Print

NGHỆ SĨ TRẦN THẢO THÁNH THÓT NHỮNG CUNG ĐÀN

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 7187
 
 

 NGHỆ SĨ TRẦN THẢO

THÁNH THÓT NHỮNG CUNG ĐÀN

Trần Thảo anh sinh ra và lớn lên từ một gia đình truyền thống âm nhạc dân tộc. Làng quê Thành Trung, Quảng Thành, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế của anh cũng là cái nôi nuôi dưỡng các giá trị văn hoá phi vật thể. Một số nghệ nhân, nghệ sĩ của ngành đàn ca Huế đã trưởng thành từ đây.Do thân sinh là nghệ sĩ Trần Kích, Trần Thảo đã được truyền thụ cái hồn nhạc từ khi còn thơ ấu.

Năm 10 tuổi (1996) Trần Thảo đã được cha dạy chân truyền dạy chơi các loại nhạc cu : đàn bầu, đàn nhị, kèn. Niềm say mê âm nhạc cổ truyền Huế trong tâm hồn Trần Thảo bắt nguồn từ độ ấy, chuẩn bị cho những bước đi dài về phía tương lai.Năm 1969, Trần Thảo thi đậu vào Trường Quốc gia Âm nhạc Huế và tốt nghiệp năm 1975. Trong quá trình học tập các nhạc cụ dân tộc, Trần Thảo đã được nhiều nghệ nhân, nhạc sĩ tên tuổi truyền dạy hết lòng. Chất Huế, hơi Ngự hoà quyện vào ngón đàn Trần Thảo, phản ánh đúng tính nhu hoà của một tâm hồn điệu nghệ xứ thần kinh.

NSƯT Trần Kích, thân sinh nghệ sĩ Trần Thảo

Từ sau ngày thống nhất đất nước, Trần Thảo đã cùng thân sinh là nghệ sĩ Trần Kích dạy nhạc cụ dân tộc tại nhà cho một số con em quanh vùng. Chính không khí ấm cúng của gia đình nghệ thuật đã tiếp truyền cho các em đến theo học nguồn say mê âm nhạc dân tộc, gắn bó với bộ môn. Riêng Trần Diệp, con trai đầu của Trần Thảo cũng đã được trưởng thành trong môi trường đào tạo theo lối truyền nghề tại gia này. Tiếng đàn bầu của Trần Diệp đã có bản sắc riêng.

Năm 1996, Nhật Bản phối hợp với Thừa Thiên Huế để tài trợ cho chương trình phục hồi, phát huy giá trị nhã nhạc cung đình triều Nguyễn, Trường Đại học Nghệ thuật Huế đã mời hai cha con nghệ sĩ Trần Kích, Trần Thảo và một số nghệ nhân lão thành khác tham gia giảng dạy khoá Đại học Nhã nhạc đầu tiên. Trong thời gian này, Trần Thảo đã cùng cha sưu tầm, ghi âm, biên soạn tài liệu, giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập dành cho lớp Đại học Nhã nhạc. Đây là công trình quý giá, đáng trân trọng vì trong những năm qua tài liệu về Nhã nhạc, ca Huế bị tản mạn, phân tán trong dân gian, hoặc bị thất truyền theo hoàn cảnh, thời gian trong khi việc nghiên cứu sưu tầm loại hình nghệ thuật âm nhạc Huế vốn ít người quan tâm.

Do chuyên chú sử dụng các nhạc cụ, lại có điều kiện tiếp cận với nhiều môi trường sinh hoạt âm nhạc truyền thống Huế nên cho dù tuổi đời chưa phải lớn nhưng với kỹ năng, thực tài Trần Thảo đã biểu diễn thuần thục nhạc cụ cho các loại hình nhạc Tuồng, nhạc ca Huế, Nhã nhạc, Nhạc Phật giáo (Kinh tán). Khi đến với các bộ môn này, đòi hỏi người sử dụng các nhạc cụ như đàn nhị, đàn bầu, kèn bầu (ở Huế gọi là kèn bóp) ... phải thật tinh tế, điêu luyện.

