Print

Chạnh lòng cho trò chơi Việt - Anh Chi

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5375

Sổ tay

Chạnh lòng cho trò chơi Việt

Trước hiện tượng trẻ em đang mê mải chơi những đồ chơi Trung Quốc được sử dụng trong bộ phim Đấu trường yoyo, lại nhớ trào lưu của giới trẻ Việt nuôi gà ảo Nhật tamagotchi, nuôi hamster nhập từ Trung Quốc, Thái Lan và lãnh thổ Đài Loan. Hoặc không là trào lưu, nhưng từ lâu qua con đường phim ảnh, những nhân vật bước ra từ phim, từ sách như vịt Donald, chuột Mickey, thủy thủ mặt trăng, mèo Doraemon cũng đã dần trở thành những hình ảnh thân thuộc với trẻ em Việt Nam nhiều thế hệ. Để rồi không khỏi chạnh lòng.

Chạnh lòng vì giá mà những đồ chơi Việt, trò chơi Việt cũng tạo được cơn sốt như thế, hoặc được tiếp tay tạo ra những cơn sốt như thế. Nhớ có lần đọc trong cuốn sách Trò chơi dân gian của thiếu nhi của tác giả Tiểu Kiều (Nhà xuất bản Trẻ, tháng 5-2010), thấy tác giả liệt kê đến gần 100 trò chơi (và chắc vẫn còn chưa đủ) gồm các trò chơi có lời hát, các trò chơi có đồ chơi, những trò chơi vận động... phong phú vô cùng. Thế mới thấy Việt Nam thiếu gì những trò chơi, và trong số đó tin rằng sẽ có những trò chơi có thể làm nên cơn sốt hoặc trở thành những sản phẩm kinh doanh có chỗ đứng trên thị trường.

Rồi những nhân vật Việt Nam rất nổi tiếng với nhiều giai thoại thú vị từ truyền thuyết, văn học đến đời thực như dế mèn, Tểu, Cuội, Bờm, Trạng Quỳnh, trạng nguyên tuổi 13 Nguyễn Hiền, thần đồng Lê Quý Đôn, Ba Giai Tú Xuất, bác Ba Phi... có nhà làm phim nào đã khéo léo khai thác để tạo nên những trào lưu, những cơn sốt, thậm chí biến thành sản phẩm kinh doanh?

Và những trò chơi như ô quan, banh đũa (còn có tên đánh chuyền - đánh đũa), đánh quay (còn có tên chơi vụ) vẫn còn phổ biến ở nông thôn hoặc các đô thị nhỏ... nhưng để trở thành hiện tượng, là “mốt” thì vẫn chưa. Đồ chơi Việt dành cho thiếu nhi thời hiện đại lại càng ít ỏi.

Giá mà nhiều trò chơi Việt Nam, đồ chơi Việt Nam, nhân vật Việt Nam cũng có thể một lúc nào đó tạo được những trào lưu. Chuyện không chỉ là lòng tự hào dân tộc, không chỉ “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” mà còn là vì qua thời gian, những trò chơi nêu trên đã chứng minh được ý nghĩa tốt đẹp của nó.

Trò chơi, đồ chơi cho trẻ em nói chung tiềm năng là thế, nên nếu khai thác tốt và được sự cộng hưởng từ phim ảnh, trẻ em Việt chắc không phải quay quắt vì những trò chơi ảo hoặc cứ phải vòi vĩnh cha mẹ những món đồ chơi đắt tiền (chưa kể là bổ ích hay không).

ANH CHI

Nguồn: Tuổi Trẻ số ra ngày Thứ Tư 15. 2. 2011.

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/424593/rung-Quoc-dien-dao-voi-yoyo.html