Print

NGHỆ SĨ TÔN THẤT TOÀN CUNG ĐÀN TRI ÂM (1915-2001)

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 6130

Ngón đàn của nghệ sĩ Tôn Thất Toàn rất điệu nghệ, lão luyện, tài hoa...

 

ton_that_toan

Nghệ sĩ Tôn Thất Toàn (đàn nguyệt) hoà tấu cùng nghệ sĩ Nguyễn Cẩn (đàn tỳ bà) tại Quy Nhơn, thời điểm trước năm 1954. Ảnh tư liệu của Đoàn Thanh Thuỷ, cháu ngoại cụ Nguyễn Cẩn.

NGHỆ SĨ TÔN THẤT TOÀN

CUNG ĐÀN TRI ÂM (1915-2001)

Tôn Thất Toàn sinh năm 1915, tên tuổi của ông gắn liền với sự phát triển, xây dựng bộ môn âm nhạc cổ truyền dân tộc ở Huế trong nửa cuối thế kỷ XX. Năm 1962, bằng tinh thần và tâm nguyện muốn bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật ca Huế, đàn Huế, ông đã cùng các nhạc hữu khác như Tôn Thất Viễn Dung, Trần Kích, Giám Cơ, Trần Tẩu, Đội Hoà, Nguyễn Ngọc Cọng ... thành lập Hội Ai hữu Cổ nhạc Miền Trung, tiền thân Hội Ca nhạc Truyền thống Huế ngày nay. Từ đó, hằng năm cứ vào ngày 16.10 âm lịch, tại Cổ Nhạc Từ, nơi thờ tự các tiền hiền về âm nhạc truyền thống dân tộc, thường diễn ra các nghi lễ cổ truyền và các sinh hoạt đàn ca Huế của Hội Ca Nhạc Truyền thống Huế do nghệ sĩ Tôn Thất Toàn làm Hội trưởng. (Vì ngày 16.10 âm lịch thường bị mưa gió lũ lụt nên từ năm 1996 trở lại đây, Hội Ca nhạc truyền thống Huế chọn thêm ngày 16.3 âm lịch để tổ chức trọng thể ngày lễ hội hằng năm).

Là một con người nhân hậu, đạo đức chuẩn mực, toàn tâm toàn ý với cổ nhạc Huế, trong nhiều năm tháng hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Tôn Thất Toàn đã năng động, tích cực tập hợp, đoàn kết được đông đảo lực lượng những người đàn, ca Huế. Từ môi trường này, nhiều tên tuổi nghệ nhân, nghệ sĩ đàn, ca Huế được định hình, thành danh tạo nên một đội ngũ lớn mạnh của phong trào ca nhạc truyền thống Huế, làm phong phú nội dung các sinh hoạt văn hoá phi vật thể trong đời sống Huế.

Nhờ có mối quan hệ rộng rãi, giao lưu với nhiều vùng, miền trong nước, ông đã trở thành nhạc hữu của nhiều thế hệ nghệ sĩ lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi hơn ông. Ngôi nhà vườn thanh tịnh của ông ở gần chợ cống đã trở thành thính phòng dành cho bạn tri âm, tri kỷ bốn phương về hoà điệu nước non "Ai phong lưu người điệu là khách Hương Bình, bạn chung tình với mình mà chơi, rượu khuyên mời ...". Nhiều chương trình ca Huế thính phòng mà các giọng ca Thu Tâm (hiện ở Pháp), Bích Liễu, Minh Mẫn, Vân Phi, Thanh Hương, Quế Trân, Minh Nguyệt, Thanh Tâm, Kim Oanh, Diệu Liên...đã từng được cất lên theo âm hưởng của tiếng đàn tranh (Tôn Thất Toàn, Bửu Lộc), đàn bầu (Trần Kích), đàn tỳ bà (Vĩnh Phan, Nguyễn Kế, Bảy Huyền), đàn nhị (Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Văn Tân, Châu Uyên), đàn nguyệt (Tôn Thất Viễn Dung, Nguyễn Ngọc Liệu, Tôn Thất Thể, Phạm Văn Thiết) ... Các du khách ở trong và ngoài nước cũng đã từng đến thính phòng này để cùng thưởng thức, ngợi ca những giá trị âm nhạc cổ truyền độc đáo của xứ Huế. Ngón đàn của nghệ sĩ Tôn Thất Toàn rất điệu nghê, lão luyện, tài hoa, đồng thời đã thể hiện rất rõ tính cách của ông, vừa nhuần nhị, kín đáo, vừa trữ tình, vừa mực thước, chất nội tâm sâu lắng hoà quyện cao khiết, thanh cảnh trong các đường tơ của nguyệt, của tỳ bà hoặc thánh thót, réo rắt của đàn tranh. Ngón đàn của ông thể hiện được tính chất cầm hoà ngã tính, tình viên tính, tính viên tình.

