Print

NGHỆ SĨ ƯU TÚ MẠNH CẨM ÂM VANG TIẾNG TRỐNG DÀI THEO TUỔI ĐỜI

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5125
Tiếng trống Mạnh Cẩm đã khơi dậy ý thức cội nguồn...

 

NGHỆ SĨ ƯU TÚ  MẠNH CẨM

ÂM VANG TIẾNG TRỐNG DÀI THEO TUỔI ĐỜI

Đầu những năm 1930, phường Phú Hiệp có một cậu bé thường đến Thanh Bình Thự, nơi đào tạo bộ môn Tuồng Huế để xem lén, nghe lóm lớp học dạy tuồng dạy các loại hình nhạc cụ dân tộc. Tiếng kèn, tiếng trống rộn rã đã thành một ma lực cuốn hút cậu bé ấy đến với âm nhạc cổ truyền để sau này trở thành một nghệ nhân đánh trống tài danh xứng đáng là nghệ sĩ ưu tú với sự ngưỡng mộ của khán giả trong nước, quốc tế.

Cậu bé ấy tên thật là Nguyễn Mạnh Cẩm, sinh ngày 15.10.1917 tại phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Được lớn từ một gia đình có truyền thống cổ nhạc, truyền thống nghệ thuật tuồng; có anh trai là nghệ sĩ Cửu Dưỡng, nguyên là học viên giỏi của lớp đồng ấu ở Thanh Bình Thự, có chị là nghệ sĩ Bạch Trúc, Trưởng Đoàn nghệ thuật Tuồng Bạch Trúc lúc bấy giờ, nên từ nhỏ nghệ sĩ ưu tú Mạnh Cẩm đã thuộc nằm lòng nhiều làn điệu ca nhạc cổ truyền Huế và có niềm đam mê thực sự đối với nghệ thuật biểu diễn ca kịch, đặc biệt là nghệ thuật sử dụng trống.

Từ những năm 30, nghệ sĩ  Mạnh Cẩm đã theo Đoàn Tuồng Bạch Trúc lưu diễn nhiều nơi trong và ngoài nước. Hồi ức của các chuyến đi biểu diễn ở các tỉnh Savanakhẹt, Pắcxế, ViêngChăn (Lào), Thái Lan đã trở thành những kỷ niệm đẹp đối với cuộc đời làm nghệ sĩ của Mạnh Cẩm. Càng đi, càng biểu diễn, những đường gân trên đôi bàn tay Mạnh Cẩm càng được tôi luyện, dẻo dai nâng nghệ thuật biểu diễn trống đạt đến mức thần kỳ. Tiếng trống Mạnh Cẩm đã trở thành tín hiệu vui cho những lần lưu diễn.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nghệ sĩ Mạnh Cẩm là tay trống chủ lực của Đoàn Ca kịch Trị Thiên Huế. Năm 1973, Mạnh Cẩm đã từng cùng với Đoàn vào biểu diễn tận chiến khu Thừa Thiên Huế. Tình cảm quê hương sự xa cách giữ hai vùng địch-ta trong những ngày này đã được dồn nén vào trong nhịp trống vừa bi tráng, vừa hào hùng, vừa chứa đựng một mơ ước lớn về hoà bình, thống nhất đất nước, quê hương hết bóng giặc Mỹ xâm lăng.

Không những biểu diễn trống điêu luyện mà nghệ sĩ ưu tú Mạnh Cẩm còn sắm nhiều vai diễn tuồng và ca kịch Huế. Từ trong ký ức của các nghệ sĩ cùng thời, nhiều nguời đã say sưa kể về các vai diễn của Mạnh Cẩm qua các vở diễn như vai ông già Vân Kiều trong vở Viên đạn súng kíp; vai đồn trưởng trong vở Con gà chân chì; vai lính Sài Gòn trong vở Sông Hương từ ấy, vai thợ mộc trong vở Vợ con tôi ... Mỗi vai diễn của Mạnh Cẩm đều để lại ấn tượng cho khán giả và đồng nghiệp về một Mạnh Cẩm yêu nghề, nhập vai chẳng nề hà chánh, phụ.

Nhờ sự gắn kết của hai loại hình nghệ thuật cổ truyền này mà nghệ sĩ Mạnh Cẩm có một tấm lòng say mê nghệ thuật cao đô, lạc quan với đời, chí thú với nghề, cho nên đến nay (2004) dù đã gần 90 tuổi nhưng nghệ sĩ Mạnh Cẩm vẫn còn phong độ. Ông vẫn tích cực biểu diễn khi có những yêu cầu cần thiết cho các chương trình quan trọng hoặc theo yêu cầu của giới nghiên cứu sưu tầm muốn ông thể hiện trọn vẹn tài năng, điệu nghệ qua mười ngón hào hoa và tiếng trống bông trầm, nhiều tiết điệu, nhiều sắc thái cung bậc.

Năm 1979, khi tới tuổi nghỉ hưu, nghệ sĩ Mạnh Cầm đã thường xuyên đến với Câu lạc bộ Ca Huế thuộc Nhà Văn Hoá Huế vào tối thứ Tư, thứ Bảy hàng tuần nhằm giới thiệu tiếng trống của mình với người mộ điệu. Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế (Ba Vũ) cũng đã mời ông giảng dạy, truyền nghề cho nhiều diễn viên, nhạc công của đoàn, một số học trò do ông đào tạo đã được thành danh sau này như Quốc Ngữ (đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế), Văn Dũng (đoàn Phù Đỗng, TP. Hồ Chí Minh).

Điều đáng nhớ và ghi nhận trong cuộc đời nghệ thuật của NSƯT Mạnh Cẩm là ngoài việc cống hiến tài nghệ biểu diễn trống cho bà con trong nước, ông còn để lại nhiều ấn tượng tốt lành cho khán giả nước ngoài qua các lần biểu diễn ở Lào, Thái Lan (những năm 30), Hoa Kỳ (1995), Hồng Kông (1996) ... Tài hoa nghệ thuật đánh trống của nghệ sĩ Mạnh Cẩm đã có sức thuyết phục  nhiều khán giả quốc tế và tiếng trống Mạnh Cẩm đã đánh thức niềm yêu nhớ quê nhà của đông đảo kiều bào sống xa tổ quốc. Tiếng trống Mạnh Cẩm đã khơi dậy ý thức cội nguồn dân tộc trong tâm hồn những người tha hương.

Cùng với chiều dài năm tháng tuổi đời, tuổi nghề, âm vang trống Mạnh Cẩm còn ngân vọng giữa quê nhà yêu dấu; xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú do nhà nước phong tặng năm 1993; được Bộ Văn Hoá Thông Tin tặng huy chương Vì Sự nghiệp Văn hoá, UBTQLHCHVHNT Việt Nam tặng huy chương Vì Sự Nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.