Articles

Print

TÔI VỮNG TIN RẰNG NGHỆ THUẬT CA HUẾ SỐNG MÃI CÙNG THỜI GIAN - Ngọc Dung

Category: Ca Huế
Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 3768

  

Nghệ sĩ Hương Thủy

 

 

   

Bạn muốn nghe ca Huế thính phòng miễn phí không? Có một địa chỉ 25 Lê Lợi, Huế vào lúc 20 giờ tối thứ Ba hằng tuần. Nơi đây luôn chờ đón bạn!

     Điều kỳ lạ của Thính phòng này là vào cửa hoàn toàn miễn phí! Bác Võ Quê, nguyên Chủ tịch Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên Huế làm Chủ nhiệm  và là người dẫn chương trình chuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật ca Huế ở thính phòng cùng nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân đàn, ca Huế luôn hết lòng phục vụ khán giả đến xem, nghe…

     Khán phòng ấm cúng, ghế ngồi đủ phục vụ vài chục khách tới thưởng thức. Tường nhà được xây dựng theo kiến trúc Pháp nên không khí luôn dễ chịu trong mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Âm thanh lời ca, tiếng đàn của các nghệ sĩ, nghệ nhân biểu diễn ở đây thật kỳ lạ, nghe thực và chuẩn vô cùng, không cần micro. Quả là một nơi lý tưởng để thực hiện ca Huế thính phòng!

     Đến đây tôi được nghe ca Huế thật sự với những bài bản lớn. Nếu xuống thuyền nghe ca Huế trên sông Hương chưa chắc được nghe; được chiêm ngưỡng đầy đủ các cây đàn tỳ bà, đàn tam, đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt… cùng với những người có trình độ cao về đàn như  nghệ sĩ Lệ Hoa, thạc sĩ đàn bầu Hồng Lê, thạc sĩ  đàn tranh Quỳnh Nga, thạc sĩ đàn nhị Đình Hưng… là các giảng viên dạy đàn ở Học viện Âm nhạc Huế, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Huế…

    Các nghệ sĩ, nghệ nhân ca Huế cũng được xuất thân từ nhiều gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc; trong đó có các nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ ưu tú… nên ca Huế rất chuẩn.

     Về sau, thính phòng ca Huế này còn xuất hiện những tiếng đàn, giọng ca từ hàng ghế khán giả; Đã có một số giọng ca được định hình; được Sở Văn Hóa Và Thể Thao Thừa Thiên Huế cấp thẻ biểu diễn; Tại đây cũng xuất hiện thế hệ măng non là các em nhỏ “nghệ sĩ nhí” - con của các nghệ sĩ, nghệ nhân đàn ca Huế. Được nghe ca Huế ở đây, với tôi quả là một niềm hạnh phúc! Những lời ca Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh, Phú lục, Phẩm tiết, Tương tư khúc… rất súc tích, rất ý nghĩa tạo nên nguồn rung động tâm hồn người nghe và có thể làm thay đổi quan niệm sống do lời ca quá triết lý, sâu sắc, mang tính giáo dục cao.
    Thời tiết Huế khắc nghiệt, nhưng không quản ngại nắng mưa; có những mùa đông đêm rét mướt mười mấy độ C nhưng các nghệ sĩ, nghệ nhân vẫn ngoài khoác áo ấm, trong áo dài quốc phục Việt Nam đến biểu diễn tận tâm, đem ca Huế lan tỏa ấm áp đến bao người khách cũng đam mê ca Huế, kể cả du khách nước ngoài có dịp đến xem.
Bao năm tháng đã qua, dù không được lương tiền như những công nhân viên chức, nhưng các nghệ sĩ, nghệ nhân ở đây vẫn hăng say biểu diễn đều đặn; Họ đến với tất cả tình yêu nhiệt thành dành cho bộ môn ca Huế. Phải có tâm huyết và quá tha thiết yêu nghề nên họ mới giữ được giá trị truyền thống ca Huế đến bây giờ.

     Tại thính phòng này tôi có chú tâm đến bác Võ Quê, chủ nhiệm thính phòng. Tuy bác tuổi cao nhưng đến với thính phòng bác năng nổ hết mình ra sức giúp thính phòng tồn tại và phát triển. Bác gặp gỡ, kết nối với biết bao người yêu ca Huế thành một “cộng đồng yêu ca Huế”. Như trường hợp bác biết được ở trên mạng có 3 anh em nhà Văn Công Hoàng từ Quảng Nam giỏi đàn và ca Huế thế là bác công tâm tìm kiếm; đã liên lạc rồi kết nối được 3 anh em đó và đã mời họ ra giao lưu tại thính phòng. Quan niệm của bác Võ Quê là mong các thế hệ ca Huế được lưu truyền đến các thế hệ mai sau nên bác đã rất ưu ái, động viên, tìm mọi cách để các em nhỏ, các bạn trẻ tiếp cận được ca Huế.

     Thật ngưỡng mộ và cảm ơn những tấm lòng của các nghệ sĩ, nghệ nhân trong Câu lạc bộ Ca Huế Thính phòng! Tôi thật sự hạnh phúc vì đã sống trên quê hương, trên đất Huế! Tôi vững tin rằng bộ môn Ca Huế vẫn còn được lưu giữ và lan truyền cho thế hệ mai sau!
Ngọc Dung

Huế , 14 giờ ngày 14.9.2018