Print

NGHỆ SĨ HƯƠNG HOA TIẾNG ĐÀN MỰC THƯỚC TÀI HOA

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 4963
Hương Hoa, người mẹ của ba người con là nghệ sĩ....

 

NGHỆ SĨ HƯƠNG HOA

TIẾNG ĐÀN MỰC THƯỚC TÀI HOA

 

Trong nhiều tiếng đàn tranh của giới nữ đang ngân lên giữa xứ thần kinh, giới mộ điệu ca Huế chú ý, quan tâm lắng nghe nhiều đến tiếng đàn mực thước mà tài hoa của Hương Hoa, người mẹ của ba người con là nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Hương Hoa sinh năm 1946 tại thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Vùng đất Vĩnh Giang cũng là quê hương của Châu Loan người nghệ sĩ nổi tiếng của bộ môn dân ca Bình Trị Thiên và ca Huế. Xuất phát từ niềm say mê âm nhạc, yêu thích đàn và hát dân ca, năm 16 tuổi Hương Hoa xin vào Đoàn Ca kịch Trị Thiên Huế khi đoàn đang đóng tại Vĩnh Linh. Khi mới vào đoàn, Hương Hoa được nghệ sĩ Minh Tâm dạy phần ca Huế và các làn điệu dân ca. Trong thời gian này Hương Hoa được đoàn phân công đóng một số vai phụ trong các vở ca kịch thuộc đề tài lịch sử, cổ trang và học thêm đàn tam thập lục. Tuy chưa được đảm nhận các vai diễn chính, nhưng niềm say mê nghệ thuật sân khấu ca kịch vẫn thôi thúc, khích lệ Hương Hoa hoàn thành tốt các phần việc mà ban lãnh đạo đoàn giao. Bên cạnh đó, gương tốt trong nghệ thuật biểu diễn ca kịch, nghệ thuật đàn của các nghệ sĩ lớp trước cũng là nguồn động viên lớn giúp Hương Hoa rèn luyện kỹ năng biểu diễn.

 Năm 1964, mặc dầu đã sử dụng thuần thục, điêu luyện đàn tam thập lục trong các chương trình phục vụ nhân dân trên nhiều địa phương, nhưng khi đoàn ra ở khu văn công Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội Hương Hoa xin đoàn theo học đàn tranh với nghệ sĩ Mai Xuân của Đoàn Ca múa Trung ương và bà Minh, vợ của nghệ sĩ Xuân Lư. Khi tiếp cận nghệ thuật đàn tranh, Hương Hoa có niềm say mê thực sự. Âm thanh thánh thót của đàn cùng với sự nhấn, vuốt của những ngón tay mình Hương Hoa có cảm giác giữa đàn và người có một mối cộng hưởng, giao hoà, niềm rung động nghệ thuật. Khi đã học tập và đàn tinh thông, nhuần nhuyễn đàn tranh Hương Hoa ít có dịp trở lại cùng tiếng đàn tam thập lục.

Năm 1965, Hương Hoa kết duyên với nghệ sĩ Trọng Quyết, một chàng trai quê ở thôn Trung Thượng, xã Thuỷ Biều, Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế. Nghệ sĩ Trọng Quyết tham gia vào Đoàn Ca kịch Huế từ năm 1960. Mối tình nghệ sĩ giữa hai người cũng đã tạo cho nhau những hưng phấn nghệ thuật, họ đã luôn cùng nhau trân trọng, gìn giữ những giá trị quý báu của loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống; luôn thôi thúc, động viên nhau vượt lên những khó khăn thời chiến để vừa nuôi dạy con cái vừa đảm bảo các yêu cầu phục vụ nghệ thuật của đoàn.

Hai năm 1972, 1973 Hương Hoa theo đoàn vào phục vụ ở chiến trường Trị Thiên. Đây là giai đoạn khó khăn của Hương Hoa vì phải gửi các con mọn lại cho Nhà Trẻ khu văn công Mai Dịch. Thiên chức làm mẹ của người phụ nữ đã không thể thực hiện trọn vẹn khi Hương Hoa vào Nam biểu diễn dưới làn bom đạn Mỹ. Nỗi nhớ thương con trong những ngày tháng này luôn canh cánh trong tâm hồn, tình cảm người mẹ trẻ. Rất may mắn là những đứa con của Hương Hoa dù xa cha mẹ nhưng được sự chăm sóc tận tình chu đáo của đoàn thể, tổ chức, nhà trẻ nên vẫn khoẻ mạnh, ngoan ngoãn.

Hương Hoa theo đoàn về Huế sau ngày đất nước thống nhất và tiếp tục gắn bó với đoàn cho đến năm 1998. Tuy không còn cùng đoàn thực hiện những chuyến lưu diễn phục vụ bà con như xưa nhưng hiện nay Hương Hoa vẫn tham gia sinh hoạt với Câu lạc bộ Ca Huế thuộc Nhà Văn hoá Huế. Tiếng đàn tranh mực thước, nhu hoà mà rất đổi tài hoa của Hương Hoa vẫn ngân lên những cung bổng, cung trầm trong từng đêm ca tri âm thính phòng, trên thuyền sông Hương, trong những ngôi vườn Huế. Hương Hoa còn giảng dạy cho một số em yêu thích đàn tranh với ước mong sẽ có thế hệ kế tục mình cùng bảo tồn, gìn giữ và phát huy những vốn quý dân tộc.

Thời gian gần đây vợ chồng nghệ sĩ Hương Hoa - Trọng Quyết cũng có niềm vui thầm lặng, rất hạnh phúc khi con cái của họ cũng trưởng thành theo năm tháng. Người con trai trưởng là Trọng Thắng hiện đang sử dụng tốt đàn nguyệt, Trọng Cương con trai thứ đang phụ trách đội nhạc Đoàn nghệ thuật Cung Đình Huế và rất điệu nghệ khi biểu diễn đàn bầu; người con gái út là nghệ sĩ nổi tiếng Hương Mơ (ảnh) tốt nghiệp ngành đạo diễn Trường Đại Học Sân Khấu Điện Anh Việt Nam và hiện đang công tác tại Hà Nội.

 

images131071_huongmo by you.

 

 Từ quá trình tham gia hoạt động nghệ thuật sân khấu dân ca, ca kịch trong những năm kháng chiến chống Mỹ Hương Hoa đã nhận được Huân chương Kháng chiến hạng 2, Huy chương Vì sự nghiệp văn hoá, nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Văn hoá và các cấp Tỉnh, Thành phố ... Với bản tính chơn chất, điềm đạm, ít nói Hương Hoa đã gửi gắm vào hồn đàn tranh sức truyền cảm sâu lắng, mầm rung động trữ tình, khát vọng thăng hoa của nghệ thuật đàn dân tộc.