Cuối năm 1997, Trần Thảo đã cùng một số nhà sư ở Huế tham dự Liên hoan Âm nhạc Tôn giáo Thế giới do Đài RFI (Pháp) tổ chức trực tiếp truyền thanh trên toàn thế giới. Riêng nhạc tôn giáo của Châu Á có Tây Tạng và Việt Nam có nhạc Phật xứ Huế (đại diện nghi lễ Phật giáo cho cả nước).Ngoài chuyến lưu diễn đáng nhớ trên tại Paris (Pháp) về nhạc Phật giáo, Trần Thảo còn được vinh dự biểu diễn nhiều chuyến ở nước ngoài như Hoa Kỳ (1995); Hồng Công(1996); Hàn Quốc (1997), Đài Loan (1998); đầu năm 1998 tham dự Festival de Imaginaire (Liên hoan trí tưởng tượng) do Maison des Cultures du Monde (Nhà văn hoá Thế giới) tổ chức; tháng 9.1995 Nhà văn hoá Thế giới tại Paris đã thu thanh trực tiếp chương trình nhạc cung đình, ca Huế và được giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu xếp hàng đứng trong tốp 10 đĩa CD âm nhạc cổ truyền hay nhất trong năm; Các năm tiếp theo Trần Thảo lưu diễn tại Pháp (1999); Hà Lan, Vương quốc Bỉ (2000); biểu diễn tại Tuần Âm nhạc Việt Nam ở Cité de la Mussighe (Thành phố Âm nhạc) Paris (2001), (2002) biểu diễn tại Tuần lễ Văn hoá Việt Nam tại Luxembourg, Hàn Quốc (2007) ...

Những chuyến lưu diễn ở nước ngoài là những bài học kinh nghiệm, những thực tế đáng quý đối với Trần Thảo. Ngoài việc giới thiệu với công chúng thế giới những giá trị nghệ thuật âm nhạc truyền thống Huế, Trần Thảo còn có dịp để tiếp thu, học hỏi những ngón nghề, những thủ pháp nghệ thuật của các nghệ nhân, các nghệ sĩ quốc tế. Trần Thảo đã được nhận quà lưu niệm của Thị trưởng Đài Bắc trong chuyến sang lưu diễn tại Đài Loan (1998) và được Nhà Văn hoá Thế giới trao tặng Bằng Danh dự chương trình Liên hoan trí tưởng tượng tại Pháp (1998).Với một bề dày hoạt động nghệ thuật âm nhạc truyền thống Huế, Trần Thảo tâm niệm "Cần phải tự rèn luyện, học tập, trau dồi hơn nữa những ngón đàn, điệu kèn thuộc các loại hình. Làm thế nào để tâm thức Huế, hơi thở cuộc sống Huế luôn được lan toả, ngấm sâu trong từng cung bậc, âm hưởng, đó là câu hỏi lớn đang thôi thúc Thảo trả lời bằng nghệ thuật".

Hiện nay, Trần Thảo với cuộc sống thầm lặng của mình đang có những nỗ lực lớn trong việc đào tạo các thế hệ học tập các loại nhạc cụ dân tộc. Ngoài việc giảng dạy tại trường Đại học Nghệ thuật Huế, Trần Thảo còn gắn bó với đàn em thân yêu trong ngôi nhà nghệ thuật của mình ở số 256/35A Bạch Đằng, Huế. Nơi đây, âm hưởng réo rắt của đàn nhị, tiếng nỉ non của độc huyền cầm, cung bậc trầm bổng của cây kèn bầu, từ nhiều thế hệ hàng ngày vẫn hoà thanh ngợi ca ngọn nguồn dân tộc, ngợi ca ngày mới bằng các làn điệu quê hương Huế trữ tình, giàu sức sống.