Nghệ sĩ KIM VÀNG
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 7133
Giới thiệu nghệ sĩ Kim Vàng, hội viên Hội Nghệ Sĩ Sân Khấu Việt Nam.
NGHỆ SĨ KIM VÀNG MỘT ĐỜI VÌ SÂN KHẤU
Thành phố Huế hiện nay đang có nhiều gia đình mang truyền thống âm nhạc dân tộc (Tuồng Huế hoặc Ca kịch Huế, Ca Huế…). Những gia đình này đã tạo một nét riêng độc đáo trong đời sống văn hóa Huế, góp phần làm phong phú thêm những giá trị phi vật thể ở một vùng đất giàu chất thơ ca, âm nhạc.
Kim Vàng là người nghệ sĩ xuất thân từ một trong những gia đình như thế. Thân sinh Kim Vàng là cố NSƯT Ngọc Yến, nghệ sĩ Kim Oanh là thân mẫu.
Chồng Kim Vàng là nghệ sĩ Đình Hạp (ảnh dưới), sử dụng thuần thục, điêu luyện nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn nhị, đàn nguyệt… Mai Sao là con gái đầu lòng, diễn viên Ca Huế, con gái thứ hai là Mai Anh – nghệ sĩ đàn tranh. Cả hai người con gái này giờ đây đang thuộc biên chế Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế. Em trai Kim Vàng, NSƯT Ngọc Bình, đạo diễn hiện nay là giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế. Em gái Kim Vàng – nghệ sĩ Kim Kiều, diễn viên Ca kịch Huế, chồng Kim Kiều là Đỗ Hùng – nghệ sĩ đàn nguyệt… Qua “liệt kê” sơ lược trên cho chúng ta thấy Kim Vàng đang được “nằm” trong “chiếc nôi” nghệ thuật truyền thống Huế, được sống, trưởng thành từ những chặng đường gian khổ, thử thách và cũng tràn đầy hạnh phúc khi thể hiện trọn vẹn vai trò một nghệ sĩ trên sân khấu ca kịch Huế.
Từ năm 8 tuổi (1957), Kim vàng đã được theo bố mẹ đi lưu diễn nhiều nơi trên các tỉnh phía bắc. Nghệ An là một trong những vùng đất để lại nhiều kỷ niệm đẹp cho Kim Vàng thời con gái xuân sắc. Năm 1967, Kim Vàng được vào chiến trường theo sự phân công của tổ chức trong tư thế của một phát thanh viên của chi nhánh Đài Phát thanh Giải Phóng (CP90) tại A Lưới. Chất giọng vang, rõ lời, Kim Vàng đã chuyển tải được khí thế tiến công qua làn sóng phát thanh đến với người nghe.
Năm 1969, khi Bác Hồ mất, Kim Vàng đã được vinh hạnh ra Hà Nội dự đám tang của Bác và sau đó được an dưỡng một thời gian rồi lại về đoàn Ca kịch Trị Thiên Huế từ năm 1972.
Linh hoạt trong diễn xuất, nhỏ nhắn trong thể hình, Kim Vàng nhuần nhuyễn trong các vai em bé. “Em bé Kim Vàng” được hóa thân trong các vở diễn nhớ đời: vai bé Mai Sao trong vở “Viên đạn súng kíp”, kịch bản Minh Châu, Văn Lang chuyển thể; vai bé Hoa trong vở “Con gà chân chì”, kịch bản Xuân Hoàn, Văn Lang; bé Tân trong vở “Con tôi”, kịch bản Văn Lang; bé Nam trong vở “Đâu có giặc là ta cứ đi”…
Được sự dìu dắt chăm sóc của bố mẹ về mặt chuyên môn, tài năng nghệ thuật của Kim Vàng đã bộc lộ rõ nét qua từng vai diễn. Đồng nghiệp đánh giá cao sự diễn xuất của Kim vàng vì đã có những khoảnh khắc sáng tạo, đồng cảm khơi gợi nguồn cảm hứng tương tác cho bạn diễn trong từng hồi, từng cảnh, từng lớp kịch.
Từ sau ngày thống nhất đất nước, gia đình Kim Vàng tiếp tục theo đoàn về lại thành phố Huế. Đây cũng là một giai đoạn gian khổ trong cuộc sống gia đình, trong bối cảnh khó khăn chung của xã hội. Nhưng dù cho có cảnh ngộ, lòng yêu nghề, quý sân khấu Ca kịch Huế trong lòng Kim Vàng vẫn nấu nung ánh lửa. Năm 1980, Kim Vàng được mời giảng dạy tại Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, góp phần dàn dựng, chỉnh lý, chuyển thể một số vở ca kịch, trong đó đáng nhớ nhất là vở tuồng đồ “Trần Bồ cưới vợ lẻ”. Những năm lăn lộn, gắn bó, tâm huyết với nghề, Kim Vàng có thêm một lĩnh vực mới đó là trở thành soạn giả của nhiều vở Ca kịch Huế: “Tình ca ra quân”, “Một cuộc đối đầu không hẹn”, “Gia đình ông Đáo”… Kim Vàng còn soạn nhiều lời Ca Huế cho Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế; Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế bên cạnh các soạn giả Hồ Ngọc Ánh, Kỳ Châu, Duy Sĩ, Thái Hùng, Thu Lưỡng, Minh Khiêm… Công trình nổi bật nhất của Kim Vàng được VTV1 công bố là chương trình chào mừng ngày 26. 3, kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, kỷ niệm giải phóng Huế.
Với cương vị hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Kim Vàng cũng đã hoạt động đúng chức năng của một hội viên kỳ cựu, dốc công tâm giảng dạy cho các em mù Trường Phục hồi Chức năng thuộc Tỉnh hội Người Mù Thừa Thiên Huế từ tháng 7. 1999 đến nay. Rất nhiều em bé mù đã tìm thấy ánh sáng của Ca Huế nhờ nghệ sĩ Kim Vàng nhiệt tâm truyền thụ.
Trong vai trò một thành viên Ban chủ nhiệm CLB Ca huế thuộc Nhà Văn Hóa Huế, Kim Vàng thường quán xuyến, đảm đang điều hành tổ chức thành công CLB; nhiều nhân tố mới được định hình qua khả năng truyền khẩu nghệ thuật Ca Huế, Ca kịch Huế của Kim Vàng.
Một đời vì nghệ thuật Ca Huế, Ca kịch Huế, Kim Vàng đã rất xứng đáng được nhận nhiều bằng khen của Tỉnh, khu vực, Trung ương và huy chương “ Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật’ của Ủy Ban Toàn Quốc Liên Hiệp các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam.