Print

NHỮNG NỖI LO CHƯA BAO GIỜ VƠI – Võ Quê - Văn Nghệ Trẻ số 48 (1.12.2013)

Category: Báo chí
Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 3852

 

“Với đất nước mình, lẽ ra xã hội càng phát triển con người càng được nhẹ gánh âu lo, không còn những băn khoăn về phận người khổ đau, bất hạnh, mất mát… Nhưng buồn thay, xót xa thay người dân lại phải luôn nơm nớp lo nhiều nỗi: giá xăng tăng thì nhiều, giảm lại ít; giật gấu vá vai theo vật giá leo thanh mỗi ngày; nỗi đau vì lũ của đất trời chồng thêm nỗi đau bởi lũ thủy điện, lũ bùn đỏ ti-tan; nỗi đau nhân tình, án oan, lừa đão, bội tín…”  Nhà thơ Võ Quê chia sẻ cùng VNT những trăn trở của mình về cuộc sống hiện nay.

- PV: Con người luôn cùng lúc đối diện với thiên tai, và đối diện những người xung quanh mình. Tôi nhớ ông có mấy câu thơ “Sầu đói tóc xanh cũng sói đầu/ Cầu lon đầy gạo hãy còn lâu/ Đất tổ thiên tai làm đổ tất/ Giàu đi nghèo đến có gì đau!” và tôi nhớ những con người ở miền Trung khi thiên tai ập đến. Mỗi lần nghe thông tin báo bão, cảm giác đầu tiên của ông?

- Khi nhắc đến hai chữ miền Trung là nhiều người trong cả nước và kiều bào ở hải ngoại thường liên tưởng đến vùng đất có khí hậu khắc nghiệt với thiên tai, bão lụt triền miên hằng năm đưa cuộc sống của người dân nơi đây lâm vào cảnh cơ hàn, bất trắc, nghèo khổ; và chính thiên tai cũng đã trở thành đề tài của thơ ca, âm nhạc… đơn cử như trước đây có bài ca Huế theo làn điệu Cổ bản với tựa đề “Vì cuộc diễn kịch ở Lao-kay để lấy tiền giúp nạn dân Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu hay ca khúc “Hội trùng dương” của Phạm Đình Chương với hình ảnh Huế “mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn, trời hành cơn lụt mỗi năm…”. Thường trực đối mặt với những điều không bình yên trước thiên nhiên, người dân miền Trung đã có một quá trình sống nhọc nhằn, chịu thương chịu khó; họ luôn phải khắc phục những thử thách lớn để vượt lên chính mình.  Tôi cũng là một thành viên trong cộng đồng miền Trung gian khó ấy cho nên khi mùa mưa bão, lũ lụt về thường không tránh khỏi nỗi trăn trở, âu lo. Mỗi lần nghe thông tin bão xa, bão gần, bão khẩn cấp… là tâm trạng xốn xang, bức bối; chỉ biết thầm mong bão chuyển hướng rồi sớm tan ngoài biển xa. Tôi hiểu những người quanh tôi cũng có chung cảm xúc đó.

- PV: Nhân những câu chuyện về 20.11 ở các thành phố lớn, tôi chợt nhớ đến những ngày 20.11 đã qua, khi tôi còn đang học trên ghế nhà trường phổ thông, ngày lễ là dịp vui vẻ, gặp nhau, đến nhà thầy này, cô kia, và nó chưa bao giờ là gánh nặng. Bây giờ quá nhiều nỗi lo, và nỗi lo không chỉ cho phụ huynh và cả học sinh. Ông có cảm giác rằng, xã hội càng hiện đại, con người càng sống gấp thì nỗi lo càng nhiều không?

- Truyền thống tôn sư trọng đạo, tình nghĩa thầy trò của đất nước mình đã in sâu trong tâm thức mỗi người và trở thành những giá trị nhân văn rất lớn trong đời sống văn hóa Việt. “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, câu ca dao một thời đến nay vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa, đẹp và tình. Ngày 20.11 là một ngày đáng quý, đáng trân trọng để thể hiện sự tri ân chân thành đối với những người đã khai tâm, khai trí cho biết bao thế hệ học trò để học trò có cơ hội “ngày nay học tập ngày mai giúp đời”. Tuy nhiên do xã hội ngày nay đang có những hiện tượng không lành mạnh, tiêu cực nên vô hình chung đã góp phần biến ngày 20.11 thành nỗi lo trong phụ huynh và cả học sinh. Lẽ ra cuộc sống càng hiện đại thì con người càng sống thoải mái, ung dung trong những điều kiện tốt đẹp của tiện nghi nhưng do còn hạn chế về trình độ văn minh nên người ta càng sống gấp, sống vội, thực dụng, mà càng thực dụng thì chất chứa nhiều mối âu lo, phiền muộn, không hạnh phúc thật sự trong từng khoảnh khắc thời gian.

- PV: Tôi thấy thật sự yêu thích hính ảnh những học trò quê cầm theo mấy bông hoa trong vườn nhà, có khi là nải chuối, hay thứ quà bánh gì đấy đến thăm cô, thăm thầy và thực sự tiếc, chúng ta đang bỏ qua những điều giản dị, những điều tưởng như chẳng có gì trong cuộc sống để đổi lấy những cái chỉ là hình thức, là vỏ bọc. Ông đang thấy mọi sự đang đổi thay quá nhanh?

