Print

AI OÁN TẠI NGÔI LÀNG VẮNG MẸ CHA Ở THỪA THIÊN HUẾ - Mỹ Phúc

Category: Báo chí
Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 4142

(Seatimes) - Xa gia đình bỏ xứ làm ăn, nhiều gia đình bỗng chốc xây nhà lầu, mua xe lớn. Tuy nhiên kéo theo nhiều hệ lụy xấu.

Cuộc sống nơi quê nhà khó khăn, vất vả, nhiều người cặp vợ chồng ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế chấp nhận bỏ lại con cái, nhà cửa để đi sang nước Lào tìm cơ hội làm ăn. Kinh tế nhiều nhà bỗng “phất lên” trông thấy, tuy nhiên kéo theo đó là nhiều hệ lụy xấu dần len lỏi vào chính các gia đình này, và người gánh chịu chính là những đứa trẻ.
Những đứa trẻ thiếu tuổi thơ.
Có mặt tại một thôn thuộc xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, điều đầu tiên khiến chúng tôi choáng ngợp là những ngôi nhà xây cửa cao, cổng lớn, hết sức khang trang nằm sát nhau như phố. 
Nhưng khác với vẻ bề ngoài chúng tôi thấy, bên trong những ngôi nhà này hình như chỉ có trẻ em và người già. Bước vào những căn nhà này, cảm giác lạnh lẽo luôn bao trùm bởi ở đây không có hơi ấm của những người cha, người mẹ.

Tại xã Lộc Bổn, hình ảnh những ngôi nhà lớn khang trang nhưng lại thiếu bóng dáng của người cha, người mẹ.

Với nhiều gia đình ở đây, việc sang Lào làm ăn mang lại cho họ một cuộc sống khắp khá, đầy đủ hơn về kinh tế. Sau một thời gian bôn ba nơi đất khách, nhiều người đã có thể xây nhà lớn, “tậu” xe sang, con cái của họ cũng có cuộc sống đầy đủ, điều kiện học hành trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, để có những thứ đó, những người cha, người mẹ ở đây đành chấp nhận đánh đổi cuộc sống, tuổi thơ của những đứa con.
Theo thống kê, ở khu vực này có hơn 70% cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ đi sang Lào “làm giàu”. Mỗi năm chỉ về nhà 1 đến 2 lần là nhiều.
Với nhiều đứa trẻ cùng chăng lứa, cha mẹ luôn ở bên, chăm lo từ việc ăn uống, học hành vui chơi. Nhưng ở những ngôi nhà này, các em nhỏ phải tự lo hết mọi việc, chúng phải tự lập hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa với việc áp lực cuộc sống bắt đầu đè lên vai những đứa trẻ đang ở tuổi ăn tuổi học. Từ những việc  đó, tuổi thơ của những đứa trẻ ở đây vô tình bị đánh mất.
Chúng tôi ghé thăm nhà em V.T.N.Q (14 tuổi, tại thôn Bình An, xã Lộc Bổn) thì được biết, ba mẹ đi Lào đã hơn 10 năm nay, mới đây chị gái đầu có gia đình về sinh cháu bên nhà bà ngoại, còn anh trai cũng bỏ học qua Lào để phụ giúp ba mẹ. Hiện tại, hai chị em ở nhà đi học và tự lo cho nhau. Hàng tháng được ba mẹ gửi tiền về để 2 chị em chi tiêu, ăn uống.
Không may mắn như những gia đình khác, tuy làm ăn nhiều năm ở đất khách quê người thế nhưng hoàn cảnh gia đình em Q. vẫn không mấy khấm khá. Nhà cửa đơn sơ, hàng ngày hai chị em lủi thủi trong căn nhà trống trải, khiến ai nhìn vào cũng không khỏi chạnh lòng.
 

