Print

VỀ CHỢ CHUỒN ĂN BÁNH KHOÁI CÁ KÌNH

Category: Báo chí
Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5890

TT - Nằm cạnh đình làng đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, chợ làng Chuồn (An Truyền) ở xã Phú An, huyện Phú Vang, cách TP Huế 5km về hướng đông, vốn nổi tiếng với các đặc sản rượu Chuồn, bánh tét, rau câu đầm Chuồn... Đặc biệt là bánh khoái cá kình.

 

Vừa ăn vừa xem đổ bánh - Ảnh: V.Q.

Bánh khoái là đặc sản của Huế với những quán Thượng Tứ, Hạnh... nổi tiếng bấy lâu. Bánh được làm bằng bột gạo, nhân tôm thịt, giá, nấm, ăn với nước lèo và rau sống. Từ nguyên vật liệu đến cách chế biến đều đơn giản và gọn nhẹ nhưng ăn thì rất “khoái”. Đặc biệt hấp dẫn với du khách gần xa phải nói đến bánh khoái cá kình ở chợ làng Chuồn.

Cá kình là loại cá đầm, nước lợ, con be bé, lớn nhất chỉ bằng ba ngón tay. Mùa cá kình thường từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Thịt cá màu vàng ươm, mềm mại, thơm và ngon ngọt, gan cá kình bé tí xíu nhưng rất béo, mật cá đăng đắng là vị thuốc giúp ăn ngon ngủ yên nên khá đắt tiền. Bánh khoái vẫn làm bằng bột gạo nhưng nhân bánh không phải là tôm thịt mà là cá kình nguyên con, nước chấm không phải nước lèo mà là nước mắm ruốc nguyên chất, không có rau sống ăn kèm. Rất đơn giản: bột, cá và nước mắm!

Lần đầu khi được mời ăn bánh khoái cá kình, rụt rè gắp từng miếng nhỏ cứ sợ vụng về lỡ mắc xương. Ăn cái thứ nhất ngần ngại, bạo dạn hơn với cái thứ hai, kinh nghiệm với cái thứ ba. Lúc ăn phải dùng lưỡi từ từ lừa xương ra khỏi mình cá, khi chỉ còn thịt cá và bột mới trực tiếp cầm bằng tay chấm nước mắm thoải mái ăn. Ăn bánh khoái cá kình phải từ tốn, chưa ăn thì thấy ngại, khi đã biết ăn rồi sẽ ghiền và mê.

Hiện ở Huế chưa có nhà hàng nào bán món bánh khoái cá kình, duy chỉ ở chợ làng Chuồn. Đến mùa cá kình, mấy quán bán bánh khoái càng bộn bề khách khứa. Khách muốn ăn cứ vào chợ, ngồi chồm hổm bên bếp, đổ xong cái nào là ăn ngay cái đó. Trong tư thế ấy, tâm trạng ấy, trong lúc chờ đợi ta sẽ được nghe âm thanh xèo xèo của bột khi được đổ vào khuôn dầu nóng. Mắt sẽ thấy được màu sắc của bánh, mũi ngửi được mùi thơm và miệng được thưởng thức vị ngon, ngọt, béo, bùi, mặn, cay... Khi ấy ta mới thấu hiểu cái thâm thúy của dân gian vì sao gọi là bánh khoái!

Những mùa cá kình gần đây đã thấy xuất hiện các nam thanh nữ tú từ TP Huế về chợ Chuồn ăn bánh khoái cá kình, trong đó vài thực khách trẻ đã chí thú giới thiệu bánh khoái cá kình với bạn bè bốn phương trên Facebook. Nên chăng, khi đến mùa cá kình, ở Huế cần có các tiệm bán món bánh đặc sắc này để giới thiệu với du khách và phục vụ thực khách!

NHỊ KIỀU

Nguồn: http://dulich.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=454288&ChannelID=218