Do có quá trình hoạt động sâu sát, gắn bó lâu năm trong nghệ thuật đàn, ca Huế, nghệ sĩ Tôn Thất Toàn đã tập hợp được một số tư liệu về âm nhạc, nắm bắt được nhiều nguồn thông tin, tiếp cận thực tiễn về sự phát triển của âm nhạc cổ truyền Huế; hiểu biết sâu về thân thế sự nghiệp, tài năng của nhiều nhạc hữu, nghệ sĩ, nghệ nhân đàn ca Huế trong, ngoài tỉnh nên nghệ sĩ Tôn Thất Toàn đã tận tình thuyết minh cung cấp tư liệu, tạo nguồn hứng khởi cho các nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống Huế; giúp đỡ các sinh viên hoàn thành luận văn tốt nghiệp đại học về đề tài đàn, ca Huế. Chính những việc làm hữu ích, thiết thực này đã góp phần tạo nên những tài liệu mới, cơ bản, sống động, quý giá về nghệ thuật biểu diễn, thú thưởng ngoạn đàn ca Huế cho các thế hệ mai sau.

Năm 1977 ông được tặng Bằng khen của Bộ Văn hóa Thông tin trong Đại hội Ca nhạc Huế lần thứ I (12.11.1977). Tại đại hội này, cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã đánh giá cao tài năng, tâm huyết của nhạc sĩ Tôn Thất Toàn và đã ghi vào bằng chứng nhận những nghệ sĩ, nghệ nhân có tên tuổi trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống cổ nhạc Huế.

Năm 2001, giới nhạc hữu, nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế và công chúng yêu mến âm nhạc dân tộc vô cùng thương tiếc, đau buồn trước sự ra đi vào cõi vĩnh hằng của nghệ sĩ Tôn Thất Toàn. Nghệ sĩ đã không có dịp để cùng với giới nhạc hữu hân hoan vui mừng chứng kiến, đón nhận sự kiện nhã nhạc cung đình triều Nguyễn được Unesco công nhận là kiệt tác văn hoá phi vật thể của nhân loại vào năm 2004.

Tròn một đời người, nghệ sĩ Tôn Thất Toàn đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Âm hưởng của tiếng đàn Huế vẫn đang lan toả, thấm sâu trong tâm hồn những người yêu chuộng đàn, ca Huế trong nước và hải ngoại. Nhạc sĩ Tôn Thất Toàn đã gửi lại trần thế những hoà thanh đẹp về non nước thắm tươi của Hương Bình muôn thuở. Nhạc sĩ Tôn Thất Toàn xứng đáng được ngợi ca là người của cung đàn điệu nghệ, tri âm.

 

 

 

Thơ TÔN THẤT TOÀN

 

TOẠI NGUYỆN

Bốn trăm năm lẻ, đã làm nên

Hạnh phúc nước nhà, Nguyễn xứng tên

Danh dự bảo tồn trông kẻ dưới

Tinh thần tương trợ nhớ ơn trên

Điện Đền muôn thuở duy trì gốc

Lăng Miếu ngàn thu vững chắc nền

Lắm cảnh lắm tình đồng huyết thống

Hương lòng trung hiếu kính dâng lên

 

Nguồn: http://thuyqn.vnweblogs.com/