳ, nhà văn lên ôtô đi thăm người nhà ở thành phố Boston.

Ô tô khởi hành. Ngồi cùng khoang ghế với nhà văn có hai thiếu nữ. Một da trắng. Một da màu. Cả hai vừa yên chỗ là lấy sách ra đọc. Chẳng có ai để trò chuyện, nhà văn cũng rút từ trong túi ra cuốn Thơ Hàn Mặc Tử.

Bất ngờ cô thiếu nữ da màu ngừng đọc, ngẩng lên, liếc sang cuốn sách nhà văn đang đọc, thấy kiểu chữ lạ, liền cất tiếng:

- What country’s book are you reading? (Anh đang đọc cuốn sách nước nào thế?).

Trần Công Tấn nheo mắt cười, hóm hỉnh: Try to guesse? (Thử đoán xem?).

- Vậy anh là người nước nào?

- Đố cô biết?

- Anh là người Nhật Bản?

- Không phải!

- Người Trung Hoa?

- Không phải!

- Vậy đích thị anh là người Inđônêxia rồi!

Thiếu nữ da trắng cũng buông sách ngó sang, tham gia câu chuyện. Trần Công Tấn lắc đầu. Inđônêxia không phải! Singapore cũng không phải! Vậy anh là người nước nào?

Đợi cho hai thiếu nữ ngẩn ra rồi sốt ruột, Trần Công Tấn mới tay trỏ ngực mình, tươi cười tự giới thiệu:

- Tôi là người Việt Nam! Tôi là nhà văn Việt Nam!

- Oao!

Cả hai thiếu nữ đột ngột cất tiếng reo và ngay sau đó, cả hai cô cùng đứng dậy, quay về hai phía xe đang đông nghịt hành khách, bắc loa tay, oang oang:

- Các bác, các anh chị ơi! Trên xe của chúng ta có một người Việt Nam, hơn nữa, một nhà văn Việt Nam!

Bất ngờ quá. Và thật tình, Trần Công Tấn cũng chưa hiểu chuyện gì đã và sẽ xảy ra. Thông báo của hai cô gái Mỹ nọ có hàm ý gì? Vui mừng hay khó chịu? May thay, chỉ lát sau, thắc mắc của nhà văn đã được giải tỏa. Thoạt tiên là một bà cụ. Tiếp đó là một ông già. Rồi một em nhỏ, một thanh niên… Mỗi người đến với nhà văn đều mang theo một món quà. Một ổ bánh mỳ. Một chai nước khoáng. Một thanh sôcôla. Với lời dặn dò thật ân cần: Cầm lấy mà dùng. Đoạn đường này nhà tàu họ không cung cấp gì đâu, nhà văn Việt Nam à!

Chưa hết. Tầu đến thành phố Boston, thủ phủ bang Massachussetts. Mười phút sau, tất cả người nhà đến đón Trần Công Tấn đều không giấu nổi kinh ngạc: vì sao lần đầu đến Boston, tiếng tăm chưa thật thạo mà nhà văn lại biết đến ngồi chờ ở phòng đợi này, vốn là nơi chỉ có khách đi quen mới biết. Hỏi ra thì mới hay: Chính là hai cô gái Mỹ nọ đã dẫn nhà văn tới chỗ này và căn dặn nhà văn cứ ngồi chờ ở đây, chứ đừng đi nơi khác kẻo bị lạc. Nếu không có ai đón hãy gọi điện cho tôi theo địa chỉ này. Giải đáp thắc mắc cho người nhà xong, Trần Công Tấn cười: Thì ra, không chỉ ở Việt Nam, mà ở cả Mỹ, người ta cũng quý trọng nhà văn, quý trọng vì cái tính thật thà, trung hậu của anh ta, các anh chị ạ!

 

Hoàng - An

 

Từ trái: Chị Nguyễn Thị Kim, nhà văn Trần Công Tấn, Tiểu Kiều, Võ Quê

tại Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế (26 Lê lợi, Huế)

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.