Print

Từ chợ Đông Ba Tới Chợ Chuồn

Category: Báo chí
Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 4424

     Kỷ niệm 110 năm chợ Đông Ba, Ban Quản lý chợ Đông Ba đã tổ chức cuộc gặp mặt truyền thống vào sáng ngày 3. 6. 2009. Trong những năm đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ, giới tiểu thương chợ Đông Ba và phong trào sinh viên học sinh yêu nước đã có những gắn bó thiết thân, ruột thịt. Nhiều kỷ niệm buồn vui, kể cả máu, nước mắt đã thành những hồi ức đẹp, hào hùng. Nhân dịp này, một bộ phận anh chị em phong trào sinh viên học sinh yêu nước giai đoạn những năm 70 đã được mời về dự. Sáng nay, tôi đã rất hạnh phúc khi đi trong lòng chợ Đông Ba, nơi tôi đã từng được bà con tiểu thương đùm bọc, chở che trong những tháng năm tuổi trẻ gian khổ, ngục tù…

 

     Trước khi đến nơi gặp mặt truyền thống, có mấy o tiểu thương trẻ phát hiện tôi “Võ Quê nhà thơ đi mô rứa hè?” nên đành dừng bước và được mấy o đòi đọc thơ tại gian hàng bán các sản phẩm tôm chua, mắm rò, mắm cà, ruốc, hạt sen Huế… May mà tôi có nhớ một vài bài trong chùm 20 bài lục bát đặc sản Huế và bài tương tư khúc “Cành bưởi trắng” nên mấy o không thất vọng lắm. Mấy o còn dặn: “Khi mô Võ Quê đi chợ Đông Ba thì tới cho tụi tui nghe thơ nữa đó! Nhớ hí!” Nghe giọng Huế ngọt ngào đọc lệnh tôi vội vàng: “Bữa mô ghé lại, lo chi mấy o hè!”

 

 

 

 

Trước giờ khai hội, ngồi giữa mấy mẹ, mấy dì cựu tiểu thương Đông Ba  hồi ấy… không khỏi nhớ một thời thương yêu chứa chan tình nghĩa đồng bào.

 

 
Rồi bên Trần Hoài, Phan Hữu Lượng và vòng tay nghĩa tình của Ánh Tuyết, một thành viên Ban Quản lý Chợ Đông Ba là những khoảnh khắc khó phai quên.

 

 

Ánh Tuyết, Ban Quản lý Chợ Đông Ba đề dẫn chương trình “Gặp mặt truyền thống 110 năm chợ Đông Ba 1899 – 2009”. 

 

 

Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân ôn lại quá trình hình thành, phát triển và truyền thống của chợ Đông Ba. Một trong những ý kiến tâm đắc của Nguyễn Đắc Xuân là: Rất tiếc, chợ Đông Ba đang quay lưng với sông Hương trong khi sông Hương đẹp, thơ mộng, trữ tình… Hy vọng thời gian tới bên cạnh mặt tiền đường Trần hưng Đạo, mặt tiền chợ Đông Ba còn là sông Hương trong xanh.

 

 

Phan Hữu Lượng là Trưởng ban Văn nghệ SVHS của Tổng Hội Sinh Viên Huế những năm 1970 – 1972 kể lại những lần “Hát cho đồng bào tôi nghe” trên đình chợ Đông Ba và được các mẹ, dì, chị em chợ Đông Ba mời ăn cơm dĩa với các sinh viên Sài Gòn: Huỳnh Tấn Mẫm, Hạ Đình Nguyên, Nguyễn Hoàng Trúc… nhân đại hội sinh viên miền Nam tổ chức tại Huế năm 1971. Tiếp theo chuyện kể, Phan Hữu Lượng hát bài “Đường về thành nội” của Phan Lạc Lê, ca ngợi Quế Lan, một nữ tù Côn Đảo người Huế về tìm lại người yêu với muôn vàn cảm xúc, tự tình…

 

 

"Dòng máu, tế bào trong cơ thể tôi có cơm gạo, nghĩa tình chợ Đông Ba sâu lắng, dạt dào…" phát biểu xong câu ấy tôi hò mái nhì tặng cuộc gặp mặt: "Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá, đò về Vỹ Dạ thẳng ngả ba Sình. Lờ đờ bóng ngã trăng chênh. Theo nhau cho trọng mối tình nước non" (Ưng Bình). Mối tình nước non theo tôi suốt một đời!

 

 

Cựu tiểu thương Đông Ba và dân phong trào (Hoàng Thị Thọ, Lê Thị Nhân, Phan Hũu Lượng…) cùng hát “Dậy mà đi”của Nguyễn Xuân Tân, một bài ca quen thuộc của SVHS trong những cuộc xuống đường.

 

 

110 năm chợ Đông Ba. Xin chúc bà con tiểu thương MUA MAY BÁN ĐẮT!

.

