Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NGHỆ SĨ THANH TÂM NGƯỜI DÁT ÂM THANH THÀNH HƠI SƯƠNG TRONG

"Em thương đời, em mến cảnh ..."

 

 

THANH TAM

   THANH TÂM

NGƯỜI DÁT ÂM THANH THÀNH HƠI SƯƠNG TRONG

Sau thế hệ Bích Liễu, Minh Mẫn, Vân Phi, Thanh Hương, Quế Trân, Thu Tâm ... với những giọng ca Huế điêu luyện, tuyệt vời, giới mộ điệu âm nhạc dân tộc cổ truyền xứ Huế lại được ghi nhận, tán thưởng một số nghệ sĩ tài ba, giàu kỹ năng khác của đất thần kinh thơ mộng, trữ tình như Châu Dinh, Kim Vàng, Kim Kiều, Diệu Liên, Thanh Tâm, ...

Khác với cuộc đời của nhiều nghệ sĩ ca Huế, Thanh Tâm đã trải qua những tháng năm khổ luyện từ thuở ấu thời. 11 tuổi Thanh Tâm theo cha là nghệ sĩ hát bội nổi tiếng ở Huế là ông Phan Hữu Lễ vào đội ca của cung đình Triều Nguyễn. Đây chính là giai đoạn gian lao vất vả đầu đời của Thanh Tâm. Nhờ tính nghiêm khắc của gia đình, của thân sinh và của các bậc thầy ca Huế trong việc truyền dạy nghệ thuật cung đình, nghệ thuật ca Huế mà Thanh Tâm được tích luỹ một vốn sống, kinh nghiệm quí báu khi gửi tiếng lòng mình qua giọng ca đến với tri âm tri kỷ nhiều tỉnh, nhiều thành phố trong cả nước. Những chuyến lưu diễn nước ngoài ở Pháp, Thuỵ Sĩ, Hà Lan, Bỉ, Nhật Bản vào những năm gần đây là những thành công của người nghệ sĩ tài hoa.

Nhà báo Lưu trọng Văn trong bài viết của mình đăng trên báo Lao động (13.1.1993) đã rất tâm đắc, chí tình khi viết về Thanh Tâm "Em thương đời, em mến cảnh, nên xui chạnh lòng, man mác đời ... hoa". Thanh Tâm đã khóc thương Thầy, thương biết bao tài hoa ca Huế bạc mệnh. Thanh Tâm thổn thức dát âm thanh thành hơi sưong trong, thành ánh trăng mảnh rồi rút ruột nhả khúc ca nước mắt"Ai ơi rũ mành ...".

 The image “http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/dataimages/200607/original/images1045919_1.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.
 Nghệ sĩ Thanh Tâm và ban nhạc ca Huế tại Festival Huế 2006

 Gần 50 gắn bó, buồn vui, khổ đau, hạnh phúc với ca Huế thính phòng đến nay Thanh Tâm vẫn còn nhớ như in hình ảnh thầy Đinh Hữu Khai đáng kính. Thầy đã rất tận tâm truyền khẩu những giá trị về kỹ thuật ca Huế cho mình và ấn tượng nhất là cái chết của thầy trên sân khấu. Vì đói, thầy đã gục ngã trên sàn diễn trước hàng trăm khán giả một cách bi thương. Sự ân cần, tận tuỵ của thầy Khai trong những thời điểm ấy đối với việc dạy dỗ học trò; cái chết oan khiên của thầy nghệ sĩ với Thanh Tâm đã trở thành nỗi ám ảnh bất tận về nghề nhưng đồng thời cũng chính là động lực tích cực giúp Thanh Tâm cống hiến hết mình vì nghệ thuật ca Huế. Khát vọng, ước mơ được trau dồi kỹ năng diễn xướng; được thành danh, và vượt lên cái đói nghèo trong mọi lúc mọi nơi luôn ấp ủ trong tâm thức Thanh Tâm.