- Tình thầy trò trong sách đẹp đẽ ấy đang có nguy cơ bị biến khi những giá trị tinh thần đang bị xói mòn bởi lối sống thực dụng, chạy theo vật chất, hiện kim của một số người trong xã hội. Chạy theo hình thức, vỏ bọc; vun đắp sắc tướng hiện nay không chỉ riêng trong giáo dục mà còn trên nhiều lĩnh vực khác. Khi có cơ hội là sắc tướng hiện hình mặc dù tượng càng to thì bụng càng rổng, những điều giản dị đẹp và lành sớm bị chìm trong đời thực. Hằng ngày trên từng trang báo cũng đã cho chúng ta thấy sự thay đổi quá nhanh những hình thức, nội dung của nhiều thứ, trong đó có chuyện dân đang khổ vì “nhiều trụ sở hoành tráng” và thực sự dân đang khổ vì đủ mọi thứ và cũng là người phải chịu mọi sư cao thuế nặng.

- PV: Sống ở Huế, tôi nghĩ sự khác biệt là rất rõ. Từ hình ảnh những cô gái đội nón bài thơ, mặc áo dài tím, giọng nói ngọt ngào với vẻ đẹp Huế ấy hình như thảng hoặc giờ mới gặp lại. Ông đã từng có lúc tự trào khi ngược xuôi thế sự, vậy sự tiếc nuối là có thật, đúng không ạ?

- Đúng là có những sự đổi thay trên thành phố Huế thơ và mộng trong đó có hình ảnh những cô gái đội nón bài thơ đang thay bằng mũ bảo hiểm và khẩu trang. Với nón bảo hiểm và khẩu trang thì hình ảnh cô gái Huế ngày nay cũng giống các cô gái ở những thành phố khác trong cả nước. Tôi đã từng viết bài thơ “Buổi sáng/ em chào anh/ nụ cười khẩu trang!”. Đúng là tôi đã thật sự tiếc nuối khi mỗi ngày không còn được nhìn ngắm vẻ đẹp nên thơ trữ tình của một thời “Huế mộng mơ”. Mong sao cảnh sắc, thiên nhiên Huế luôn nuôi dưỡng hồn Huế trong mỗi người để dù có biến dạng hình thức bên ngoài nhưng những giá trị phi vật thể vẫn đỉnh đạc sống trên kinh thành Huế.

- PV: Tôi cho rằng Con người với rất nhiều nỗ lo là có thật, nào xăng tăng, vật giá leo thang, nỗi đau mùa lũ, nỗi đau về nhân tình… và những nỗi lo ấy chưa bao giờ vơi. Tại sao xã hội càng phát triển con người càng gánh lên vai mình những nỗi lo toan đến vậy, thưa ông?

- Với đất nước mình, lẽ ra xã hội càng phát triển con người càng được nhẹ gánh âu lo, không còn những băn khoăn về phận người khổ đau, bất hạnh, mất mát… Nhưng buồn thay, xót xa thay người dân lại phải luôn nơm nớp lo nhiều nỗi: giá xăng tăng thì nhiều, giảm lại ít; giật gấu vá vai theo vật giá leo thanh mỗi ngày; nỗi đau vì lũ của đất trời chồng thêm nỗi đau bởi lũ thủy điện, lũ bùn đỏ ti-tan; nỗi đau nhân tình, án oan, lừa đão, bội tín… Tại sao ư? Nhiều nguyên nhân lắm! Giá như đất nước được vận hành tốt bởi nhưng nhà quản lý, điều hành giỏi, nói như ngôn ngữ hiện nay là “có tầm, có tâm”, ngọn “lửa đương chức” luôn nhiệt thành, chí cốt vì dân, vì nước, giá như không có “nhóm lợi ích”, giá như đừng “địa phương cục bộ”, giá như… thì những nỗi lo toan trong dân nhẹ dần đi cùng năm tháng!

- PV: Là thi sĩ, ông có cách nào để giúp mình “giải thoát” khỏi những lo toan, để trời lụt ca nhi khỏi trụt lời không?

- Đi và viết cũng là một hình thức để giúp mình “giải thoát” khỏi những lo toan từ bộn bề cuộc sống. Tình yêu quê hương, niềm mong ước thiết tha được gắn bó khăng khít với môi trường mình đang trải nghiệm đã trở thành động lực chính giúp tôi bình tâm hơn để trời lụt ca nhi khỏi trụt lời. Và nhờ không “trụt lời” nên hiện nay tôi đã cùng giới nghệ sĩ, nghệ nhân đàn, ca Huế thuộc nhiều thế hệ mở một Thính phòng Ca Huế tại 25 Lê Lợi, Huế biểu diễn phục vụ miễn phí vào lúc 19 giờ 30 tối thứ Ba, thứ Sáu hằng tuần. Nếu có dịp đến Huế, xin mời quý tri âm ghé đến nơi đây. Giữ gìn và phát huy nghệ thuật âm nhạc dân tộc cổ truyền cũng là một cách vô ưu mà lại tăng phần hoan hỷ!

CHI ANH thực hiện.