TƯ LIỆU:

 

 

Chợ Đông Ba ngày xưa

 

 

Chợ Đông Ba ngày nay

 

 

Link tư liệu về chợ Đông Ba:

http://vnexplore.net/index.php?destination=63

 

TỚI CHỢ CHUỒN

 

Hôm qua mừng 110 năm chợ Đông Ba, hôm nay tôi tới chợ Chuồn. Từ Đông Ba tới chợ Chuồn chợ mô cũng đẹp ngọn nguồn quê hương. Chuồn là tục danh của làng An Truyền cách thành phố Huế chừng 6 km về hướng đông. Tôi đã được chôn nhau cắt rốn nơi đây. Mạ tôi cũng nhờ chợ Chuồn mà nuôi một đàn con đông ăn học nên người. Mới hôm kia tôi và các bloger TKO, Chinhnguyen, Hằng, Cindy cùng chị Võ Ngọc Lan về tặng áo cho các em học sinh nghèo ở trường làng. Chỉ tiếc bữa đó chưa kịp mời các bạn thưởng thức đặc sản làng Chuồn: bánh tét, bánh khoái cá kình, rươụ Chuồn… Hy vọng có một ngày bạn bè, những người tôi thương yêu là Tiểu Kiều, Ca Dao, Sao Khuê, Thuỷ, bé Ty, Hiep Tran, bé Nận, bé Hường, là… cùng tôi về tới chợ Chuồn với “ tâm hồn đặc sản”.

Tôi đi một vòng chợ Chuồn, hồi ức tuổi thơ chợt về theo. Năm ngoái khi đưa mạ về làng, linh cửu mạ dừng mươi phút ngay trước chợ Chuồn. Những nén hương bà con trong chợ Chuồn thắp lên tiễn đưa hương linh mạ còn thơm trong tâm hồn tôi nguồn biết ơn sâu sắc. Trong khoảnh khắc ấy âm dương dường như không cách biệt. Mạ đang đi giữa chợ Chuồn trước khi về yên nghỉ bên kia cánh đồng làng.

Cầm máy hình, tôi đi một vòng quanh chợ. Tôi ghé hàng cau trầu trước tiên. Mệ Biển vừa xoáy xong một miếng cau trầu đưa lên miệng ngon lành. Giá như chừ có mạ con đã xoáy mời mạ một miếng cau trầu thơm thảo.

Trước hàng cau trầu là mệ Huyến với mớ rau tươi. Gương mặt mệ hiền chi lạ! Chụp hình mệ mà lòng rưng rưng…

Làng Chuồn có nghề làm mắm rò cũng rất nổi tiếng. Mắm rò làm từ cá kình loại nhỏ bằng đầu ngón tay út. Màu đỏ thắm của ớt, vị chua chua, cay cay… mắm rò dễ làm người ta liên tưởng đến món tôm chua Huế. Nhìn mệ Dỏ bán mắm rò mân mê từng quả ớt mà thương. Tại góc chợ Chuồn này mệ Dỏ đã bán mắm rò từ thời thiếu nữ…

Mắm rò, đặc sản chợ Chuồn

Hàng cá chợ Chuồn có cá nước lợ là cá đánh bắt được từ đầm Chuồn: cá kình, cá bồng thệ, cá mú, cá tràng, cá nâu…

Cá bống thệ cũng là một đặc sản vùng đầm Chuồn. Cá bống thệ thường được kho khô. Cá kho càng cứng càng ngon. Món cháo gạo mà ăn với cá thệ kho khô thì thật hết chê! Cá bống thệ nấu canh với cà chua bi cũng ngon đáo để...

Hàng cá chợ Chuồn có nhiều cá biển tươi ngon: cá thu, cá ngừ, cá nục, cá hồng, cá lạc…

Phụ nữ làng Chuồn mới sáng sớm đã buôn cá từ chợ Chuồn lên bán khắp các chợ lớn nhỏ trên thành phố Huế: Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự, chợ Cống, chợ Xép… Thỉnh thoảng đi chợ tôi được mấy mẹ, mấy o… chào hỏi, gọi mời: “Cá kình bữa ni ngon Võ Quê mua về đổ bánh khoái cho vợ con ăn nì!”. Người làng Chuồn lớn hay nhỏ thường gọi luôn cả họ tên tôi mà không có từ em, chú, bác… kèm theo. Với tôi đây cũng là một hạnh phúc!

Bánh khoái cá kình là một đặc sản chỉ có ở chợ Chuồn. Muốn ăn bánh, phải trực tiếp tới mua cá kình đem về hàng bánh khoái. Người ăn chỉ việc trả tiền bột, tiền công cho người đổ bánh. Sáng nay tôi mua 20.000 đồng cá kình nơi mệ Hạnh. Mệ đang đếm cá kình bán cho tôi đổ bánh khoái đó.

Cá kình thịt thơm, ruột cá kình ngon, ăn nhiều thì ngủ tốt. Bên cạnh món bánh khoái, cá kình còn để nấu canh thơm (dứa, khóm) rất tuyệt vời.

O Lành  đổ bánh khoái mà nụ cười tươi rói. Bánh khoái vừa nóng vừa thơm, hấp dẫn, chưa ăn đã thấy thèm! Tôi cũng không quên mua 5 đòn bánh tét Chuồn làm quà cho các bạn đồng hành bởi sáng nay (5. 6. 2009) tôi về chợ Chuồn với đoàn làm phim Ban Văn Nghệ Trung Tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế. Bạn có tin không: Tôi đang làm diễn viên!!!