Chia sẻ với chúng tôi em Q. nghẹn ngào: “Có ba mẹ ở nhà thì vui lắm, cái chi trong nhà ba mẹ cũng lo hết, mình không cần lo, chỉ lo chuyện đi học thôi. Không có ba mẹ thì em thấy rất buồn và mệt. Em cũng ước ba mẹ về nhà ở lắm nhưng về thì không có tiền…”

Nhiều học sinh bỏ học nữa, không phải vì nghèo!
Theo người dân địa phương, mỗi ngày ở làng có hơn chục chuyến xe sang Lào. Quốc lộ 1A đoạn qua thôn Hòa Vang (xã Lộc Bổn) trở thành “bến xe Lào” của người dân trong và ngoài xã. Hầu hết các gia đình đi Lào tại xã Lộc Bổn đều để con em lại cho ông bà nuôi, có khi cho đi theo, khi các em đến tuổi đi học mới gửi về nhà cho ông bà trông giữ hoặc để tự lo.
Chính việc thiếu sự chăm lo của cha mẹ ngay từ nhỏ, thêm vào đó là môi trường sống phức tạp, các em phải chịu nhiều tác động về học tập, sức khỏe, cũng như phát triển tâm sinh lý theo hướng tiêu cực phần nhiều.
Từ đó, cuộc sống của nhiều em nhỏ bị đảo lộn, kéo theo nhiều hệ lụy xấu như sức khỏe không đảm bảo, bỏ học giữa chừng, với những em lớn hơn thì xảy ra tình trạng tụ tập ăn chơi, nghiện hút, đánh nhau.
Tại trường Trung học cơ sở Lộc Bổn (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), số lượng học sinh bỏ học qua mỗi năm vẫn còn tồn tại, nhất là khoảng thời gian đầu năm học và sau tết Nguyên Đán. Những năm trước, số lượng học sinh bỏ học lên đến vài chục em, thế nhưng trong vòng một năm trở lại đây số lượng đó đã giảm đáng kể.
Trao đổi với thầy Bạch Văn Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Bổn cho biết: “Số lượng học sinh nghỉ học giữa chừng đã giảm đi nhiều so với những năm trước, tuy nhiên trong năm nay vẫn còn 6 em bỏ học. Những em này hầu hết sau khi bỏ học đều theo ba mẹ qua Lào”.
Tuy nhiên, điều đáng nói là số lượng học sinh bỏ học phần lớn không phải thiếu điều kiện kinh tế, mà do các em ham chơi, lêu lỏng khi không có sự quan tâm chu đáo, sâu sát từ phía phụ huynh dẫn đến học tập sút kém, bỏ học theo cha mẹ qua Lào kiếm tiền. Qua quá trình vận động, tình trạng học sinh bỏ học đã giảm đi nhiều, đây là tín hiệu tích cực cho những nỗ lực của nhà trường và các cấp chính quyền địa phương.
Đối với người dân nhiều thôn xã Lộc Bổn, Lào là  miền đất hứa. Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt, nhiều gia đình bỏ xứ đi Lào làm ăn, số làm ăn được, số thì trở nên rượu chè, trộm cắp, thậm chí hút chích, sa vào các tệ nạn ở bên kia biên giới sau đó lây nhiễm về tận xóm làng, nơi con cái họ đang sống.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến xã Lộc Bổn trở thành điểm nóng về an ninh, trật tự trong toàn huyện. Nhất là thời điểm các ngày lễ lớn và tết Nguyên Đán, khi mà các thanh, thiếu niên từ 16 đến 18 tuổi bên Lào trở về quê, tình hình an ninh, trật tự ở đây càng thêm phức tạp.
Ông Võ Đại Châu, Trưởng công an xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc cho biết: “Tệ nạn ở xã chủ yếu tập trung vào lứa tuổi thanh, thiếu niên. Các đối tượng này đa số là bỏ học từ sớm, cha mẹ đều đi làm ăn xa, từ đó thường xuyên tụ tập bạn bè ăn chơi, trộm cắp, đánh nhau”.
Qua theo dõi, địa phương cũng đã phát hiện một số đối tượng có cha mẹ đi xa, đang có dấu dấu hiệu sử dụng ma túy – Ông Châu cho biết thêm.
Theo bác sĩ Võ Đại Thuận, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lộc Bổn, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại xã vào năm 2004. Đến nay, xã đã có 27 người nhiễm HIV, đứng đầu so với 150 xã, phường trong tỉnh. Trong đó 14 người chết do AIDS, 13 người đang được theo dõi sức khỏe và có 1 trường hợp là trẻ em. Phần lớn HIV ở xã lây nhiễm qua đường tình dục, những người nhiễm bệnh chủ yếu làm ăn xa về.

Mỹ Phúc

Theo Tạp Chí Đông Nam Á.
.
http://seatimes.com.vn/ai-oan-tai-ngoi-lang-vang-me-cha-o-thua-thien-hue-n103286.html