Print

NGUYỄN TUẤN DƯƠNG NGƯỜI HỌA SĨ MIỆT VƯỜN

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 6313
"...Nguyễn Tuấn Dương vẽ như một giải bày đôn hậu dịu dàng..."

 

NGUYỄN TUẤN DƯƠNG
NGƯỜI HỌA SĨ MIỆT VƯỜN

 

           Nguyễn Tuấn Dương sinh năm1954 tại Huế, thân sinh anh là một nghệ nhân chuyên nghề nặn tượng đã từng tổ chức triển lãm mỹ nghệ vào năm 1957 nên Nguyễn Tuấn Dương đã có niềm say mê mỹ thuật từ thời niên thiếu, Nguyễn Tuấn Dương đã kế thừa được ở người cha truyền thống nghệ thuật của gia đình và luôn nuôi cho mình ý tưởng được thể hiện tay nghề trong bộ môn nghệ thuật tạo hình. Nguyễn Tuấn Dương tốt nghiệp trường Cao Đẳng Nghệ Thuật Huế năm 1974 và đã đánh dấu giai đoạn này bằng một cuộc triển lãm tranh với Nguyễn Thái Hòa tại Quy Nhơn. Năm 1975 tham gia bộ đội cho đến năm 1978. Sau khi xuất ngũ, Nguyễn Tuấn Dương về lại quê nhà ở xã Thủy Biều mưu sinh với đủ thứ nghề như đạp xích lô, khuân vác, làm thuê, nấu rượu, nuôi heo...Sức lao động, chịu khó lăn lộn trong mọi khó khăn gian khổ, Nguyễn Tuấn Dương cùng vợ cố gắng để nuôi dưỡng con cái học hành và trưởng thành.

     Do hoàn cảnh khó khăn vì cuộc sống mà đã có một thời gian dài Nguyễn Tuấn Dương không sáng tác được nhiều. Số tác phẩm vẽ ra chỉ đủ để triển lãm chung với bằng hữu đồng nghiệp. Năm 1991, Nguyễn Tuấn Dương lại triển lãm với Nguyễn Thái Hòa tại Huế, năm 1993 cùng triển lãm với 3 tác giả: Nguyễn Duy Linh, Phan Chi, Nguyễn Thái Hòa. Vì luôn ấp ủ một cuộc triển lãm cá nhân vừa tranh, vừa tượng có lúc, Nguyễn Tuấn Dưong đã đổi rượu lấy xi-măng nặn tượng. Những bức tượng xi-măng với những tên gọi Bước chân Giao Chỉ, Đất nước tôi, Khỏe và đẹp, Men đời, Dưới thềm hoa phượng, Giả Viên Huế...phản ánh chiều sâu tư duy, tâm hồn anh về quê hương, đất nước về khát vọng bình yên giữa cõi người ta. Những bức tượng xi-măng ấy cùng 16 tác phẩm hội họa khác đã chính thức ra mắt công chúng Huế trong cuộc triển lãm cá nhân của anh vào ngày 6.5.1994. Từ cuộc triển lãm tranh tượng này, Nguyễn Tuấn Dương đã tìm thấy lại nguồn hứng khởi trong anh. Hứa hẹn và hy vọng cho những phòng tranh kế tiếp.

     Được gia đình tin tưởng, được sống trong không khí sáng tác của bạn bè cùng sự khích lệ của thầy Vĩnh Phối, Nguyễn Tuấn Dương dành nhiều thời gian hơn cho sáng tác. Với cương vị là một hội viên ngành mỹ thuật Huế anh đã tham gia các cuộc triển lãm tranh khu vực Miền Trung tại Đà Nẵng (1995), triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc tại Hà Nội (1995). Tháng 4.1996, Nguyễn Tuấn Dương là họa sĩ Huế đầu tiên tổ chức triển lãm cá nhân tại phố cổ Hội An. Qua chủ đề Phòng Tranh Tím Huế, Nguyễn Tuấn Dương đã giới thiệu với công chúng Hội An và du khách trong ngoài nước một phòng tranh đẹp, đầy ấn tượng: “Hội An hay Huế, những phố thị của rêu nõn, sương mờ, đò trên sông, trăng trên mái cũ, những phố cổ tâm-hồn-chị-em (như cách nói của Văn Cao}, Nguyễn Tuấn Dương từ Hương Giang đã mang đến Hoài Giang bàng bạc một mảng màu tím u trầm chợt lảng đảng mộng mơ của Huế. Tranh Nguyễn Tuấn Dương giàu chất thơ, mặc khải những tĩnh lặng để yêu mến sau nhiều nếm trải nhọc nhằn. Một ngày lành hoa và thiếu nữ, những đường đi có mây trắng bên khung cửa có trăng non dòng sông gọi mời một xa xăm ký ức.Nguyễn Tuấn Dương vẽ như một giải bày đôn hậu dịu dàng dù thi thoảng vẫn rực rệt từng náo động nội tâm ở những màu tương phản...”(Phùng Tấn Đông-Hội An).

     Sau những lần triển lãm, tranh Nguyễn Tuấn Dương đã có công chúng. Nhiều nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước đã tìm đến với tranh anh. Anh đã chịu khó làm những chuyến đi thầm lặng vào Nam ra Bắc để giới thiệu, gửi tranh cho một số gallery quen thuộc. Sau những năm tháng cực nhọc mưu sinh, giờ đây anh đã có thể yên tâm để vẽ tranh, nặn tượng. Hai cuộc triển lãm tranh sơn dầu tiếp theo tại Huế (1998), Hội An (1999) cũng đã gặt hái nhiều thành công, giúp anh tự tin và hứng thú hơn trong sáng tác

     Hiện nay khi đang sinh sống tại quê nhà, người nghệ sĩ hiền lành chơn chất ấy lại được bà con lối xóm, dân Nguyệt Biều tin cậy, mến yêu bởi ngoài niềm đam mê nghệ thuật Nguyễn Tuấn Dương còn rất thích nghi, linh hoạt, năng động trong sinh hoạt xã hội, công tác cộng đồng. Anh là một chi hội trưởng giỏi của Chi hội Nông Dân Tập thể Long Thọ; là một đại biểu Hội đồng Nhân dân xã Thủy Biều có uy tín với cử tri. Khi kể về những công việc làng xã của anh, Nguyễn Tuấn Dương không dấu niềm vui của mình vì anh đã được hòa đồng trong không khí chan hòa thân thiện của bà con nông dân, chí thú công việc khuyến nông từ những ngôi vườn thanh trà ngọt lành sây trái bên dòng sông Hương thơ mộng. Và hơn hết, anh đã tìm thấy từ môi trường này một vốn sống thực tiễn rất quý báu cho anh ươm kết những ngọn nguồn sáng tạo. Tranh, tượng của anh phần lớn được hình thành từ chính mảnh đất này.

 

Thanh trà Nguyệt Biều