Chất giọng của Thanh Tâm đặc sắc, độc đáo và có hồn không thể lẫn với giọng ca nào. Thanh Tâm đã học được từ các nghệ sĩ, nghệ nhân thế hệ trước mình, sự tinh tuý của cách nhả chữ, nhả lời, cách luyến láy, ngân giọng ... Một trong những thế mạnh của Thanh Tâm trong việc thể hiện bài ca là thuộc nhiều nội dung của nhiều bài bản. Thuộc ở đây là còn thuộc cái thần, cái tứ cái chữ của câu ca mà các tác giả soạn lời đã tâm đắc đưa vào cung bậc. Thành công của Thanh Tâm là giúp người nghe nhập vào nội dung sâu sắc, trầm lắng hay thanh thoát, tinh tế của làn điệu, lời ca. Từ điệu Bắc, điệu Nam đến hơi dựng, hơi xuân, thể loại tuồng ... Thanh Tâm đều đã hoá thân vào đó. Khi Thanh Tâm cất cao làn điệu hò mái nhì chuyển sang nam ai, nam bình ... người nghe đã như được cuốn hút, như được hoà nhập vào cõi âm thanh thuần khiết, đầy nghệ thuật "Tiếng ve dắn dỏi kêu sầu trên lầu Hoàng hạc, xưa quả phụ ngồi than, chính bông năm canh. Ôi duyên nợ ba sinh ..."

Từ 1975 đến nay, Thanh Tâm đã có điều kiện để phô diễn tài năng, cống hiến tâm huyết của mình trên nhiều miền đất nước khác nhau. Thanh Tâm thường xúc động thả hồn mình đồng điệu, đồng cảm với nghệ sĩ tài hoa Bửu Lộc trong làn điệu Tứ Đại cảnh "... Bao hứa hẹn là chuyện trò chơi Một bước đời một nỗi buồn vui, Tuồng hư thực trêu ngươi Ra với đời, nửa thật, nửa chơi Đời nghệ sĩ thế thôi!"

Thời gian gần đây, có lần Thanh Tâm đã chân thành tâm sự với nhà báo Lê Cảnh Lâm "Vui chung với niềm vui đất nước khi đất nướcngày càng khởi sắc, người dân bước ra khỏi cảnh đói nghèo. Nhưng buồn riêng cho mình lại bước vào cảnh xế chiều. Chỉ thấy nuối tiếc tuổi xuân qua, không còn được nhiều dịp ca hát nữa. Vì vậy, khi có cơ hội Thanh Tâm lại cố gắng không tiếc công sức hướng dẫn vẽ vời cho các em, các cháu yêu dân ca, biết trân trọng giữ gìn vốn nghệ thuật của quê hương".

Từ lời bộc bạch trên, giới mộ điệu ca Huế, những người trân trọng quí mến giọng ca Thanh Tâm vui mừng cảm nhận tuổi xuân trong nghệ thuật ca Huế của Thanh Tâm vẫn chưa qua. Tuổi xuân Thanh Tâm được lưu giữ, tiếp truyền cho đàn em Huế thân yêu đang mỗi ngày được Thanh Tâm truyền dạy trong ngôi nhà 12D Lê Ngọc Hân, Tây Lộc, Huế. Và âm hưởng mùa xuân vẫn ngân lên trong giọng ca tứ đại cảnh của Thanh Tâm "Em thương đời, em mến cảnh ..."

                                             *************

          Hình ành về những buổi nghệ sĩ Thanh Tâm luyện tập điệu múa "Lục cúng hoa đăng" tại chùa Yên Tử (Quảng Ninh) và Tổ đình Phúc Khánh (Hà Nội)

            Nhà chùa Yên Tử đã mời nghệ sĩ Thanh Tâm ra Hà Nội vào cuối tháng 11. 2007để dựng, sửa và hoàn chỉnh lại các động tác cũng như dạy hát cho đoàn vũ sinh của nhà chùa để ra mắt trong dịp khai hội Yên Tử 2008.


                   

              
   Nghệ sĩ Thanh Tâm đã từng là vũ sinh thuộc đoàn Ba vũ cổ nhạc của Hoàng thái hậu Từ cung - thânmẫu của vua Bảo Đại nên nghệ sĩ rất kỹ trong từng động tác sao cho đúng với điệu múa.

 
Từng chi tiết trong trang phục đều được nghệ sĩ Thanh Tâm cùng với người thiết kế sao cho đúng với trang phục cổ.
 
 
Sau một thời gian, nghệ sĩ Thanh Tâm đã bàn giao điệu múa cho đội vũ sinh tự luyện tập không cần nghệ sĩ phải có mặt uốn nắn từng động tác nữa.
 
 
Sau hơn hai tháng luyện tập, đội vũ sinh đã thuần thục trong từng động tác. *
 
(* Nguồn: VietNam Net )
 
 
 
 
 
 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.